Tâm lý học đường: Những con số “biết nói”
GD&TĐ – Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống học đường, nhất là khi học sinh phải học online kéo dài.
Nổi cộm là tình trạng bắt nạt học đường, biểu hiện trầm cảm, lo âu, thậm chí là tự tử…
Báo động?
Là học sinh lớp 8/12 một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh, P. rất muốn tham gia vào đội bóng của lớp để giao lưu với lớp 8/13. Tuy nhiên, P. bị các bạn trong lớp từ chối vì nhỏ con, mắt cận sợ làm ảnh hưởng đến thành tích chung. Dù được khuyên can nhưng em vẫn quyết theo đội bóng. Kết quả, lớp P. bị thua, tuột mất ngôi vô địch. Bạn cùng lớp tên Đ.H để bụng chuyên này nên ngày đi học hay nói xéo: Tại P. mà để lớp thua đội lớp 8/13. P. đã đánh Đ.H. Sau việc này, P. bị một nhóm học sinh trong lớp, hô hào tẩy chay, không nói chuyện và không cho tham gia vào các hoạt động chung của lớp. Sự việc này đã được cô chủ nhiệm can thiệp.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, vấn đề đặt ra trong đào tạo các nhà tâm lý học là trang bị kiến thức khoa học tâm lý vừa có bề rộng vừa có chiều sâu và liên quan đến các yếu tố bối cảnh; có đạo đức nghề nghiệp và được đào tạo, bồi dưỡng để nắm được các nguyên tắc đạo đức; có kỹ năng hành nghề và có thái độ đúng đối với nghề tâm lý.
Câu chuyện trên được cô Phạm Thị Lệ Ái – Hệ thống Giáo dục Sunshine Kids quan sát và ghi chép lại. Cô cho rằng, trường hợp trên là một dạng biểu hiện của bắt nạt học đường. Theo cô Lệ Ái, với những giả định trong nghiên cứu cho thấy, có nhiều tình huống bắt nạt gây nên hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của học sinh. Biểu hiện rõ nét là học sinh bị bắt nạt có thể gặp tổn thương về tinh thần hoặc thực thể. Học sinh sa sút và luôn lo lắng, sợ hãi thiếu tập trung.
Theo cô Lệ Ái, những biểu hiện tiêu cực khi bị bắt nạt và đi bắt nạt của học sinh sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta tiến hành hỗ trợ kịp thời, giúp các em tháo gỡ những khó khăn trong giải quyết vấn đề và đối phó với các nguyên nhân gây ra bắt nạt học đường. Ngoài ra, việc giáo dục kỹ năng sống là cần thiết, giúp học sinh tăng tính chủ động, tích cực giải quyết vấn đề và ứng phó với bắt nạt học đường.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Ứng dụng tâm lý học trường học trong bối cảnh đổi mới giáo dục”, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chia sẻ về sự tác động đa chiều, nhiều mặt của Covid-19, trong đó có tình trạng học sinh gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần.
TS Hoàng Trung Học đã khảo sát, nghiên cứu gần 20.000 học sinh phổ thông thuộc 3 miền của đất nước. Kết quả đánh giá mức độ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm ở học sinh cho thấy: 60,5% học sinh có biểu hiện stress ở các mức độ khác nhau, trong đó có 23% ở mức nặng và rất rặng; 38,1% trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 12,8% ở mức nặng và rất rặng; 30,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 11% ở mức nặng và rất rặng.
Bên cạnh đó, những suy nghĩ liên quan đến tự tử cũng đáng quan ngại ở học sinh tiểu học trong thời gian Covid-19. Tỷ lệ 13,8% học sinh tiểu học vùng giãn cách xã hội từng có suy nghĩ đến việc tự tử là con số đáng lo ngại. “Mức độ stress, lo âu, trầm cảm xuất phát từ việc không đến trường của học sinh đã đến mức báo động” – TS Hoàng Trung Học nhận định.
Cô – trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh minh hoạ: TG
Phòng, ngừa và can thiệp sớm
Báo cáo về ứng dụng khoa học tâm lý trong xã hội hiện nay, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp (Học viện Quản lý giáo dục) viện dẫn thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, nước ta có gần 1/3 dân số mắc các loại rối loạn tâm thần; trong đó, tỷ lệ mắc trầm cảm chiếm 1/4 trong số này. Nếu nói tới số ca tự vẫn có liên quan đến trầm cảm thì mỗi năm có khoảng 36.000 đến 40.000 ca.
Thực tế thời gian qua, có đến 5 vụ học sinh lứa tuổi THCS và THPT tự tử với nhiều nguyên nhân; trong đó liên quan đến tâm lý; mới nhất vụ học sinh lớp 6 THCS ở Cà Mau nhảy lầu” – PGS.TS Trần Thị Minh Hằng chia sẻ, đồng thời cho rằng: Một số giáo viên cũng mắc các bệnh tâm lý dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Những con số này là một minh chứng cho thấy, trầm cảm hay các rối loạn về tâm thần xảy ra tương đối phổ biến; song có một sự thật đáng buồn là nhiều người chưa có quan điểm đúng về trầm cảm.
Tăng cường các hoạt động ngoại khoá, giải toả cảm xúc tiêu cực cho học sinh. Ảnh minh hoạ: TG
Thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm 30% trên tổng số bệnh nhân. Nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra: 56,8% học sinh, sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do. Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, không chỉ là vấn đề tâm lý, dịch bệnh khiến 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, làm ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Từ kết quả nghiên cứu, TS Hoàng Trung Học cho biết: Học sinh có biểu hiện rối loạn, lo âu, trầm cảm báo động; xuất hiện Hội chứng tâm lý do Covid-19. Do vậy, trẻ cần được trả về môi trường học đường và cha/mẹ, thầy/cô giáo cần lưu ý đến trẻ trong sinh hoạt cũng như học tập. Đồng thời, cần tiến hành các biện pháp phòng, ngừa can thiệp sớm và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng có biểu hiện hội chứng tâm lý do Covid-19, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực và ứng phó một cách có hiệu quả với những vấn đề tâm lý tương tự có thể nảy sinh trong tương lai.
Cần giữ nền nếp, sinh hoạt, học tập hàng ngày cho học sinh. Ảnh minh hoạ: TG
Cần sẻ chia và thấu hiểu
Nhắc lại Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo về bản chất là sự thay đổi hướng tiếp cận trong giáo dục, từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; từ phương thức truyền thống truyền thụ nội dung sang tương tác, hình thành năng lực thực tiễn cho người học. Đây là một quá trình thay đổi căn bản, cần được thực hiện đồng bộ từ triết lý, mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục cho đến phương tiện, kỹ thuật và tổ chức quá trình dạy học.
Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi căn bản và cốt lõi này, TS Hoàng Trung Học cho rằng: Nhà trường phải thực sự là môi trường giáo dục chuẩn mực, an toàn, thân thiện với thầy, trò và các lực lượng giáo dục khác. Muốn vậy, các kiến thức tâm lý, giáo dục cần được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi vào mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ hoạt động giáo dục và dạy học; từ mối quan hệ thầy – trò, cho đến các hoạt động quản lý và việc đảm bảo sức khỏe tâm thần học đường cho học sinh và lực lượng liên quan.
“Học trò sẽ không thể học nếu đến trường trong trạng thái mệt mỏi và sợ hãi. Thầy cô không thể dạy học hiệu quả nếu không thực sự gắn bó với nghề và coi việc giáo dục đơn giản chỉ là một công việc mưu sinh. Nhà quản trị trường học cũng không thể sáng tạo nếu không có đủ tự tin và có quyết định đột phá. Tất cả điều đó liên quan trực tiếp đến việc ứng dụng tri thức tâm lý học trường học” – TS Hoàng Trung Học trao đổi.
Nhiều năm phụ trách Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhà giáo Đỗ Văn Giảng nêu quan điểm: Khi học sinh đến trường, thầy, cô giáo cần thân thiện, hỗ trợ học trò. Còn để thầy, cô trở thành nhà tư vấn, trước hết mọi quan hệ tiếp xúc với học sinh phải cởi mở. Dù trước đây, học sinh đó được đánh giá là hư, hỗn, nhưng thầy, cô cũng đừng bị chi phối cảm xúc theo hướng đó. Không nên nhìn hành vi của học sinh theo cách của người khác, phải nhẹ nhàng tiếp xúc để các em chia sẻ với mình.
“Kinh nghiệm của tôi, đừng bao giờ hỏi thẳng vào vấn đề khi em đó mắc lỗi, thay vào đó hãy trò chuyện. Mọi hành vi rối nhiễu của các em đều có căn nguyên, do xã hội bên ngoài hoặc do cha mẹ, thậm chí là quan hệ thầy cô” – nhà giáo Đỗ Văn Giảng chia sẻ và khẳng định: Khi tiếp cận tốt với học sinh là thành công 50% rồi, còn nếu thầy cô vội kết luận theo hướng đánh giá của xã hội thì không bao giờ giải quyết được vấn đề vì các em không chia sẻ gì với mình.
TS Hoàng Trung học khuyến nghị, trong sinh hoạt, cha mẹ nên giảm mục tiêu, sức ép học tập cho con cái, chú ý đến giấc ngủ, vận động thể chất. Ngoài ra, phụ huynh cần quản lý tốt điện thoại, máy tính và dành thời gian cho trẻ, tăng cường kết nối, điều hòa các hoạt động hàng ngày.