Sinh viên RMIT toàn con nhà giàu, tính chảnh chọe, học lực kém nhưng lương khởi điểm nghìn đô: Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!

Nhắc đến những trường con nhà giàu tại Việt Nam không thể bỏ qua cái tên sáng giá RMIT. Chưa bàn tới chất lượng dạy thì mức học phí siêu khủng hơn 700 triệu/năm cùng đời sống học đường sang chảnh đã khiến sinh viên trường RMIT trở nên vô cùng khác biệt so với sinh viên trường khác.

Chỉ cần lướt một vòng confession là thấy vô số lời “than thở” kiểu: “Con Rolls Royce nhà em hơi dài, RMIT có chỗ đậu xe không ạ?“, “Ám ảnh lớn nhất mà RMIT để lại cho tớ đó là việc đi đóng tiền học phí. 100 triệu đồng 3 môn học, đều đặn bằng tiền mặt được mẹ giao cho nộp, chứ không chuyển khoản. Có nằm mơ tớ cũng ám ảnh“… khiến dân tình được nhiều phen choáng váng. Đến mức thiên hạ còn có câu, trượt một môn đi tong một chiếc xe còn trượt tất cả môn trong một kỳ thì đi luôn cả gia tài.

Nhưng trường RMIT có thực sự là chốn xa xỉ dành riêng cho hội rich kid hay sinh viên trong đó ai cũng “ngậm bát vàng”, tính cách thì sang chảnh, thích ăn diện và đua đòi với người khác? Nếu bạn thực sự nghĩ vậy thì hãy lắng nghe nỗi lòng của những người trong cuộc để xem RMIT có thực sự hào nhoáng không nhé!

1. Sinh viên toàn con nhà giàu, sang chảnh?

Chia sẻ của Youtuber đình đám Tân Một Cú về việc sinh viên RMIT có thực sự toàn con nhà giàu?

Khi nhắc đến RMIT người ta thường nghĩ đến con nhà giàu hay trường dành cho những “cậu ấm cô chiêu”. Nhưng thực tế không phải bạn sinh viên nào trong trường cũng giàu nứt đố đổ vách. Theo mặt bằng chung, để học ở đây thì điều kiện gia đình các bạn đó từ khá trở lên. Trường cũng cấp rất nhiều suất học bổng toàn phần cho sinh viên được học miễn phí suốt 4 năm học. Đó là những bạn trẻ đã xác định sẵn cho mình nên đã luôn cố gắng hết sức suốt quãng thời gian cấp ba.

Bên cạnh những chiếc xe đắt tiền Mercedes, Rolls Royce… hay quần áo hàng hiệu lồng lộn thì phần lớn sinh viên trong trường toàn diện quần cộc, áo thun hay thậm chỉ cả áo secondhand đến trường. Nhiều người cũng thừa nhận mình ăn mặc rất giản dị, đôi khi còn khá xuề xòa. Không ít bạn trẻ cũng phải vật lộn đi làm thêm như biết bao sinh viên trường khác.

Cậu bạn Youtuber điển trai Thành Phương cũng từng chia sẻ: “Mình thường nghe mọi người nói sinh viên RMIT toàn ăn diện sang chảnh nhưng phần lớn tủ đồ của mình thậm chí còn toàn là hàng secondhand. Mình đi con xe máy trên mạng hay chửi là nghèo đã được 3 – 4 năm rồi, năm đầu tiên mình còn đi xe đạp nữa cơ. Mình và một số người bạn chơi chung cũng không phải kiểu người quá giàu, nhiều khi 5.000 đồng gửi xe còn không có, phải xin nợ. Phần lớn thầy cô trường RMIT đều khá tốt và cơ sở vật chất ổn nên mình nghĩ tuy học phí có đắt hơn các trường khác nhưng cũng rất đáng cho tương lai sau này của mình“.

Sinh viên RMIT toàn con nhà giàu, tính chảnh chọe, học lực kém nhưng lương khởi điểm nghìn đô: Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy! - Ảnh 2.

Youtuber điển trai Thành Phương từng chia sẻ cuộc sống của sinh viên RMIT không hề hào nhoáng như mọi người từng nghĩ.

2. Chỉ cần có tiền là vào học được, sinh viên toàn người học kém?

Các bạn sinh viên trường RMIT lên tiếng chia sẻ về định kiến chất lượng học kém, chỉ ai trượt mới phải vào đây

Cũng từ định kiến sinh viên trường RMIT toàn con nhà đại gia nên không ít người nghĩ các bạn trẻ trong đây toàn ỷ giàu mà không lo học hành, chơi bời lêu lổng thậm chí học kém mới phải chui vào đây. Nhưng có một thực tế là để vào RMIT bạn phải đạt những tiêu chuẩn đầu vào nhất định. Kết quả trung bình năm lớp 12 phải đạt trên 6.0 đối với chương trình Cao đẳng và 7.0 đối với chương trình Đại học. Bên cạnh đó, bạn còn phải có bằng 6.5 ILETS nhưng không có kỹ năng nào dưới 6.0.

Ngoài ra, việc học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng là trở ngại lớn đối với không ít bạn trẻ. Tuy các môn học ở trường RMIT ít hơn các trường khác những không có nghĩa bạn sẽ dễ dàng qua các môn. Tiền học phí hơn 700 triệu/ 4 năm chỉ là khởi đầu vì bạn có thể đi tong vài con xe máy nếu bạn lỡ tạch một môn học. Chính áp lực tài chính khiến rất nhiều bạn trẻ phải luôn cố gắng học ngày học đêm để không phụ công đóng tiền tỷ học hành của cha mẹ.

3. Sinh viên chảnh chọe, ra đời toàn thích sai vặt người khác?

Sinh viên RMIT toàn con nhà giàu, tính chảnh chọe, học lực kém nhưng lương khởi điểm nghìn đô: Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy! - Ảnh 4.

Sinh viên RMIT thường bị đồn là chảnh chọe, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội hay thậm chí thích bắt nạt, sai vặt người khác nơi làm việc.

Có một tình trạng khá hài hước được các bạn sinh viên trong trường truyền tai nhau: “Em học RMIT mà em không dám nói, không người ta lại bảo tính em chảnh chọe!“. Điều này cũng xuất phát phần lớn từ định kiến con nhà giàu thường thích chơi nổi, có thói kiêu căng, không hòa đồng hay không giỏi giao tiếp xã hội. Thậm chí đã từng có một bài viết trên trang RMIT Conffesions chia sẻ phải từ bỏ không chơi với bạn thân vì cậu ta là sinh viên trường RMIT.

Nhưng thực tế, sinh viên trong trường đều là các bạn trẻ được cha mẹ tạo điều kiện học hành tử tế từ nhỏ nên có trình độ học vấn cũng như hiểu biết cao. Môi trường nào cũng sẽ có người này người nọ, có người tốt và đương nhiên không ít kẻ xấu. Muốn biết được bản chất người đó thế nào bạn luôn phải mất công sức để tìm hiểu họ trong thời gian dài. Vậy nên, đừng vội kết luận sinh viên RMIT chảnh chọe nếu bạn chỉ mới quen họ được vài phút!

4. Kiếm việc dễ dàng, lương khởi điểm hàng tháng ít nhất nghìn đô?

Sinh viên RMIT toàn con nhà giàu, tính chảnh chọe, học lực kém nhưng lương khởi điểm nghìn đô: Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy! - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Điều này thực sự chỉ đúng với một lớp sinh viên có cha mẹ làm chủ doanh nghiệp và dành luôn công ty là món quà thừa kế cho con. Sinh viên trường RMIT có vạch đích tốt hơn những bạn trẻ khác những không có nghĩa họ có ngay những công việc tốt nhất. Môi trường ngoài đời luôn khắc nghiệt và sẵn sàng đào thải những bạn trẻ chỉ được vẻ bề ngoài mà không chịu đầu tư cho mình tiền bạc cũng như kỹ năng.

Sinh viên trường RMIT cũng phải vật lộn để tìm cho mình công việc. Lý do đôi khi không phải vì các bạn ấy yếu kém mà chỗ tuyển dụng không tin sinh viên trường RMIT lại phải đi làm thêm hay thẳng thừng từ chối bạn đó để dành chỗ cho những bạn trẻ có điều kiện kém hơn. Người đời luôn nghĩ nhà giàu sẽ sung sướng, sẽ “ngậm bát vàng” mà chẳng phải lo nghĩ gì cả. Nhưng đôi khi, vượt sướng còn khó hơn rất nhiều so với vượt nghèo.

Sinh viên RMIT phân trần về những định kiến và ảnh hưởng tiêu cực của nó lên công việc tương lai của các bạn.


Theo VÂN TRANG – THIẾT KẾ: HOÀNG ANH

Theo