Sinh viên tự học sao khó quá!
Đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi thời lượng tự học của sinh viên chiếm 2/3 so với giờ học trên lớp. Tuy nhiên, điều kiện hỗ trợ của các trường đại học (ĐH) cho việc tự học chưa đáp ứng nhu cầu
Sinh viên đang chờ vào phòng đọc tại thư viện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Người lao động
“Để sinh viên (SV) tự học theo học chế tín chỉ, đòi hỏi nhà trường phải đáp ứng được các nhu cầu rất lớn, đặc biệt là phòng ốc và thư viện, nhưng hiện nay trường vẫn chưa thể đáp ứng nổi” – Thạc sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhìn nhận. Tình hình chung tại nhiều trường ĐH, SV vẫn phải tự xoay xở.
Học ở hành lang, sân trường
Hiện, thư viện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM có khoảng 300.000 đầu sách, tuy nhiên, nhiều SV cho biết, có những sách tham khảo giảng viên kê ra để SV tự học thì tìm tại thư viện trường không có nên phải đến tận thư viện ĐH Quốc gia TPHCM ở quận Thủ Đức để mượn.
Không chỉ có thế, tại trường này, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh SV chen nhau ngồi học ở hành lang lầu trệt của tòa nhà mới xây dựng. “Học ở đây, chúng em được sử dụng máy tính, bắt được wifi nhưng vào thư viện phải bỏ máy tính ở ngoài và không có wifi nên tụi em không muốn vào thư viện học” – một SV năm cuối ngành ngữ văn Anh cho biết.
Thiếu chỗ học ngoài giờ là vấn đề mà rất nhiều SV các trường phải đối mặt. Đến một cơ sở của Trường ĐH Sư phạm TPHCM trên đường Lê Văn Sỹ, chúng tôi chứng kiến cảnh SV ngồi rải rác ở những phòng học trống ở các khoa tiếng Nga, tiếng Trung… để học bài. Tuy nhiên, đây là những phòng học nóng nực, chật chội và rất tối tăm với những dãy bàn ghế xập xệ, bụi bặm.
“Muốn đến thư viện học phải đi thật sớm, lại phải chen nhau mới có chỗ ngồi nên SV thường tìm những phòng học như thế này ngồi cho yên tĩnh” – một SV năm cuối khoa chính trị của trường cho hay.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, rất đông SV ngồi kín trên các bộ bàn ghế đá ở sân trường để học bài. Một nhóm SV Khoa Điện tử Viễn thông cho biết: “Thư viện nếu có mở cửa thì chỗ ngồi cũng hạn chế, lại nóng nực, nên tụi em thường ra sân trường tự học cho thoáng mát”.
Các SV cũng cho biết, thư viện mở cửa từ 7 giờ đến16 giờ 30 phút, trong khi sinh viên rất cần học bài vào buổi tối thì thư viện lại không mở cửa. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thừa nhận: Hiện, thư viện của trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của SV theo học chế tín chỉ. Tài liệu đang có chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, chứ để SV nghiên cứu chuyên sâu hay nâng cao thì chưa đáp ứng nổi. Bên cạnh đó, diện tích phòng đọc cũng chỉ phục vụ được khoảng 200 chỗ ngồi.
Các SV trường ĐH dân lập lại càng khó khăn hơn khi tìm chỗ tự học. Tại Trường ĐH Văn Hiến, do thư viện quá nhỏ nên SV cũng thường tìm phòng học trống để học bài. Tuy nhiên, có mặt tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh bảo vệ đuổi SV ra khỏi các phòng học trống vì sợ bật đèn, bật quạt… tốn điện.
Giáo trình thiếu thốn
Không chỉ thiếu chỗ tự học, giáo trình học tập của SV hiện cũng rất thiếu thốn. Cầm trên tay cuốn tài liệu, N., SV năm thứ ba ngành cơ điện tử – Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Cuốn sách này là do em tự tìm mua ở ngoài, chứ giáo trình trong trường em học không nổi”.
N. cho biết, giáo trình kỹ thuật vốn đã khó hiểu, lại thường phải sử dụng sách photocopy rất mờ, nên càng khó hiểu hơn. Thậm chí, có những giảng viên đưa cho SV tài liệu viết tay hoặc sách chưa phát hành rồi cắt bớt một vài phần vì sợ mất bản quyền nên SV càng rối.
Nhiều SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho biết, hầu hết giáo trình học đều là sách photocopy, có nhiều giáo trình sử dụng của trường khác nên đôi khi thầy giảng một đằng mà giáo trình viết một nẻo.
Theo các trường, giáo trình hiện nay vẫn chưa đầy đủ, giáo trình do các trường tự viết hiện chỉ mới chiếm từ 40% – 60%, số giáo trình còn lại phải đi mượn từ các trường khác.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, cho rằng, điều này gây khó khăn cho SV khi giáo trình mỗi trường lại mang một trường phái, quan điểm riêng.
Hơn nữa, kiến thức trong giáo trình đáng ra phải được cập nhật thường xuyên, nhưng, hiện các trường không thể có kinh phí để làm giáo trình mới nên SV thiệt thòi.
Còn theo ông Võ Văn Việt, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện giáo trình chung sử dụng quá nhiều, đây là một khó khăn cho SV bởi mỗi ngành học có một đặc thù, cần khối lượng kiến thức riêng nên sử dụng giáo trình chung là chưa phù hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng, giáo trình và tài liệu có vai trò đặc biệt, là điều kiện sống còn trong đào tạo tín chỉ.
Do vậy, các trường cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo trình, cũng như cung cấp đầy đủ cho SV ba loại sách là giáo trình, sách tham khảo và sách chuyên khảo để SV tự học thì mới có thể nâng cao được chất lượng đào tạo trong các trường ĐH hiện nay.