Tập đoàn Tencent – ‘trùm’ công nghệ Trung Quốc đứng sau sàn thương mại điện tử Shopee

Tập đoàn Tencent – ‘trùm’ công nghệ Trung Quốc đứng sau sàn thương mại điện tử Shopee

Tencent – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd – chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee – với 39,7% cổ phần.

Tencent – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd – chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee – với 39,7% cổ phần.

shopee

Tính đến năm 2017, Shopee đã ghi nhận 80 triệu lượt tải ứng dụng, tại Việt Nam là hơn 5 triệu lượt.

Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA Ltd (trước đây là Garena), được thành lập vào năm 2009 bởi doanh nhân trẻ Forrest Li (Li Xiaodong).

Forrest Li sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc). Li từng theo học tại Đại học Thượng Hải và sau đó trở thành một công dân Singapore.

Được thành lập vào năm 2009, Garena (được đổi tên thành SEA Ltd từ ngày 8/5/2017) đã sớm gặt hái thành công với sự hỗ trợ của nhà đầu tư và “người thầy” Tencent – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Tập đoàn Tencent của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd với 39,7% cổ phần, trong khi Blue Dolphins Venture – một tổ chức riêng của nhà sáng lập Forrest Li – chiếm 15%. Cá nhân ông Li nắm giữ 20% và 10% còn lại thuộc sở hữu của Giám đốc Công nghệ Gang Ye.

Mặc dù được “khai sinh” bởi ông chủ gốc Trung Quốc, đặt trụ sở tại Singapore nhưng trên giấy tờ, SEA Ltd và kể cả Garena trước đây) lại được đăng ký pháp nhân tại quần đảo Cayman Islands – một “thiên đường thuế”. 

Hoạt động kinh doanh của Sea bao gồm 3 mảng chính là Garena Digital Entertainment (được biết đến với game Liên Minh Huyền Thoại); Shopee (sàn giao dịch thương mại điện tử); Airpay (ứng dụng Ví điện tử di động cho phép người dùng mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn)… Mảng kinh doanh game của Sea hiện chiếm hơn 90% tổng doanh thu toàn công ty.

Giống như Tencent, công ty cung cấp những tựa game miễn phí sau đó kiếm tiền thông qua việc bán những đồ vật trong game (như vũ khí) cho người chơi. Với mảng kinh doanh thương mại điện tử, Sea kiếm tiền chủ yếu từ hoa hồng và quảng cáo.

Năm 2016, SEA được định giá 3,75 tỷ USD và trở thành startup giá trị nhất Đông Nam Á. Năm 2017, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của SEA trên sàn chứng khoán New York đã nâng con số này lên 4 tỷ USD.

SEA

Sơ đồ các công ty con và công ty liên kết của SEA Ltd. Nguồn: Nasdaq.com

Ở Việt Nam, cả 3 lĩnh vực hoạt động đã được công ty triển khai. Garena được thành lập ngày 8/5/2009 và ngay sau đó 1 tháng, công ty con của Garena là Vietnam Esports Development Joint Stock Company – Công ty Cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Esport., JSC) được thành lập ngày 9/6/2009.  

Esport hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử, thương mại điện tử và giải trí trực tuyến. Một số sản phẩm tiêu biểu của Vietnam Esports: Garena Plus (G+), GCafe, Vietnam Esports TV, Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 3…

Sau đó hai năm, Garena tiếp tục thành lập Vietnam Esports and Entertainment Joint Stock Company – Công ty Cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam vào ngày 5/10/2011, tiền thân là Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình (Hòa Bình).

Đến tháng 2/2015, công ty con Shopee Company Limited ra đời. Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt vào ngày 8/8/2016 với mục tiêu cạnh tranh trên đấu trường thương mại điện tử Đông Nam Á như Lazada (Công ty được sở hữu bởi gã khổng lồ Alibaba).

Gần nhất, SEA thu hút sự chú ý của giới kinh doanh khi thâu tóm đến 82% cổ phần của Foody – một startup nổi danh thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn ở Việt Nam. Giá trị thương vụ này lên đến 64 triệu USD.

Mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C Marketplace – trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Tuy nhiên, hiện nay Shopee Việt Nam đã trở thành mô hình lai khi có cả B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Shopee không tính phí của người bán/hoa hồng và phí đăng bán sản phẩm.

Tính đến năm 2017, nền tảng này đã ghi nhận 80 triệu lượt tải ứng dụng, tại Việt Nam là hơn 5 triệu lượt. Sàn này hiện đang làm việc với hơn 4 triệu nhà cung cấp với hơn 180 triệu sản phẩm.

Trong quý IV/2017, tổng giá trị hàng hóa của Shopee được báo cáo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 206% so với năm trước. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ ở tập đoàn mẹ là SEA cũng tăng đáng kể. Tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ ròng 252 triệu USD trong quý IV/2017, tăng 306% so với mức lỗ ròng 62 triệu USD của quý IV/2016.