Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người

(HNMO) -Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu là sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất; sự dâng cao mực nước biển do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển; sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác…

Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng. Ngoài ra, thời gian qua, các đợt nắng nóng ở nhiều quốc gia trên thế giới gia tăng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.

 

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả… Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).

Minh chứng rõ ràng cho điều này là, hiện sốt xuất huyết đang là vấn đề của toàn cầu, cứ sau 10 năm số mắc sốt xuất huyết trên thế giới lại tăng gấp đôi; gần 4 tỷ người sống trong vùng nguy cơ, số mắc ghi nhận ở 128 nước. Năm 2015, tại Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Đài loan, Ấn Độ, sốt xuất huyết cũng đang gia tăng sau nhiều năm không có dịch. Không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, sau năm 2014 – năm mà sốt xuất huyết Việt Nam giảm sâu nhất, thấp nhất trong vòng 10 năm, thì năm 2015, số mắc sốt xuất huyết gia tăng trở lại.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết trở lại và bùng phát như hiện nay là, hiện tượng El Nino năm nay được đánh giá mạnh nhất trong nhiều năm qua, gây nên thời tiết khô hạn khiến việc tích trữ nước gia tăng, gia tăng nhiệt độ trung bình, làm cho thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi khiến tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Được biết, nước ta đã từng trải qua vụ dịch sốt xuất huyết lớn nhất năm 1998, tương ứng với thời kỳ hoạt động của hiện tượng El nino 1997-1998.

Trong một dự đoán mang tính cảnh báo, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5-3,5 tỉ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và do khí hậu thay đổi, sốt Dengue sẽ lại tăng lên ở các nước đang phát triển. 

Ngoài ra, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá huỷ dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất. Điều này đã gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. Cũng liên quan đến vấn đề này, kết quả nghiên cứu của Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho thấy, bệnh tật dẫn đến tử vong do tác động của biến đổi khí hậu là do nhiệt độ tăng cao quá mức làm gia tăng người bị bệnh tim, nguy cơ tử vong ở người già và trẻ nhỏ cao hơn do bị giảm khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Theo ước tính, khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong số 14 triệu người chết hàng năm ở khu vực này có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm. Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của bệnh lây nhiễm tại khu vực này. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn làm cho thiên tai, thảm họa, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô. Điển hình là, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên những cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, gây phá hủy nhà cửa, công trình, hoa màu, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Vì vậy, nếu không có các biện pháp thích ứng và đối phó với biển đổi khí hậu, sẽ rất nguy hiểm đến sự sống của hàng triệu người trên trái đất; trong đó tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở nên khẩn cấp cả ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phản ứng hiệu quả và bền vững, hành động nhất quán, đầu tư tài chính thỏa đáng hơn và phối hợp đa phương-đó là phương châm hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu. Khu vực y tế phải đóng vai trò thiết yếu làm giảm biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động bất lợi của nó.

*Bài viết trong loạt bài phục vụ: “Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông  và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu