Tâm lý học tội phạm là gì? Quy định về tâm lý học tội phạm
Nội Dung Chính
Tâm lý học tội phạm là gì? Quy định về tâm lý học tội phạm
Trong thực tế, các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật đều nghiên cứu, phân tích, nắm chắc tâm lý tội phạm; nắm rõ ý đồ, cách thức, hành vi thực hiện tội phạm vì mỗi tội phạm có trạng, thái tâm lý khác nhau. Tâm lý tội phạm đã trở thành một môn học, còn được gọi là tâm lý học tội phạm. Người học bộ môn này sẽ nắm được tâm lý tội phạm rõ hơn, có phương pháp thích hợp để đấu tranh, khai thác thông tin từ tội phạm cũng như cảm hóa, giáo dục được người phạm tội. Vậy tâm lý tội phạm là gì? Tâm lý học tội phạm được quy định thế nào? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau.
1. Tâm lý tội phạm là gì?
Tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lí phạm tội, ý đồ phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiên tội phạm.
Mỗi tội phạm sẽ có một trạng thái tâm lí riêng, do đó trong công tác đấu tranh về phòng chống tội phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều cần phải nghiên cứu, phân tích, nắm chắc tâm lí tội phạm; về ý đồ phạm tội, cách thức, hành vi và phương pháp thực hiện tội phạm.
2. Cấu trúc của tâm lý tội phạm
Cấu trúc tâm lý tội phạm làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý tội phạm như động lực thúc đẩy, diễn biến, hậu quả tâm lý… của hành vi phạm tội.
Cấu trúc của hành vi phạm tội trong tâm lý tội phạm gồm các thành phần:
– Nhu cầu
Nhu cầu phản ánh sự phụ thuộc của con người vào môi trường, được hiểu như là một trạng thái của con người khi thiếu thốn một điều gì đó và tìm cách để bù đắp.
Nhu cầu chính là nguyên nhân sâu xa bên trong mọi hành vi. Mọi hành động của con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân người đó.
– Động cơ phạm tội
Là các yếu tố tâm lý bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Có thể là tình cảm, mong muốn…
Cơ sở của động cơ là nhu cầu. Nhưng không phải nhu cầu nào cũng trở thành động cơ thúc đẩy thực hiện hành vi. Động cơ thúc đẩy và hành vi thực hiện có thể không cùng tính chất với nhau. Một động cơ tốt cũng có thể dẫn đến hành vi sai trái và phạm tội.
– Mục đích phạm tội
Mục đích phạm tội là kết quả người thực hiện hành vi phạm tội mong muốn đạt được và được xác định trên cơ sở động cơ. Chúng thực hiện chức năng nhận thức và khách thể của hành vi, định hướng và điều khiển hành vi.
Ngoài ra, mục đích sau khi được xác định rõ ràng cũng có tác dụng lôi cuốn con người vào hành động. Trong thực tế, giữa động cơ mà mục đích phạm tội không phải là hai hiện tượng tâm lý khác nhau. Chức năng chủ yếu của động cơ là động lực thúc đẩy hành vi, còn mục đích là định hướng và điều khiển hành vi.
Cùng một loạt động cơ thúc đẩy nhưng do đặc điểm tâm lý của mỗi người và điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên họ có những mục đích và cách thức mục đích và ngược lại, một mục đích có thể được xác định dựa trên cơ sở của những động cơ thúc đẩy khác nhau.
Động cơ thúc đẩy con người đề ra những mục đích cụ thể. Mục đích phạm tội biểu hiện mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với xã hội.
Những hành vi phạm tội giống nhau xét về mặt khách quan nhưng lại khác nhau về mục đích cũng khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội.
– Quyết định thực hiện hành vi phạm tội
Quyết định thực hiện hành vi phạm tội là lựa chọn cuối cùng của người phạm tội về mục đích, cách thức, phương tiện phạm tội. Nó thể hiện ý chí và lý trí của người thực hiện hành vi phạm tội, thái độ của họ đối với hành vi, hậu quả từ hành vi đó.
Quyết định thực hiện hành vi tâm lý tội phạm có thể được đưa ra ngay khi gặp tác động trực tiếp của một tình huống nào đó. Cũng có thể xuất phát từ hành động có trong quá khứ, hoặc là kết quả của quá trình đấu tranh tư tưởng lâu dài…
3. Quy định về tâm lý học tội phạm
Chương I Tập Bài giảng Tâm lý học tội phạm, Tổ Bộ môn Tâm lý học trường Đại học Luật Hà Nội có khái quát về định nghĩa, đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu, nguyên tắc của tâm lý học tội phạm như sau:
* Định nghĩa Tâm lý học tội phạm:
Tâm lý học tội phạm là khoa học nghiên cứu những hiện tượng tâm lý nảy sinh trong quá trình hoạt động phạm tội của các tội phạm để nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội.
Tâm lý học tội phạm là một chuyên ngành của sự ứng dụng tâm lý học vào các mối quan hệ khác nhau của con người, thông qua việc phân tích hành vi của con người để đi từ kiểm tra, sưu tâm và đưa ra được các chứng cứ có ích trong việc điều tra, xét xử.
* Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tội phạm:
– Các hiện tượng, đặc điểm và những khía cạnh tâm lý nảy sinh trong quá trình hoạt động phạm tội
– Nhân cách người phạm tội:
. Các đặc trưng tâm lý
. Các kiểu nhân cách
. Các yếu tố tác động làm suy thoái nhân cách
– Tâm lý nhóm tội phạm: đặc điểm tâm lý của tội phạm hoạt động theo nhóm (tội phạm có tổ chức)
– Các nguyên nhân tâm lý – XH của tội phạm
* Nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tội phạm
– Làm rõ các quy luật hình thành và phát triển các phẩm chất tâm lý tiêu cực dẫn cá nhân đi vào con đường phạm tội
– Giáo dục công dân ý thức tuân thủ PL, đề cao tinh thần cảnh giác và chủ động tham gia vào công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống tội phạm
– Nghiên cứu cơ sở tâm lý của các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm
– Xây dựng các phương pháp nghiên cứu tâm lý, tác động tâm lý phục vụ cho hoạt động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm
– Góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận của tâm lý học nói chung, tâm lý học tội phạm nói riêng
* Các nguyên tắc của tâm lý học tội phạm
– Nguyên tắc mục đích: khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu tâm lý, ta phải biết rõ mục đích sử dụng
– Nguyên tắc quyết định luận XH: mọi hiện tượng tâm lý không tự nhiên sinh ra mà đều có nguyên nhân làm hình thành hoặc làm thay đổi
– Nguyên tắc khách quan: khi thu thập thông về tâm lý đối tượng nào đó, ta phải đảm bảo được tính chân thực và phản ánh đúng bản chất của hiện tượng tâm lý mà ta quan tâm
– Nguyên tắc về sự thống nhất giữa tâm lý nhân cách và hoạt động: khi đánh giá tâm lý của người khác cần thông qua hành động, hoạt động học tập, lao động, giải trí …
– Nguyên tắc phát triển: khi đánh giá tâm lý của 1 đối tượng nào đó, cần phải xem xét nó trong sự vận động và phát triển. Khi đánh giá 1 người, không nên chỉ qua 1 tình huống mà phải qua 1 quá trình lâu dài
– Nguyên tắc tiếp cận nhân cách: cần phải tiếp cận con người 1 cách toàn diện, tìm hiểu tất cả các thuộc tính trong nhân cách và mối quan hệ tác động qua lại của chúng