Tại sao phim kiếm hiệp Kim Dung càng làm lại càng thảm họa?
–
Thứ năm, 02/09/2021 08:56 (GMT+7)
Sau khi “Anh hùng xạ điêu”, ” Thiên long bát bộ ” phiên bản 2021 lên sóng và bị xếp vào hàng thảm họa, nhiều khán giả đặt ra câu hỏi, liệu các nhà sản xuất có nên tiếp tục remake (làm lại) những tác phẩm huyền thoại của Kim Dung nữa không, khi mà nguyên tác dần bị bóp méo, mất giá trị.
Phim kiếm hiệp Kim Dung được remake trong những năm gần đây đã dần mất giá trị so với thời kỳ đầu. Ảnh: Sina.
Thương hiệu “phim kiếm hiệp Kim Dung”
Kim Dung là một trong những tác giả có số lượng tiểu thuyết chuyển thể thành phim được làm lại, cải biên nhiều nhất, tính cả phim truyền hình và phim điện ảnh. “Anh hùng xạ điêu”, “Ỷ Thiên Đồ Long ký”, “Tiếu ngạo giang hồ”… đều được làm lại trên 10 lần.
Sở dĩ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung được “xào xáo” nhiều nhất vì thành công của những tác phẩm chuyển thể đời đầu khiến phim Kim Dung trở thành hiện tượng, thương hiệu ăn khách. Như sự “bảo chứng” dành cho các nhà làm phim, chắc chắn sẽ có một bộ phận khán giả nhất định dù chưa biết phim hay dở thế nào.
Kéo theo đó, diễn viên tham gia cũng nhờ vậy mà được biết đến nhiều hơn. Vài năm trở lại đây, dàn diễn viên trong những phiên bản chuyển thể mới hầu như là gương mặt còn xa lạ, ít tiếng tăm.
Đáng buồn, phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung càng làm lại càng thảm họa…
Phim kiếm hiệp Kim Dung thời kỳ đầu đều là “huyền thoại”. Ảnh: Sina.
Những “thảm họa” phá nát nguyên tác
Gần như năm nào phim Kim Dung cũng được chuyển thể nhưng chỉ tính trong năm 2021, đến thời điểm hiện tại, đã có tới 3 tác phẩm bị coi là thảm họa. Mà lỗi lầm lớn nhất của những phiên bản mới này là việc xuyên tạc nguyên tác.
“Anh hùng xạ điêu: Cửu âm bạch cốt trảo” do Tencent sản xuất hồi tháng 6 bị chỉ trích vì khai thác chủ đề tình cảm vượt quá giới hạn thầy trò của Hoàng Dược Sư và Mai Siêu Phong. Tình yêu đầy oan nghiệt này khác xa với nguyên tác Hoàng Dược Sư trọn đời chung thủy bên Phùng Hành và Mai Siêu Phong thì nên duyên với sư huynh.
Trong tháng 8, “Thiên long bát bộ” bản 2021 phát sóng trên khung giờ vàng của CCTV cũng nhận ý kiến trái chiều. Sina đánh giá, mạch phim có sự xáo trộn lớn làm nội dung trở nên mơ hồ, bất hợp lý. Mặt khác, sai lầm trong khâu lựa chọn diễn viên khiến Vương Ngữ Yên chỉ mới 16 tuổi bị ví như “oán phụ chờ chồng”.
Vương Ngữ Yên “Thiên long bát bộ 2021” bị chê bai nhan sắc, khí chất. Ảnh: Sina.
Trước đó, Vu Chính cũng khiến khán giả khóc thét vì cải biên quá đà, cho Đông Phương Bất Bại biến thành nữ và yêu tha thiết Lệnh Hồ Xung trong “Tân tiếu ngạo giang hồ 2013”. Phiên bản này bị nhiều người châm biếm là “phim kiếm hiệp kiểu Quỳnh Dao” hay “phim võ hiệp Hồng lâu mộng”.
Nguyên tác của Kim Dung luôn là huyền thoại, các fan trung thành thậm chí thuộc từng chi tiết, nên khi làm lại, các nhà làm phim thường thay đổi câu chuyện mới mẻ hơn. Điển hình là việc khai thác sâu khía cạnh tình yêu, sao cho phù hợp thị hiếu khán giả trẻ, điều mà các phim thể loại võ hiệp, tiên hiệp hiện đại vẫn đang làm đúng công thức.
Loạt phim ăn khách như “Hoa Thiên Cốt”, “Cổ kiếm kỳ đàm”, “Hương mật tựa khói sương”, “Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa”, “Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư”, “Lưu Ly mỹ nhân sát”… là minh chứng cho việc, khán giả trẻ chuộng yếu tố “nữ nhi tình trường”.
Đương nhiên, các ê-kíp làm lại phim Kim Dung cũng không thể ngó lơ phương diện “hốt bạc” này và chạy theo lợi nhuận, bỏ qua những giá trị tốt đẹp tác giả muốn truyền tải.
Hoàng Dược Sư và Mai Siêu Phong yêu nhau trong “Anh hùng xạ điêu” 2021. Ảnh: Sina.
Kỹ xảo, diễn xuất hạn chế, hình tượng anh hùng “méo mó”
Đặc điểm nổi bật làm nên tiếng tăm của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là cốt cách phong lưu, ngang tàn của các anh hùng võ lâm, trang nam tử giới giang hồ. Nhưng trong nhiều phiên bản làm lại, hình tượng anh hùng trở nên méo mó, khó chấp nhận.
“Tiếu ngạo giang hồ 2018” từng bị đánh giá là bản làm lại tệ nhất lịch sử phim truyền hình Trung Quốc, khi biến Lệnh Hồ Xung – một nam tử hào kiệt, không sợ trời không sợ đất, thành kẻ yếu đuối, mặt mũi non choẹt. Theo đạo diễn Kim Sâm, ông lựa chọn những diễn viên trẻ đẹp để phù hợp thị hiếu giới trẻ. Nhưng diễn xuất non kém của họ đã biến phim thành thảm họa.
“Tiếu ngạo giang hồ 2018” bị coi là thảm họa về tạo hình và diễn xuất. Ảnh: Sina.
Trong nhiều phiên bản khác, anh hùng hào kiệt cần sự bụi bặm, trải đời thì lại “mặt hoa da phấn” theo tiêu chuẩn “mỹ nam” cổ trang hiện đại, đẹp trước, diễn xuất tính sau.
Hay ở “Thiên long bát bộ” 2021, Đoàn Dự thư sinh, nho nhã, có chút tinh nghịch trong mô tả của nhà văn Kim Dung lại trở thành kẻ khờ khạo, yểu điệu, thậm chí thô thiển đến mức “tè dầm” khi lần đầu gặp Vương Ngữ Yên.
Mặt khác, nhiều phim kiếm hiệp xử lý hậu kỳ, kỹ xảo cực kỳ cẩu thả, lỗi thời. Anh hùng đánh võ mà như múa, đôi khi phải sử dụng cả diễn viên đóng thế mới hoàn thành được cảnh quay. Điển hình là “trò cười” Dương Quá bị chặt tay như chém hoa quả trong “Thần điêu đại hiệp 2014”.
Phim remake khó tránh khỏi bị so sánh, nên các nhà làm phim phải làm bằng cái tâm, cái tầm, bởi suy cho cùng, một tác phẩm tốt mới thực sự ở lại thật lâu trong lòng khán giả.