Sơn La ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống dê lai và xây dựng mô hình nuôi dê thương phẩm
Sơn La ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống dê lai và xây dựng mô hình nuôi dê thương phẩm
Lượt xem: 694
Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để xây dựng mô hình nuôi dê lai có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tỉnh Sơn La, năm 2017 Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống dê lai và xây dựng mô hình nuôi dê thương phẩm tại Sơn La”.
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng chăn nuôi dê tại các địa phương cho thấy Dê được chăn nuôi khá phổ biến trong các nông hộ; tuy nhiên quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thức ăn chủ yếu được tận dụng trong gia đình và mang tính tự cung tự cấp. Các hộ chăn nuôi đều dựa trên kinh nghiệm nuôi nhiều năm; chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã tiếp thu 08 quy trình công nghệ từ Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây và điều chỉnh để phù hợp với điều kiện sinh thái chăn nuôi dê tại địa phương, bao gồm: quy trình về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng dê con theo mẹ; Quy trình kỹ thuật chọn giống, chọn phối và ghép đôi giao phối dê giống; quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dê thịt thương phẩm; kỹ thuật chăm sóc nuôi dê cái và dê đực sinh sản; kỹ thuật quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng dê cái và dê đực hậu bị; kỹ thuật bảo quản, chế biến thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dê boer lai F1.
Tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê lai tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La
Để các học viên tại Cơ sở và các hộ dân chủ tham gia mô hình dự án chủ động trong chăm sóc và phòng bệnh cho dê, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã phối hợp cán bộ kĩ thuật của Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây tổ chức tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 20 hộ nông hộ. Sau khi tập huấn các hộ nông dân đã nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc dê lai thương phẩm, chăm sóc nuôi dưỡng dê cái sinh sản, dê con theo mẹ; các phương pháp chế biến, dự trữ thức ăn và các phương pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi dê…
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La bàn giao dê giống cho hộ dân
tại xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La bàn giao dê giống cho các hộ dân
tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án đã xây dựng được 03 mô hình (mô hình chăn nuôi dê sinh sản với quy mô 20 con dê đực và 200 con dê cái sinh sản; mô hình nuôi dê lai thương phẩm tập trung với quy mô 500 dê lai hướng thịt; 20 mô hình nuôi dê thương phẩm tại các nông hộ với quy mô 1 con đực và 10 con cái); Trồng trên 2 ha vùng nguyên liệu cỏ VA06 và các loại cây làm thức ăn cho Dê; Tuyển chọn 200 con Dê cái sinh sản, 20 con Dê đực giống, sau hơn 3 năm đã phát triển được 500 Dê con lai từ đàn dê bố, mẹ. Đồng thời, triển khai nhân rộng được 14 mô hình chăn nuôi dê ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu; Đào tạo tập huấn cho 300 người dân về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng Dê lai; Tạo việc làm cho 200 học viên hướng nghiệp dạy nghề sau khi hoàn thành cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Đoàn kiểm tra mô hình nuôi dê lai sinh sản tại Cơ sở điều trị nghiện
ma túy tỉnh Sơn La
Thành công của dự án là động lực quan trọng góp phần đa dạng hóa đàn vật nuôi, đảm bảo được nguồn giống dê lai sinh trưởng phát triển tốt, cung cấp đủ cho các nông hộ trong dự án, tạo ra được số lượng lớn thịt dê có chất lượng tốt cho thị trường trong tỉnh và ngoại tỉnh; tạo công ăn việc làm cho người dân nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người chăn nuôi. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên và dạy nghề cho học viên đang chữa trị cai nghiện và quản lý sau cai tại Cơ sở có thể áp dụng vào sản xuất quy mô hộ gia đình để ổn định cuộc sống sau khi tái hoà nhập cộng đồng.
Trang Nhung