Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): Tính toán những việc cần làm ngay
Phóng viên: Dù đã dự cảm những khó khăn năm 2023 nhưng tăng trưởng GRDP của TP HCM trong quý I khiến nhiều người bất ngờ. Ông có thấy vậy không?
– TS HUỲNH THẾ DU: Đúng là tôi bất ngờ với mức tăng trưởng 0,7% của TP HCM và 3,32% của cả nước vì không nghĩ lại thấp quá như vậy. Những cấu phần của tăng trưởng kinh tế – gồm tiêu dùng, đầu tư (đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước), chi tiêu công và xuất khẩu – đều giảm mạnh.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright Việt Nam
Bức tranh của cả nước về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng đều sụt giảm. Trong bức tranh này, TP HCM còn khó khăn hơn khi mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Lần đầu tiên sau khoảng 40 năm, TP HCM rơi vào nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Đáng chú ý, đầu tư đang là thách thức lớn nhất, nỗi lo lớn của TP HCM khi mức tăng chung chỉ 4,4%, với vốn nhà nước giảm 3,3%, vốn ngoài nhà nước tăng 4,5% và vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4%.
Chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng của TP HCM cũng đang là điểm nghẽn. Mức chi chung giảm 8,5% và chi đầu tư chỉ 487 tỉ đồng – đạt 1,1% dự toán. Điều này cho thấy trong gần 60 ngày làm việc của quý I, con số chi chỉ hơn 8 tỉ đồng mỗi ngày cho một thành phố kinh tế đầu tàu cả nước là như muối bỏ biển. “Có tiền mà không tiêu được” là một thách thức phải tháo gỡ.
Khó khăn và nguyên nhân khó khăn đã được đề cập nhiều. Điều quan trọng được quan tâm lúc này là TP HCM nên làm gì và có thể làm ngay những gì để tăng tốc vực dậy kinh tế, thưa ông?
– Phải tính toán khả năng tăng trưởng của TP HCM. Nên giao Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM hoặc một nhóm chuyên gia phân tích những nguồn tăng trưởng, khả năng tăng trưởng đến từ các nguồn nào, hoạt động kinh tế nào chiếm tỉ trọng cao nhất. Từ đó, giao cho các đầu mối đôn đốc, theo dõi sát sao tiến độ và kịp thời điều chỉnh để phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Tăng trưởng kinh tế TP HCM có những cấu phần gồm: tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công và xuất khẩu. Tiêu dùng gặp khó trong bối cảnh tâm lý người dân thận trọng nhưng có thể tính tới giải pháp kích cầu. Chi tiêu của khu vực nhà nước (đầu tư công), bao gồm cả tăng lương, cần làm tối đa, thậm chí vay mượn các năm khác…
Giải pháp về kích cầu tiêu dùng được nhiều chuyên gia đề cập để thúc đẩy các ngành sản xuất của TP HCM tăng trưởng trở lại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thách thức lớn nhất của TP HCM là “có tiền mà chi không được”, phải gỡ nút thắt này. Đây là giải pháp có thể chủ động nhất của chính quyền thành phố để tăng GRDP, đặc biệt là tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có giá trị cho sự phát triển sau này.
Về đầu tư tư nhân của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, nên xem xét dự án, công trình, hoạt động sản xuất – kinh doanh nào có khả năng tạo ra GDP mà đang vướng mắc thủ tục cần tháo gỡ thì phải làm bằng được, từ đó kích thích sản xuất – kinh doanh, gia tăng sản phẩm… Tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh hiện nay gặp nhiều khó khăn vì kinh tế thế giới suy thoái. Giải pháp hiệu quả và thực tế nhất vẫn là giữ được các đơn hàng hiện có.
Như vậy, phải tính các nguồn tăng trưởng, giao cho lãnh đạo thành phố phụ trách thường xuyên cập nhật, theo dõi khả năng tăng trưởng để điều chỉnh giải pháp cho phù hợp nhằm đạt gần nhất mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% của năm nay.
Có ý kiến cho rằng tâm lý làm việc của đội ngũ nhân sự cũng là một nút thắt cần tháo gỡ để TP HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn, bên cạnh những giải pháp khả thi như ông vừa đề cập?
– Đúng vậy! Tháo nút thắt động lực và tâm lý làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức là một yếu tố quan trọng.
Cuộc chiến chống tham nhũng là hết sức đúng và tuyệt đối cần thiết. Nhưng trong bối cảnh không phải lúc nào cũng có thể phân định đúng sai, tâm lý “làm sợ sai, sợ trách nhiệm” đang tác động đến nhiều cán bộ, nhất là ở địa phương, thì cần sớm có các cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thực tế, TP HCM lúc này rất cần những cán bộ, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, đúng với tinh thần phát triển của thành phố bao năm qua.
Đối với TP HCM, yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức. Có lẽ đây là giai đoạn đội ngũ cán bộ, công chức thành phố có nhiều tâm tư nhất. Để xóa tan nghi ngại, lãnh đạo thành phố phải nỗ lực đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức chủ động, sáng tạo trước những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt “phá rào” mới trong phát triển kinh tế.
Ngoài ra, đây là lúc TP HCM cần phát huy vai trò đầu tàu trong việc liên kết phát triển khi tất cả địa phương trong vùng đang rất cần động lực tăng trưởng mới. Vấn đề này nếu được giải quyết tốt thì không chỉ mang lại thành quả kinh tế cho TP HCM mà còn xốc dậy cả một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
PGS-TS TRẦN HÙNG SƠN – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Luật – ĐHQG TP HCM:
Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới
Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM là một hướng để phát triển kinh tế thành phố trong trung và dài hạn. Nếu kế hoạch này được thực hiện đúng theo tiến độ thì sẽ là một động lực tăng trưởng mới cho thành phố.
Dù vậy, vẫn có những thách thức trong quá trình triển khai, cần lưu ý để đề án này có thể đạt hiệu quả. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực cần đáp ứng yêu cầu của trung tâm tài chính quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế thử nghiệm cho những sản phẩm dịch vụ tài chính mới mà trên thế giới gọi là sandbox. Ngoài ra, lựa chọn nhân sự chuyên trách triển khai đề án này ở trung ương và TP HCM; lựa chọn đơn vị tư vấn, quá trình thực hiện… cũng là những bài toán cần có lời giải cụ thể, phù hợp.
Thạc sĩ – luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa:
Quy hoạch ngành để phát triển
Sự phát triển chậm chạp của kinh tế TP HCM thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lạc hậu trong quy hoạch phát triển ngành.
Là trung tâm của khu vực phía Nam, TP HCM có lợi thế về thương mại, phân phối hàng hóa với những khu thương mại sầm uất hàng trăm năm. Nếu TP HCM tập trung phát triển thương mại, mở rộng và hiện đại hóa những trung tâm này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân thì chắc chắn đây sẽ là nguồn thu rất lớn mà không tốn nhiều chi phí đầu tư.
Tương tự Singapore, TP HCM có hệ thống sông, biển phong phú. Do đó, ngành logistics và hậu cần vận tải đường thủy cần được ưu tiên. Từ hàng trăm năm trước, hàng hóa đều được tập trung tại thành phố và trung chuyển đi cả khu vực. Hoạt động này cần khôi phục. Cần tận dụng hệ thống cầu cảng hiện có, hiện đại hóa để phục vụ kinh tế, tránh nguy cơ bị đô thị hóa bởi các dự án thương mại khác. Lịch sử chứng minh sự phát triển của Singapore bắt đầu từ ngành logistics. Đó là gợi ý để TP HCM xem xét ưu tiên.
Tóm lại, phát triển kinh tế TP HCM nên là sự tổng hợp phát triển những ngành có lợi thế nhất. Việc phát triển cùng lúc nhiều ngành kinh tế sẽ dàn trải nguồn lực, không tạo nên nguồn thu lớn mà còn tạo áp lực nặng nề cho ngân sách thành phố. Chúng ta cần dũng cảm “cắt bỏ” một số ngành ít có ưu thế để tập trung kinh tế, để tránh nguy cơ phát triển ì ạch trong tương lai.
Ông ĐINH HỒNG KỲ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM:
Đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm
Hầu hết DN hoạt động ở tất cả lĩnh vực trên địa bàn TP HCM đang đứng trước nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngành bất động sản “đóng băng” dẫn đến hệ lụy là ngành vật liệu xây dựng “thoi thóp” với khoảng 40% DN ngừng hoạt động.
Do đó, điều cần kíp hiện giờ là Chính phủ sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững để DN, ngân hàng và cơ quan nhà nước thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ nên quyết liệt giải ngân mạnh vốn đầu tư công. Riêng TP HCM, nếu quyết tâm đẩy mạnh các dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, đường trên cao nối vào cảng Cát Lái, tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài, đường ven sông Sài Gòn, công trình kênh rạch… sẽ tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng tăng trở lại.
Th.Thơ – Th.Nhân – L.Anh ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-4