Sinh viên TP.HCM tổ chức sự kiện tái hiện cổ phục

Sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày hội “Tóc xanh – Vạt áo” nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của trang phục Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Ngày hội Việt phục “Tóc xanh – Vạt áo” là sự kiện nằm trong Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” do Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.

Đây là hoạt động trọng điểm của Đoàn trường với mong muốn tạo thói quen tiếp nhận các sản phẩm văn hóa tích cực cho sinh viên, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến người trẻ, đặc biệt là giá trị văn hóa của cổ phong, cổ phục Việt Nam.

Ngay hoi Viet Phuc o DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van TP.HCM anh 1 Sinh viên biểu diễn với trang phục truyền thống ở lễ khai mạc tuần lễ “Sóng đôi”. Ảnh: Phương Minh.

Nhiều người xa lạ với văn hóa Việt

Tại ngày hội, nhiều trang phục của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử đã được trưng bày và trình diễn như áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo nhật bình, áo ngũ thân…

Họa sĩ Phan Thanh Nam (nghệ danh Ấm Chè) chia sẻ: “Nhiều người Việt thực tế còn quá xa lạ với văn hóa của dân tộc. Việc mặc một chiếc áo cổ truyền bỗng trở nên bất thường trong mắt người Việt hiện nay”.

Ngay hoi Viet Phuc o DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van TP.HCM anh 2 Một trong những trang phục truyền thống được trình diễn tại ngày hội Việt phục. Ảnh: Phương Minh.

Khán giả Trịnh Vân Anh (34 tuổi) cho biết chị khá bất ngờ trước vẻ đẹp và hình dáng của trang phục Việt được trình diễn.

“Lần đầu tiên biết đến Việt phục, tôi đã cảm thấy rất xa lạ. Sau khi xem màn trình diễn của các bạn sinh viên, tôi rất bất ngờ và tự thắc mắc là ngày xưa người Việt mặc áo dài như thế này hả”, chị Vân Anh nói.

Chia sẻ với Zing, đại diện ban tổ chức chương trình, anh Nguyễn Huỳnh Minh Phúc cho biết một trong những lý do tổ chức sự kiện là xuất phát từ các tranh cãi gần đây về áo dài, áo tứ thân. Cụ thể là sự việc nghệ sĩ Kim Xuân đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến khích nam sinh mặc áo dài chào cờ, và việc nam cán bộ, công chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa thiên Huế mặc áo dài đi làm.

Lựa chọn Việt phục để tổ chức sự kiện, ban tổ chức mong muốn người trẻ có góc nhìn thực tế nhất về trang phục Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Bảo tồn giá trị văn hóa ở người trẻ

Trước những vấn đề về lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt, họa sĩ Phan Thanh Nam nhấn mạnh vai trò giữ gìn văn hóa ở người trẻ.

“Bảo tồn văn hóa không phải nghĩa vụ của một cá nhân nào, không chỉ là ở người già với mái tóc bạc, mà còn ở người trẻ ‘tóc mãi còn xanh'”, ông Thanh Nam nói.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hy vọng sự kiện sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam tới các bạn trẻ – người sẽ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong tương lai.

Ngay hoi Viet Phuc o DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van TP.HCM anh 3 Nhiều sinh viên quan tâm Việt phục thời nhà Nguyễn. Ảnh: Phương Minh.

“Sự kiện này mới chỉ giúp mọi người nhận biết về Việt phục, chưa thể cung cấp đầy đủ các giá trị văn hóa của trang phục Việt Nam. Em mong sẽ có thêm nhiều sự kiện về chủ đề này để người trẻ có thể hiểu biết hơn về trang phục truyền thống của dân tộc” – bạn Hoàng, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói.

Ngày hội Việt phục “Tóc xanh – Vạt áo” đã thu hút đông đảo sinh viên và người trẻ tại TP.HCM tham dự.

Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sẽ được kéo dài đến hết ngày 16/1. Xuyên suốt sự kiện còn có các hoạt động như tuần lễ điện ảnh “Phim Việt Nhân văn”, triển lãm mỹ thuật “Dòng chảy đôi mươi”…

Trong tương lai, Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) mong muốn được tổ chức nhiều sự kiện có chiều sâu hơn nữa liên quan các giá trị truyền thống của Việt Nam.