Tác hại của công nghệ đối với sức khỏe

Một công trình nghiên cứu ở Anh vào năm 2013 cho thấy, 1/3 dân số nước này cảm thấy bị quá tải bởi công nghệ, và những người này cũng đồng thời thừa nhận rằng họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Cuộc nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge dưới sự tài trợ của Tập đoàn Viễn thông Anh (BT). Nghiên cứu này cũng cho ra kết quả rằng những người nào làm chủ được thói quen sử dụng công nghệ hàng ngày của mình thì dễ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống hơn cả.

Tác hại của công nghệ đối với sức khỏe

Khảo sát vào năm 2012 của Trung tâm Tầm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ cho thấy khoảng 73 triệu người dân Mỹ – tương đương 1/3 tổng dân số quốc gia – bị béo phì. “Kém vận động chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đại dịch béo phì”, nhận định của Joseph Regan, bác sĩ chuyên khoa điều trị béo phì đến từ Bệnh viện Columbia St. Mary bang Milwaukee. Ông diễn giải rằng chính việc con người nghiện sử dụng các thiết bị công nghệ, tiêu thụ các loại thực phẩm cao năng lượng cũng như đời sống đô thị bận rộn là những tác nhân khiến chúng ta càng lúc càng ít tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất.

 

cong nghe, tac hai cua cong nghe voi suc khoe

Kém vận động chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đại dịch béo phì

 

Bên cạnh nguy cơ béo phì, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ còn góp phần làm giảm sút sức khỏe thể chất của chúng ta bằng nhiều cách khác. Theo bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình Kenneth Hansraj đến từ New York, thói quen cúi đầu nhìn màn hình điện thoại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống và dáng đi của chúng ta về lâu dài. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 cho thấy sóng wi-fi phát ra từ các thiết bị công nghệ gây giảm sút số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới, làm hủy hoại DNA và khả năng di chuyển linh hoạt của chúng; điều này đặc biệt xảy ra ở các đối tượng nam giới thường xuyên để điện thoại trong túi quần hoặc có thói quen đặt laptop lên đùi để làm việc. Việc thường xuyên làm việc với màn hình của máy tính và các thiết bị công nghệ đã được khẳng định là tác nhân gây khô, mỏi mắt và làm giảm thị lực của mắt. Đây cũng đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đau đầu và rối loạn giấc ngủ của nhiều người dân đô thị.

Tác hại của công nghệ đối với chất lượng cuộc sống

Theo công trình nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Anh, 38% người dân từ 10 – 18 tuổi cảm thấy bị quá tải bởi công nghệ, còn con số này ở nhóm đối tượng 25 – 34 tuổi là 34%. Sau đây là một vài thông số quan trọng khác được rút ra từ cuộc khảo sát này:

– 19% số người được khảo sát thú nhận rằng họ tiêu tốn hơn 7 giờ/ngày cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ.

– 36% các bậc cha mẹ ở Anh thừa nhận rằng các thiết bị công nghệ quả thật làm xáo trộn đời sống gia đình của họ.

– Cứ 5 người dân Anh thì có 3 người đồng ý rằng chất lượng cuộc sống gia đình mình được cải thiện và nâng cao đáng kể khi các thành viên trong nhà dành ra những khoảng thời gian “nói không với công nghệ,” tức những khi mọi người đồng lòng tắt hết các thiết bị liên lạc để dành thời gian cho nhau.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều báo cáo khoa học gần đây cho thấy có đến 19% trẻ em từ hai đến năm tuổi có khả năng sử dụng smartphone một cách thành thạo, trong khi chỉ có 9% các bé ở độ tuổi này biết buộc dây giày.

 

Biện pháp khắc phục

Tạp chí y học WebMD đã tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia và đề xuất vài biện pháp giúp chúng ta làm chủ thói quen sử dụng công nghệ nhằm đảm bảo cuộc sống lành mạnh và khỏe khoắn hơn:
Mạnh dạn tắt các thiết bị công nghệ mỗi khi bạn không sử dụng chúng: Cuộc sống vẫn tiếp diễn và bạn vẫn sẽ ổn mà không có chúng.

Dù bạn đi làm hay đi ra ngoài thư giãn, hãy để smart phone và các thiết bị công nghệ của mình ở nhà và cố gắng không đụng đến chúng vào một ngày trong tuần: WebMD đề xuất ngày thứ bảy.
Lên danh sách những việc-không-nên-làm với các thiết bị công nghệ của bạn: chẳng hạn, không kiểm tra e-mail trước 10 giờ sáng. Hãy đặt ra giới hạn cho thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ của mình và tuân thủ một cách nghiêm túc.

Bạn không nhất thiết phải giải quyết hết hàng tá e-mail chỉ trong một ngày: Hãy chấp nhận thực tế đó. Hãy xem kỹ lại giới hạn thời gian cho từng công việc của mình: không phải e-mail hay công việc nào cũng đòi hỏi bạn phải gấp rút phản hồi ngay lập tức. Chưa kể, chúng ta cũng chẳng có ba đầu sáu tay để ôm đồm quá nhiều việc trong một ngày.

Lập kế hoạch cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ: các chuyên gia đề xuất chúng ta hãy tự quy định số lần lên mạng để kiểm tra e-mail và sử dụng mạng xã hội của mình trong mỗi ngày. Hãy tự xem lại lý do vì sao mình tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc tương tác với các thiết bị công nghệ, và lập kế hoạch trên cơ sở đó để không phải trở thành nô lệ của công nghệ hiện đại.