Tâm lý học Quản trị kinh doanh là gì? Đối tượng, phương pháp nghiên cứu
Tâm lý học Quản trị kinh doanh là môn khoa học chuyên ngành ứng dụng tâm lý học vào hoạt động quản trị kinh doanh như một nghệ thuật tác động vào tính tích cực của người lao động, thúc đẩy họ làm việc vừa vì lợi ích của cá nhân vừa vì lợi ích của tập thể và lợi ích của toàn xã hội
Trong quá trình nghiên cứu Tâm lý học Quản trị kinh doanh cần hiểu rõ các khái niệm sau:
Nội Dung Chính
1. Khái niệm kinh doanh
Từ lâu kinh doanh được hiểu như là một công việc, một nghề. Song kinh doanh không chỉ đơn thuần là một nghề, mà còn là mối quan hệ giữa người với người. Trong kinh tế, tất cả các hoạt động kinh doanh đều liên quan tới việc sử dụng công sức và tiền vốn để tạo ra sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) và cung ứng cho thị trường nhằm mục đích kiếm lời.
Theo điều 2 Luật doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 thì “Kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời”.
Một cách tổng quát có thể hiểu kinh doanh là một quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chính sách về sản xuất, phân phối (thương mại), dịch vụ và quảng cáo các sản phẩm nhằm tạo ra lợi nhuận.
Qua các khái niệm trên ta thấy rất rõ mục đích của các chủ thể kinh doanh trên thị trường là lợi nhuận và thỏa mãn các mục tiêu cá nhân của mình. Kinh doanh luôn gắn với thị trường có nghĩa là kinh doanh phải được thực hiện trên thị trường, phải tuân theo các thông lệ và các quy luật của thị trường.
Các nhiệm vụ chủ yếu của kinh doanh
– Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu tập quán tiêu dùng, kiểu mốt, khả năng thanh toán, … của người tiêu dùng, dự đoán nhu cầu tiêu dùng của xã hội trước mắt và lâu dài.
– Hoạch định và thực thi các chiến lược và chính sách kinh doanh (chính sách sản phẩm, chính sách giá, chính sách xúc tiến, …) nhằm đảm bảo cho sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng và khai thác tối đa các loại nhu cầu của thị trường.
Các đặc điểm của kinh doanh
– Kinh doanh ít nhất phải do 1 chủ thể thực hiện được gọi là chủ thể kinh doanh. Chủ thể kinh doanh có thể là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp.
– Kinh doanh phải gắn với thị trường, thị trường và kinh doanh gắn với nhau, đi liền với nhau như hình với bóng, không có thị trường thì không có khái niệm kinh doanh.
– Kinh doanh phải gắn với sự vận động của vốn, các chủ thể kinh doanh không chỉ cần có vốn mà phải nắm bắt được hoạt động của vốn.
Mục đích chủ yếu của kinh doanh là sinh lời
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra hết sức gay gắt trên cả hai mặt: quy mô cũng như cường độ. Vũ khí để các doanh nghiệp cạnh tranh chính là nguồn lực: Sản phẩm, tài chính, con người, khoa học công nghệ; lợi nhuận là chiến lợi phẩm, khách hàng là đối tượng của kinh doanh, là người quyết định ai sẽ là người thành bại trên thị trường.
2. Khái niệm Quản trị
Quản trị là một hoạt động được thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành công việc thông qua nỗ lực của người khác. Hay có thể hiểu, quản trị là một hoạt động thiết yếu đảm bảo phối hợp có hiệu quả các hoạt động của các cá nhân khác trong một tổ chức. Ngoài ra, quản trị cũng có thể hiểu là sự phối hợp có hiệu quả các hoạt động của những cá nhân nhằm đạt được những mục tiêu chung của nhóm.
Qua các khái niệm trên ta thấy: Quản trị là sự tác động có mục đích, có định hướng, có kế hoạch và có hệ thống thông tin từ chủ thể quản trị đến khách thể (đối tượng bị quản trị) của nó nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức đề ra. Quản trị là sự tác động có tổ chức của chủ thể quản trị lên đối tượng bị quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức
Các yếu tố của Quản trị
– Có chủ thể quản trị là tác nhân tạo ra tác động quản trị và đối tượng bị quản trị phải tiếp nhận và thực hiện động tác quản trị, tác động có thể một hoặc nhiều lần.
– Có mục tiêu cho cả chủ thể và đối tượng bị quản trị, mục tiêu này là căn cứ tạo ra các tác động.
– Chủ thể quản trị có thể là một hoặc nhiều người, đối tượng bị quản trị có thể một người, nhiều người hoặc máy móc, thiết bị, vật tư…
– Quản trị vốn là chức năng của mọi tổ chức phát sinh từ sự cần thiết phải phối hợp các hoạt động của các cá nhân, bộ phận trong tổ chức nhằm thực hiện các mục tiêu chung được đặt ra cho tổ chức.
Như vậy, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều cần có hoạt động quản trị, trong đó các nhiệm vụ của tổ chức cần được đề ra và có sự phân công, phối hợp hoạt động giữa các bộ phận, các thành viên của tổ chức.
3. Khái niệm Quản trị kinh doanh
Quản trị kinh doanh là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của chủ thể doanh nghiệp lên tập thể lao động trong doanh nghiệp, sử dụng một cách tốt nhất mọi tiềm năng và cơ hội để đạt mục tiêu đề ra theo đúng luật pháp và chuẩn mực xã hội.
Thực chất sự tác động liên tục, có tổ chức, có mục đích của chủ thể doanh nghiệp lên tập thể người lao động là việc tổ chức thực hiện các chức năng của quản trị nhằm phối hợp các mục tiêu và động lực hoạt động của mọi người lao động trong doanh nghiệp với mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Thực chất của quản trị kinh doanh là sự kết hợp mọi nỗ lực chung của tập thể lao động trong doanh nghiệp để đạt tới mục đích chung của doanh nghiệp và mục đích riêng của mỗi người một cách khôn khéo và có hiệu quả nhất.
Các chức năng của quản trị kinh doanh
- Hoạch định (Planning);
- Tổ chức (Organising);
- Lãnh đạo (Leading);
- Kiểm soát (Controlling)
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản trị kinh doanh, các nhà quản trị ở các cấp khác nhau sẽ có sự phối hợp thời gian và công sức hợp lý cho các chức năng quản trị, đảm bảo thành công cho các nhiệm vụ đề ra. Để thực hiện tốt công việc của mình, các nhà quản trị cần phải có những kiến thức nhất định về đặc điểm và quy luật tâm lý của các đối tượng quản lý (cá nhân và tập thể lao động dưới quyền) và đây chính là nội dung chủ yếu của tâm lý học quản trị kinh doanh.
4. Tâm lý học Quản trị kinh doanh là gì?
Khái niệm Tâm lý học Quản trị kinh doanh
Tâm lý học Quản trị kinh doanh là môn khoa học chuyên ngành ứng dụng tâm lý học vào hoạt động quản trị kinh doanh như một nghệ thuật tác động vào tính tích cực của người lao động, thúc đẩy họ làm việc vừa vì lợi ích của cá nhân vừa vì lợi ích của tập thể và lợi ích của toàn xã hội, tạo nên bầu không khí vui tươi đoàn kết trong doanh nghiệp.
Ứng dụng của Tâm lý học Quản trị kinh doanh
Trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, quản trị con người là phức tạp và tế nhị nhất, do vậy các nhà quản trị phải nghiên cứu, phân tích các đặc điểm tâm lý của người lao động, từ đó tìm cách kích thích, động viên tính tích cực của con người, khuyến khích tính sáng tạo của họ trong các hoạt động được giao… Việc nghiên cứu ứng dụng tâm lý còn có tác dụng giúp các nhà quản trị biết mình, biết người để có được thành công trong kinh doanh (biết mình biết người, trăm trận trăm thắng).
– Biết người: Hiểu được nhu cầu, sở thích, thị hiếu, thái độ, tâm trạng và khả năng thanh toán của khách hàng để định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp… Ngoài ra, biết người có nghĩa là nhà quản trị phải nắm được mặt mạnh, mặt yếu của đối thủ cạnh tranh, tình hình cạnh tranh trên thị trường, những vận động của môi trường kinh doanh, nắm được tâm lý của lãnh đạo cấp trên để đề ra các chiến lược và chính sách kinh doanh đúng hướng.
– Biết mình: Nhà quản trị phải đánh giá được sản phẩm của mình, khả năng của đội ngũ lao động và tiềm lực của doanh nghiệp để không ngừng hoàn thiện sản phẩm, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, nhà quản trị phải biết được mặt mạnh, mặt yếu của bản thân, từ đó biết mình nên làm gì, làm như thế nào.
Khoa học tâm lý học ứng dụng trong quản trị kinh doanh sẽ giúp các nhà quản trị giải quyết tốt những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động như: tuyển dụng, bồi dưỡng, bố trí sử dụng lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xử lý các xung đột trong tập thể lao động…
5. Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học Quản trị kinh doanh
Đối tượng trực tiếp của Tâm lý học Quản trị kinh doanh là đời sống tâm hồn của những người dưới quyền bao gồm tâm tư, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng, niềm tin…
Tâm lý học Quản trị kinh doanh nghiên cứu các quá trình tâm lý (cảm giác, tri giác, tư duy…), các trạng thái tâm lý, các thuộc tính tâm lý cá nhân…
Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học Quản trị kinh doanh là:
Nghiên cứu sự thích ứng của con người đối với công việc kinh doanh. Theo hướng này, Tâm lý học Quản trị kinh doanh chú ý tới các khía cạnh tâm lý của việc tổ chức quá trình kinh doanh, đặc biệt là vấn đề phân công lao động, tổ chức chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đưa yếu tố thẩm mỹ vào trong kinh doanh.
Nghiên cứu mối quan hệ con người với nghề nghiệp. Tâm lý học Quản trị kinh doanh nghiên cứu các cơ sở tâm lý và các phương pháp tâm lý học của việc phát hiện, sử dụng và bồi dưỡng nhân tài, góp phần đắc lực cho công tác quản trị nhân sự. Sử dụng các dạng trắc nghiệm tâm lý để đo năng lực trí tuệ, phẩm chất nhân cách, ý chí…của con người giúp cho các nhà quản trị trong việc tuyển chọn, đánh giá, và đề bạt cán bộ và nhân viên của mình.
Nghiên cứu sự thích ứng của con người với con người trong kinh doanh. Tâm lý học Quản trị kinh doanh nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với con người trong tập thể lao động, cụ thể là bầu không khí tâm lý tập thể, sự hòa hợp hay không hòa hợp giữa các thành viên, quan hệ giữa nhà quản trị với nhân viên.
6. Nhiệm vụ của Tâm lý học Quản trị kinh doanh
Tâm lý học Quản trị kinh doanh có 3 nhiệm vụ cơ bản sau:
Nghiên cứu các hiện tượng tâm lý của đám đông, của tập thể lao động và vai trò của các hiện tượng này tới hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Nghiên cứu các quy luật của các hiện tượng tâm lý trên như sự lây lan tâm trạng, độ hấp dẫn lôi cuốn của bầu không khí tâm lý, sự bắt chước nhau trong truyền thống và sự ám thị trong dư luận xã hội… nhờ sự hiểu biết các quy luật này mà các nhà quản lý có cách tác động và điều khiển chúng để phục vụ cho công tác lãnh đạo công ty, động viên quần chúng đúng lúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của tập thể.
Nghiên cứu cơ chế vận hành của các hiện tượng tâm lý trên như cơ chế diễn biến tâm trạng của quần chúng (như tâm trạng buồn chán, uất ức, nếu bị ai kích động sẽ trở thành cơn nổi xung, sự thịnh nộ đi đến hành vi phá phách…).
7. Phương pháp nghiên cứu Tâm lý học Quản trị kinh doanh
Trong tâm lý học quản trị kinh doanh, người ta thường hay sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
7.1. Quan sát trực tiếp
Nhà quản lý phải trực tiếp đi thị sát, dùng tai để nghe ý kiến của người lao động, dùng mắt của chính mình để nhìn mọi hiện tượng xã hội nhằm thu được những thông tin chính xác, sống động. Ngày nay, các nhà quản trị có thể sử dụng các thành quả của khoa học kỹ thuật để quan sát, kiểm tra và điều hành nhân viên của tổ chức thông qua hệ thống camera. Ngoài ra, các nhà quản trị có thể thuê các nhà chuyên môn về tâm lý học, xã hội học… làm nhiệm vụ quan sát tại cổng nhà máy, tại nơi làm việc để phát hiện ra cảm xúc của từng người ra vào nhà máy.
7.2. Trưng cầu ý kiến
Đây là phương pháp thu thập thông tin bằng cách hỏi ý kiến của quần chúng góp ý về một vấn đề nào đó có sự xác định cụ thể. Sự góp ý này bao gồm: Trực tiếp (phỏng vấn, tọa đàm), gián tiếp (bảng câu hỏi).
7.3. Phương pháp trắc nghiệm (Test)
Trắc nghiệm là một phép thử để “đo lường” tâm lý mà trước đó đã được chuẩn hóa trên một lượng người vừa đủ tiêu biểu. Trắc nghiệm thường là tập hợp nhiều bài tập nhỏ khác nhau, thông qua điểm số điểm giải được mà người ta đánh giá tâm lý của đối tượng. Ngày nay các chuyên gia đã lập hàng ngàn loại trắc nghiệm khác nhau để xác định đủ loại phẩm chất tâm, sinh lý con người: Trí tuệ, tài năng, đức độ, độ nhạy cảm, trí thông minh, tình cảm, trí nhớ…
Ngoài các phương pháp trên còn một số phương pháp khác trong nghiên cứu Tâm lý học Quản trị kinh doanh như: Phương pháp xạ ảnh, phương pháp tiểu sử…