Sự phát triển của bé trong 1 tháng đầu tiên sau sinh
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tháng đầu tiên sau sinh hay còn gọi là giai đoạn sơ sinh, là giai đoạn trẻ chuyển từ môi trường nước sang môi trường không khí. Do đó thời gian này trẻ đang tập thích nghi với môi trường bên ngoài. Sự phát triển của bé 1 tháng tuổi luôn là vấn đề quan tâm của nhiều bà mẹ.
Nội Dung Chính
1. Thời kỳ sơ sinh
1.1 Đặc điểm sinh lý
Thời kỳ sơ sinh chính là thời gian trẻ được sinh ra cho đến khi bé 1 tháng tuổi. Giai đoạn này chủ yếu trẻ tập thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung, do chuyển từ môi trường nước sang môi trường không khí. Ngay khi ra đời, cùng với tiếng khóc chào đời trẻ đã bắt đầu tự thở bằng phổi của chính mình. Lúc này vòng tuần hoàn bắt đầu chính thức hoạt động thay cho vòng tuần hoàn nhau thai. Trẻ bắt đầu bú, và hệ tiêu hóa bắt đầu làm việc, thận lúc này sẽ đảm nhiệm chức năng điều hòa môi trường bên trong cơ thể. Thay thế toàn bộ nhiệm vụ trước đây do rau thai đảm nhiệm.
Trong giai đoạn 1 tháng sau sinh, cơ thể trẻ vẫn còn rất non yếu, cấu tạo và chức năng của các cơ quan chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hệ thần kinh của trẻ luôn trong trạng thái bị ức chế, do đó trẻ ngủ suốt ngày.
Ngoài ra, một số hiện tượng sinh lý có thể xảy ra trong giai đoạn bé 1 tháng tuổi bao gồm:
- Vàng da sinh lý: Vàng da xuất hiện ngày thứ 3 – 4 sau đẻ, vàng nhẹ vùng mặt ngực, không có triệu chứng gì kèm theo. Trẻ vẫn ăn, ngủ, đại tiểu tiện bình thường. Hết khi bé được 10 – 14 ngày.
- Đỏ da sinh lý: Do mạch máu dưới da trẻ phát triển, lớp mỡ dưới da còn mỏng nên khi bé vận động, vặn mình sẽ có hiện tượng da đỏ lên. Hiện tượng này sẽ giảm hoặc hết khi bé nằm yên.
- Bong da sinh lý: Thường gặp ở trẻ lúc sinh có thai già tháng.
- Sụt cân sinh lý: Trẻ sụt cân nặng do mất nước qua da, bài tiết phân su và nước tiểu. Sau khoảng 7 – 10 ngày trẻ sẽ về cân nặng lúc sinh.
- Giảm chiều cao sinh lý
- Tăng trương lực cơ sinh lý: Kéo dài khoảng vài giây, gặp chủ yếu ở các chi. Trong cơn trẻ vẫn thở, môi chi hồng. Sẽ hết khi trẻ được khoảng 2,5 tháng.
- Rụng rốn: Sau 7 – 10 ngày rốn sẽ rụng
- Ỉa phân su
- Thân nhiệt không ổn định
1.2 Đặc điểm bệnh lý
Do cơ thể trẻ vẫn còn non yếu, do đó trẻ dễ mắc bị mắc bệnh và thường diễn biến nặng và dễ dẫn tới tử vong. Đây là độ tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bệnh hàng đầu trong lứa tuổi sơ sinh là các bệnh nhiễm trùng như uốn ván rốn, viêm rốn, viêm phổi, nhiễm trùng máu, và các bệnh nhiễm trùng khác,…
Ngoài ra các bệnh có thể gặp do rối loạn quá trình hình thành và phát triển của thai nhi như: đẻ non, quái thai, mắc các dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, tịt hậu môn, lộ bàng quang,… Cuối cùng là các bệnh liên quan đến quá trình sinh đẻ như ngạt, gãy xương, bướu huyết thanh, chảy máu não, màng não,…
2. Sự phát triển về thể chất
Sự phát triển về thể chất của bé 1 tháng tuổi đầu tiên sau sinh sẽ dựa trên nhiều yếu tố như cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực, thóp:
- Cân nặng: Cân nặng của trẻ sơ sinh bình thường lúc mới đẻ ra trung bình từ 2,8-3 kg. Nếu dưới 2,5kg được gọi là đẻ non hoặc nhẹ cân/suy dinh dưỡng bào thai và trên 4kg trở lên tức là thai nhi quá to. Cân nặng của trẻ trong 6 tháng đầu sẽ tăng trung bình 700g mỗi tháng. Đây là giai đoạn trẻ lớn rất nhanh. Các bà mẹ có thể lập biểu đồ cân nặng mỗi tháng để theo dõi sự phát triển của trẻ.
- Chiều cao: Chiều cao lúc mới đẻ trung bình là 48-50cm, dưới 45cm được coi là đẻ non. Trong quý đầu, mỗi tháng trẻ có thể tăng thêm được 3,5 cm.
- Vòng đầu: Vòng đầu của trẻ sơ sinh là 34cm
- Vòng ngực: Vòng ngực 32cm
- Thóp: Thóp trước có kích thước của mỗi chiều trung bình 2cm. Đối với trẻ đẻ non sẽ có kích thước lớn hơn. Thóp sau có hình tam giác và thường kín ngay sau đẻ.
3. Sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ
Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều có thể ngủ tới 22-23 giờ/ ngày. Đôi khi trẻ cười trong lúc ngủ, hành động này được coi là ngôn ngữ của trẻ. Lúc này 5 giác quan của trẻ đã hoạt động:
- Trẻ nghe được tiếng động, tiếng nói to của mọi người
- Trẻ thích uống ngọt, không thích uống đắng
- Trẻ nhận biết được mùi sữa mẹ, do đó trẻ có thể tìm vú của mẹ để bú mỗi khi được bế
- Trẻ biết đau khi véo, tiêm
- Vận động tinh tế: Biết nhìn ánh sáng không di động, biết nhìn mẹ.
Trẻ 1 tháng đầu tiên chỉ có những cử động tự phát, không có ý thức. Do đó, các động tác thường xuất hiện đột ngột, không có sự phối hợp và đôi khi là những động tác vu vơ.
Trẻ sơ sinh có những phản xạ tự nhiên bao gồm:
- Phản xạ nuốt, phản xạ bú
- Phản xạ robinson: Đưa một vật chạm vào lòng bàn tay thì trẻ nắm rất chặt
- Phản xạ vòi: Khi chạm vào má, hay vị trí gần miệng ở bên nào thì môi trẻ sẽ đưa hướng về bên đó để ngậm bú
- Phản xạ Moro: Khi vỗ vào thành giường nơi trẻ nằm, hoặc có tiếng động mạnh trẻ giật mình hai tay giang ra ôm choàng vào thân.
Ngoài ra, trẻ thích ứng cá nhân-xã hội bằng cách quan sát những vật ở xung quanh.
4. Chăm sóc và nuôi dưỡng
Việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong 1 tháng đầu sau sinh là điều không hề dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ. Một số vấn đề cần lưu ý bao gồm:
- Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt, bú ngay sau đẻ
- Cho trẻ bú đúng cách
- Cho trẻ bú theo nhu cầu của trẻ, cả ngày lẫn đêm
- Giữ vệ sinh cho trẻ: Vệ sinh rốn, da, tã lót sạch sẽ
- Giữ ấm cho trẻ về mùa lạnh và thoáng mát về mùa nóng
- Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch
Ngoài ra, các bà mẹ cần biết theo dõi các hiện tượng sinh lý của trẻ trong 1 tháng đầu tiên để có thể nhận biết được những dấu hiệu bất thường như không có các phản xạ tự nhiên, phân bất thường, bỏ bú,…
Tóm lại, trẻ 1 tháng đầu sau sinh là giai đoạn thích nghi của trẻ từ môi trường nước chuyển sang môi trường không khí, cho nên trẻ có thể sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sinh lý. Vì vậy, bà mẹ cần nhận biết được những dấu hiệu bất thường để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.