Sự tích và ý nghĩa cây nêu ngày Tết – SAKOS.vn
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh cây nêu trở thành một hình ảnh rất đẹp vào những ngày đầu năm của dân tộc Việt Nam. Ở vùng nông thôn đều dựng cây nêu trước nhà mình, phía trên cây có treo một số vật dụng biểu tượng đặc trưng của từng địa phương.
Nội Dung Chính
1. Sự tích
Ngày ấy, không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của Quỷ. Quỷ đối với người ngày càng quá tay. Chúng dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng chúng bắt Người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nghĩ ra là “ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu. Chúng dùng áp lực bắt phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ những rạ là rạ. Cảnh tượng xương bọc da thê thảm diễn ra khắp mọi nơi bên cạnh bọn Quỷ reo cười đắc ý.
Thấy người dân gặp nhiều khó khăn, một ông tiên trong hình hài ông lão xuất hiện và bảo với nông dân rằng hãy trồng khoai vì củ khoai ở gốc rễ và có thể ăn được. Thế rồi khi bọn quỷ biết, quỷ chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Ông tiên bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại đổi ý, người dân không có cái ăn.
Quỷ tức tối nên mùa sau tuyên bố ăn cả gốc lẫn ngọn. Tiên trao cho nông dân cây bắp, loại lương thực có trái ở thân, ngọn gốc chẳng có gì. Cuối cùng quỷ tức điên lên bắt con người trả lại toàn bộ đất đai và không cho trồng trọt gì nữa.
Lúc này Tiên bảo người mua lại một mảnh đất nhỏ chỉ bằng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy mình không bị thiệt hại gì nên chúng đã đồng ý. Tuy nhiên Tiên đã làm phép để áo cà sa che phủ hết đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy trốn ra biển.
Dù quay lại định chiếm đất đai nhưng không được nên quỷ đã xin Tiên thương tình cho quay về viếng thăm mộ tổ tiên một năm một lần và đã được Tiên đồng ý. Bởi thế, hàng năm quỷ quay lại thăm đất liền vào dịp Tết nguyên đán thì mọi người sẽ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ cư ngụ.
2. Ý nghĩa
Từ câu chuyện cổ tích trên, có thể thấy cây nêu là tượng trưng cho sự đấu tranh giữa thiện và ác, để bảo vệ sự yên bình cuộc sống của người dân khỏi quỷ dữ.
Mỗi khi Tết đến thì đây là lúc thần linh phải về chầu trời, do đó dễ bị quỷ quấy rầu nên cần có vật trấn giữ. Bên cạnh ý nghĩa xua đuổi tà ma thì cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa mong cầu một năm mới suôn sẻ, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
3. Câu nêu được dựng và hạ khi nào?
Cây nêu thường là cây tre dài khoảng 6 mét, được dựng trước sân nhà. Thường sẽ được dựng vào 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Táo về trời. Một số dân tộc khác như người Mường trồng cây nêu vào 28/12 âm lịch. Ngày hạ nêu hay lễ hạ nêu thường vào mùng 7.
4. Treo những gì
Tuỳ vào vùng miền và phong tục đực trưng sẽ có những vật dụng treo lên khác nhau như túi nhỏ đựng trầu cau, những miếng kính loại lớn nhỏ….Khi gió thổi, chúng chạm vào nhau phát ra tiếng động rất vui tai. Người ta tin rằng những vậy dụng treo trên cây nêu, cộng thêm tiếng động này để báo hiệu cho quỷ biết rằng nơi đây là nhà đã có chủ không được quấy phá.