Sửa quy định về Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong gần 3 năm triển khai Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Hiện chưa có khung pháp lý quy định về quản lý các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Mỗi quỹ đều có văn bản điều chỉnh riêng, dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vướng mắc trong quản lý và vận hành Quỹ. Trong bối cảnh đó, để Quỹ có thể triển khai được hoạt động hỗ trợ, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP đã quy định Quỹ Phát triển DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty TNHH 100% vốn nhà nước. Nghị định số 39/2019/NĐ-CP có các quy định đặc thù về “mô hình” áp dụng với Quỹ để phù hợp với bản chất là “quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” và khác với quy định về “quản trị công ty TNHH 100% vốn nhà nước”, ví dụ như: mục tiêu không vì lợi nhuận của Quỹ, quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý Quỹ, về phương thức cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp, về bảo đảm an toàn vốn và tỷ lệ chấp nhận rủi ro, về đánh giá kết quả hoạt động, về chế độ kế toán v.v…
Khi xây dựng Nghị định 39/2019/NĐ-CP, Cơ quan soạn thảo đã thống nhất trình Chính phủ việc xác định Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, không phải là doanh nghiệp, nên những nội dung đặc thù của Quỹ đã được quy định cụ thể tại Nghị định, những nội dung nào cần áp dụng theo quy định pháp luật về doanh nghiệp đã được quy định cụ thể tại Nghị định 39/2019/NĐ-CP để dẫn chiếu sang các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, quy định Quỹ hoạt động theo “mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” dễ gây nhầm lẫn với doanh nghiệp, một số đơn vị và cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện lại có quan điểm phải áp dụng toàn bộ quy định từ Luật doanh nghiệp vào hoạt động của Quỹ, dẫn đến nhiều vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Quỹ trong thời gian qua, ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ DNNVV.
Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định phải bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước, quy định này gây khó khăn cho Quỹ khi chuyển đổi mô hình tổ chức sang công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ hỗ trợ DNNVV thông qua cho vay hoặc tài trợ vốn thì có rủi ro xảy ra làm mất vốn, đặc biệt là hoạt động cho vay đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ của Quỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó có thể đảm bảo đồng thời mục tiêu giải ngân số lượng lớn với mục tiêu bảo đảm an toàn vốn. Do đặc thù của DNNVV Việt Nam là năng lực quản trị điều hành yếu, thông tin tài chính kém minh bạch, luôn thiếu tài sản bảo đảm, khó đáp ứng các quy định về cấp tín dụng hơn so với DN khác. Việc hỗ trợ DNNVV nói chung và DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nói riêng luôn gặp nhiều khó khăn, rủi ro hơn so với hỗ trợ DN thông thường, đã ổn định hoạt động… Trong khi đó, quy định pháp luật hiện nay còn chồng chéo; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ trong thực thi các nhiệm vụ có rủi ro cao. Chủ trương về đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ các DNNVV đã được ban hành, nhưng các quy định pháp luật về cho vay thì không thay đổi như: cơ chế quản lý, quy định về an toàn vốn, quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn vay, điều kiện về bảo đảm tiền vay…. Do đó, Quỹ gặp khó khăn trong việc thực hiện giải ngân cho DN.
Các DNNVV còn chưa chủ động nắm bắt thông tin, còn phụ thuộc nhiều vào vai trò tư vấn tài chính của các ngân hàng mà DNNVV có quan hệ tín dụng. Bên cạnh đó, DNNVV chưa có ý thức chủ động cung cấp thông tin tài chính minh bạch, xây dựng dự án đúng mục đích sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tình trạng một DN có 2 hệ thống sổ sách kế toán, 2 loại báo cáo tài chính hoặc kê khai tăng nhu cầu vay vốn so với dự toán thực tế để triển khai dự án nhằm mục đích được phê duyệt hạn mức cho vay cao là phổ biến.
Do vậy, để phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP là cần thiết.
Hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quỹ
Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý, mục tiêu hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động cho vay, hoạt động tài trợ, xử lý rủi ro, quản lý tài chính, giám sát và đánh giá hoạt động, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và sự phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo Nghị định gồm 3 Điều quy định các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ; quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 2 về Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ, bỏ quy định Quỹ hoạt động theo mô hình “công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” và bổ sung quy định “Quỹ Phát triển DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định tại Nghị định này”.
Sửa đổi, bổ sung Chương II về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển DNNVV (Bao gồm các Điều từ Điều 5 đến Điều 14).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Lan Phương