Tân GS trẻ nhất Việt Nam năm 2013: Những hoài bão khoa học nặng tình quê hương
Trong những ngày đặc biệt có ý nghĩa hướng về truyền thống tôn sư trọng đạo, chúng tôi đã có buổi trò chuyện mang nhiều thông điệp sâu sắc với thầy giáo Trần Đình Hòa (43 tuổi), Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, tân Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013. Ông còn là nhà giáo thứ hai được phong Giáo sư đặc cách của Việt Nam.
Rất quyết liệt, quyết đoán, xả thân vì con đường khoa học đã lựa chọn – đó là những cảm nhận của tôi về vị tân Giáo sư này – một người con của dải đất miền Trung đầy dữ dội, khắc nghiệt. Và cũng chính mảnh đất đầy dữ dội, bốn mùa thiên tai đó đã thắp lên trong ông ngay từ thời còn thơ bé những hoài bão, khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học.
Giáo sư Trần Đình Hòa sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Anh xúc động kể rằng, bố anh là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ anh thì làm nông, nhà lại đông anh chị em nên việc lo đủ gạo cho các con đã khiến cha mẹ anh vô cùng vất vả, có lúc cả 6 chị em đều phải đi làm thuê mới đủ ăn. Nhưng bố mẹ anh vẫn nung nấu ý chí là phải cho con cái học hành để thoát nghèo. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, Giáo sư Trần Đình Hòa luôn thầm cảm ơn cha mẹ mình, nhờ họ biết nuôi ý chí mà anh chị em trong gia đình có cơ hội được học đại học.
Mỗi lần nghĩ tới quê hương, lòng anh như se lại, nhất là mấy ngày qua, bão lũ lại tàn phá ở các tỉnh miền Trung trong đó có quê hương anh. Anh luôn trăn trở phải làm điều gì đó có ý nghĩa để giúp cho quê hương và đó cũng là mối lương duyên của anh đến với ngành Thủy lợi. Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy lợi năm 1992, anh về công tác tại Viện Khoa học thủy lợi (KHTL), nay là Viện KHTL Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê và lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với những năm tháng miệt mài và tận tâm với nghề, anh đã cùng các đồng nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu mang lại lợi ích thiết thực nhất định cho ngành Thuỷ lợi của nước nhà.
Anh luôn ý thức sâu sắc rằng, có được những thành quả đó, bên cạnh những nỗ lực của cá nhân, anh còn may mắn được làm việc trong một “tập thể lớn”, có những nhà lãnh đạo và người thầy đáng kính, mẫu mực và được trực tiếp đối mặt giải quyết những vấn đề lớn của ngành Thủy lợi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, những kết quả đó, theo Giáo sư Trần Đình Hòa vẫn là rất nhỏ bé trước những gì mà người dân và các thế hệ cán bộ, nhà khoa học ngành Thủy lợi đã làm được cho đất nước.
GS Trần Đình Hòa trong ngày vui nhận chức danh Giáo sư tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2013.
Giáo sư Trần Đình Hòa rất giản dị khi nói về mình. Nhưng những gì mà anh cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và bề dày thành tích khoa học mà anh đạt được khi tuổi đời còn trẻ cho thấy anh đã “chạy đua với thời gian” với một sự nỗ lực hiếm thấy. Dường như nghiên cứu khoa học đã là một khát khao thường trực trong anh.
Ngoài những danh hiệu, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn, Giáo sư Trần Đình Hòa đã độc lập hoặc đồng tác giả tham gia nhiều công trình khoa học đoạt nhiều giải thưởng quan trọng. Đó là anh đã tham gia Nhóm tác giả Giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2004 cho Công nghệ đập trụ đỡ. Anh đồng tác giả giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 cho Công nghệ đập xà lan di động; đồng tác giả giải nhất “Giải thưởng Công nghệ ACECC” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á – Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007, cho “Công nghệ đập xà lan di động”.
Đặc biệt, trong hai năm 2012, 2013, Giáo sư Trần Đình Hòa đã tham gia đồng tác giả và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho cụm công trình Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan, Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN&PTNT năm 2013. Giáo sư Trần Đình Hòa còn chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu khoa học chính… Với những nỗ lực, anh đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định công nhận chức danh Giáo sư đặc cách.
Chia sẻ về điều kiện và môi trường làm việc cho các nhà khoa học hiện nay, tân Giáo sư trẻ nhất tâm niệm rằng: “Được làm việc ở trong nước hay nước ngoài không phải là điều quan trọng nhất, vấn đề là mình có phát huy, cống hiến được nhiều nhất cho nghề nghiệp mà mình đã gắn bó hay không. Thời chúng tôi học ĐH xong ra trường, chưa có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng với những gì tôi đã chia sẻ thì việc được làm việc ở trong nước trong một môi trường nghiên cứu, ứng dụng rất năng động cùng với những người thầy tuyệt vời và những người anh mẫu mực cùng các đồng nghiệp, cộng sự hết sức tâm huyết say mê với công việc là một sự may mắn cho tôi. Hơn nữa, đối với lĩnh vực thủy lợi, Việt Nam là một đất nước, một môi trường lý tưởng cho các nhà khoa học Thủy lợi thả sức nghiên cứu vì còn có quá nhiều vấn đề cần được nghiên cứu giải quyết”.
Giáo sư Trần Đình Hòa còn cho rằng, không phải ai cũng có thể làm nhà khoa học, cũng như không phải ai cũng có thể trở thành doanh nhân giỏi. Do đó điều quan trọng là phải tự đánh giá khả năng, năng lực, sở trường của mình để chọn lựa nghề nghiệp cho phù hợp.
Điều quan trọng nữa là ở bất cứ ngành gì, lĩnh vực hay nghề nghiệp gì cũng cần có đam mê, trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Trong xã hội, đóng góp lớn hay nhỏ, khoa học hay sản xuất, lý luận hay thực tiễn đều có giá trị và đều được trân trọng và ghi nhận, hãy cố gắng, kiên trì nỗ lực hết mình với ngành nghề và công việc mình đã chọn thì thành công sẽ đến với mình.
Giáo sư Trần Đình Hòa mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo dựng được môi trường làm việc thẳng thắn, cởi mở và chuyên nghiệp giúp các nhà giáo, nhà khoa học lấy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là mục đích duy nhất, là khởi nguồn của mọi đam mê khoa học, là động lực lớn lao nhất trong công việc hằng ngày…