Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025: Khẳng định vai trò đầu tàu, lan tỏa

(TBTCVN) – Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đề ra những mục tiêu quan trọng, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới quản trị, củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường phân cấp, ủy quyền…

Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã hoạt động hiệu quả hơn.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã hoạt động hiệu quả hơn.

Từ đó, doanh nghiệp nhà nước có cơ hội chuyển mình, khẳng định vai trò đầu tàu, lan tỏa tới các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Tiếp nối các kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020

Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2020, quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Đó là, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 – 2020 đã được ban hành đầy đủ, hoặc tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN, sắp xếp lại DN; nâng cao năng lực tài chính, đổi mới quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Về cơ bản, các DNNN đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Giai đoạn 2016 – 2020, cả nước đã cổ phần hóa được 180 DN, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 DN, tuy nhiên chỉ có 39 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa, theo kế hoạch (đã rà soát và điều chỉnh) thì còn 89 DN chưa hoàn thành cổ phần hóa. Trước tình hình cổ phần hoá, thoái vốn chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dịch Covid-19 kéo dài…, nên việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch trong giai đoạn 2016 – 2020 khó khả thi.

Từ những thành quả đã đạt được và phân tích những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước, mới đây Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tiếp theo.

Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025. Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 – 2020, xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này, xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Triển khai củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đổi mới thực sự quản trị doanh nghiệp nhà nước

Chia sẻ về những mục tiêu quan trọng của Đề án, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Đề án này phải làm được hai việc.

Thứ nhất là tiếp nối những kết quả đã thực hiện giai đoạn 2016 – 2020, chẳng hạn như tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo danh mục đã đưa ra trong giai đoạn trước, đặc biệt là thoái vốn khỏi những lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực không khuyến khích, thoái vốn ở danh mục nhà nước không cần nắm giữ, cổ phần hoá DN theo các mức độ, tiêu chí đã phân loại.

Thứ hai là phải đổi mới thực sự quản trị DN. Chuẩn bị cho mục tiêu này, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng các công cụ như: các chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng ưu tiên với những DN lớn, DN gắn với thị trường để đảm bảo chế độ báo cáo của họ tương đồng các nước và khu vực trên thế giới, giúp DN có thể vươn ra thị trường bên ngoài, hội nhập cũng như huy động vốn từ bên ngoài; ban hành các nguyên tắc về quản trị đối với công ty niêm yết; chuẩn bị rà soát đưa ra nguyên tắc quản trị đối với DNNN theo nguyên tắc của OECD; sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng bắt buộc DN xây dựng hệ thống quản trị DN.

Nếu làm tốt những nhiệm vụ nêu trên, khu vực DNNN sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. Nói về khả năng dẫn dắt của các DNNN, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, điểm lại khoảng thời gian khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua, DNNN vẫn đảm đương được vai trò dẫn dắt mang tính hỗ trợ thúc đẩy để đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế. Đó là các DN có quy mô vốn lớn, có tiềm lực và nguồn lực tiềm tàng để xử lý những vấn đề khi khó khăn khủng hoảng xảy ra. Vấn đề đảm bảo các cân đối lớn về năng lượng, lương thực, đảm bảo cung cầu hàng hóa vẫn phải do khu vực DNNN dẫn dắt, là “bà đỡ” để các thành phần kinh tế khác tạo thành hệ sinh thái hỗ trợ, giúp nền kinh tế đứng vững và tăng trưởng.

Là đầu tàu dẫn dắt vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường

Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong số các DNNN hiện nay có những DN thực sự đi trước trong vấn đề đổi mới quản trị, chuyển đổi số, đổi mới tư duy, cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường…, trở thành những hạt nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo. Những DN như vậy cần được thúc đẩy để làm sao phát triển mạnh lên, trở thành DN dẫn dắt. Còn những DN đang gặp khó khăn thì phải tiếp tục cơ cấu để họ mạnh mẽ lên, thoát khỏi những vấn đề tồn tại để phát triển.

Nhấn mạnh mỗi DN khi cơ cấu lại phải tự định vị mình theo hướng phải đổi mới quản trị, đi đầu trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, đây là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi chỉ có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DN lớn mới có dư địa, nguồn lực để có thể đi nhanh, đi trước trong cuộc chuyển đổi số này. Những DN đã đi trước sẽ trở thành trung tâm của hệ sinh thái. Tuy nhiên, dù là đầu tàu dẫn dắt thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, tham gia bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và phải có tính chia sẻ để cùng nhau phát triển. Khi lựa chọn DN dẫn dắt cũng không nhất thiết phải quy mô lớn, mà cần lựa chọn DN có năng lực, tiềm năng phát triển và đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đi đầu trong quản trị DN và chuyển đổi số.

Thời cơ để doanh nghiệp nhà nước chuyển mình, thành “sếu đầu đàn”

Mới đây Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn tiếp theo. Với việc triển khai Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới quản trị DNNN, giai đoạn tới được kỳ vọng sẽ là thời cơ để các DNNN chuyển mình, vươn lên thành những “con sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, lan tỏa tới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, giúp nền kinh tế vững vàng và tăng trưởng.

Dương An