Tảo mộ ngày tết là gì, ý nghĩa giáo dục của phong tục này?
Chưa tảo mộ là thấp thỏm không yên
Cận tết, nhiều gia đình ở TP.HCM đã mua thịt vịt quay, heo quay, trái cây, các loại bánh, di chuyển tới các nghĩa trang trong TP.HCM để tảo mộ, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2023. Thông thường, các gia đình đi tảo mộ ngày 25 tháng chạp, nhưng cũng nhiều gia đình có thể bố trí, sắp xếp thời gian để con cháu đông đủ để đi tảo mộ từ 10 tháng chạp tới 30 tết.
Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM cho biết người Việt vốn quan niệm “sống cái nhà, chết cái mồ”. Những ngày cuối năm, gia đình nào cũng lo dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa cho gọn gàng, vừa đến các nghĩa trang, phần mộ của ông bà, tổ tiên để sửa sang, tu bổ mộ phần của những người quá cố.
Tục lệ tảo mộ có từ bao đời nay, theo truyền thống, nhiều gia đình với các thế hệ cùng đi tảo mộ ông bà vào 25 tháng chạp. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, cứ sau ngày 10 tháng chạp tới 30 tết, khi gia đình đã đông đủ cháu con có thể xách hoa, trái cây, bánh trái tới để cúng ông bà tổ tiên.
Mọi người cùng phát cỏ, dọn dẹp mộ phần, trang trí lại mộ phần cho tươm tất rồi mời ông bà, tổ tiên cùng về nhà đón tết cùng con cháu. Gia đình nào cũng phải bố trí làm sao để trước chiều 30 tết, công việc tảo mộ phải xong xuôi mới về để đón giao thừa. Cận giao thừa mà việc tảo mộ chưa xong thì con cháu còn bộn bề trong lòng, chưa thấy an yên.
Truyền thống có ý nghĩa rất lớn
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM, Chủ tịch Hội Kiều học TP.HCM, cho biết tục lệ tảo mộ dịp tết là truyền thống bao đời nay, có ý nghĩa rất lớn.
Theo nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân truyền thống của dân tộc Việt Nam là truyền thống luôn hướng về cội nguồn, về cha ông, tổ tiên. Tết Nguyên đán đến, ai cũng nghĩ về ông bà, cha mẹ , tổ tiên. Dù đi đâu, làm đâu nhưng con cháu luôn nhớ về việc thắp hương, dâng hương tới mộ phần ông bà, xin cho con cái được vạn sự như ý.
“Tục lệ tảo mộ ngày tết thể hiện tinh thần tôn thờ, kính yêu, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Nói đến con người là nói đến tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, không thể nào quên được phẩm chất ấy. Người nào quên đi lòng hiếu thảo, thì đó không còn là một con người có đạo đức tốt. Đây là truyền thống của Việt Nam, là cách để giáo dục tinh thần cho lớp trẻ. Đây cũng là dịp răn dạy mỗi người phải nhìn lại đạo đức của chính mình, nhắc nhở người lớn hãy luôn sống tốt với mọi người, với cha mẹ của mình”, nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân nói.
Thạc sĩ Trần Thiện Khanh, giáo viên lịch sử Trường THCS Hùng Vương, Q.Tân Phú, TP.HCM cũng cho hay phong tục tảo mộ cuối năm của người Việt là một phong tục đẹp để con cháu cùng nhớ về tổ tiên, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Thạc sĩ Trần Thiện Khanh cho rằng nhịp sống có hiện đại đến đâu thì có những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng không nên, không được phép mai một. Tảo mộ dịp tết là dịp để người Việt dạy dỗ các con hiểu về truyền thống dân tộc, gắn kết các thế hệ trong gia đình, giúp các con cháu hiểu về nguồn cội của mình. Bởi chỉ khi nào con người hiểu về nguồn cội, tri ân với nguồn cội, không quên gốc rễ của mình thì mới có thể phát triển vững vàng được trước nhịp sống biến động và nhiều sự đổi thay…