Sinh viên ngành y học tốn tiền tỉ, ra trường lãnh lương vài triệu đồng/tháng
Học ngành y tốn tiền tỉ nhưng ra trường lãnh lương vài triệu đồng/tháng là “nỗi đau” của nhiều bác sĩ trẻ.
Có còn “nhất y, nhì dược…”?
5-7 năm trở về trước, khi nói đến lựa chọn ngành nghề, xã hội vẫn truyền tai nhau câu “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”, khi mà điểm chuẩn ngành y luôn dẫn đầu và đa số thí sinh giỏi sẽ có đinh hướng trở thành bác sĩ. Thế nhưng hiện tại, ngành này đã không còn là “nhất” nữa. Một trong những nguyên nhân chính là mức lương, thu nhập, chế độ đãi ngộ dành cho bác sĩ không được như kỳ vọng khiến nhiều bác sĩ mới ra trường chán nản.
Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão (28 tuổi, làm tại một bệnh viện công tại TP.Đà Nẵng) cho biết: “Hiện tại một sinh viên ngành y đi học, ngoài học phí cũng chi tiền ăn ở 2-4 triệu đồng/tháng tùy vùng. Ngoài ra phải mua rất nhiều sách vở hoặc khóa học thêm trên mạng, hoặc sách điện tử bản quyền. Còn các chi phí khác khi đi bệnh viện như quần áo, vật tư, xăng xe trung bình mỗi tháng cũng phải 3-5 triệu đồng nữa. Tiền học phí thì tùy trường, có trường 70-80 triệu đồng/năm, có trường lên tới 150 đến hơn 200 triệu đồng/năm”.
Như vậy theo bác sĩ Bão, 6 năm học ròng rã cộng với 18 tháng học thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề, tổng chi phí trên dưới 1 tỉ đồng. Trong thời gian ở trường, sinh viên phải học tập, đi trực, đi thực tập cả sáng, chiều và tối, không có thời gian nghỉ trưa, rất căng thẳng và mệt mỏi. Thế nhưng, khi tốt nghiệp đi làm thì những bác sĩ trẻ này nhận được mức lương vô cùng bèo bọt.
“Một bác sĩ mới ra trường đã có chứng chỉ hành nghề, làm ở cơ sở y tế công chỉ nhận được mức lương 3,8 triệu đồng/tháng. Nếu chưa có chứng chỉ thì lương còn thấp hơn. Nếu có thêm khoản phụ cấp thì được khoảng mấy trăm ngàn đến 1-2 triệu đồng/tháng tùy từng bệnh viện. Các bác sĩ trưởng, phó khoa làm rất lâu năm thì lương cũng chỉ tiệm cận 10-15 triệu đồng/tháng”.
Theo thông tin từ Công đoàn y tế Việt Nam mới đây, sau khi học 6 năm và tiếp tục 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, tổng thu nhập của một bác sĩ ở cơ sở y tế công là 4.881.240 đồng/tháng, bao gồm lương 3.486.000 đồng cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề 40%. Mức lương này chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long Quân (30 tuổi) từng làm việc tại một bệnh viện công ở TP.HCM, nay đã nghỉ việc để đi học chuyên khoa 1, chia sẻ: “Chi phí học tập của sinh viên ngành y gần đây tăng vọt do các trường tự chủ tài chính, học phí tăng gấp nhiều lần trước đây. Thời gian học để trở thành bác sĩ có chứng chỉ hành nghề là 7,5 năm nhưng khi đi làm cũng chỉ được nhận mức lương cơ bản nhân hệ số 2.34, cộng thêm tiền trợ cấp, tiền trực… thì thu nhập cũng chỉ 6-7 triệu đồng/tháng tùy bệnh viện. Công việc của một bác sĩ rất cực. Lương đã thấp, còn bị cắt nhiều khoản trợ cấp do bệnh viện đầu tư năm nào cũng lỗ, có khi hàng trăm tỉ. Tôi chấp nhận nghỉ việc đi học chuyên khoa để sau này tìm kiếm một cơ hội khác”.
Một bác sĩ trẻ mới ra trường mà về quê làm việc ở các bệnh viện huyện hay trạm xá xã, mức thu nhập còn “phũ phàng” hơn, khi mức lương cơ bản là 3.486.000 đồng, tiền trực thêm mỗi ngày 40.000 đồng, mỗi tháng trực khoảng 5-6 ngày. Như vậy thu nhập chỉ khoảng trên dưới 3,7 triệu đồng/tháng.
Cần mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn
Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên năm cuối ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết mình khá hoang mang khi tìm hiểu về tình hình công việc và thu nhập của bác sĩ mới ra trường trong thời gian gần đây.
“Bệnh viện công thì lương thấp, bệnh viện tư cao hơn nhưng lại có yêu cầu khá cao như phải có chứng chỉ hành nghề, phải có văn bằng chuyên khoa mà một bác sĩ mới ra trường sẽ không đủ điều kiện để được tuyển dụng. Mà lương cũng chỉ là một phần. Điều em cũng khá lo lắng, đó là môi trường hành nghề hiện nay rất áp lực khi bệnh viện quá tải, nhiều người không còn tôn trọng bác sĩ…”, Ngọc Anh bày tỏ.
Nói thêm về vấn đề này, bác sĩ Thái Bão khẳng định: “Thà là mức lương thấp, người ta vẫn có lòng yêu nghề và cống hiến. Nhưng gần đây nhiều vụ việc bạo hành nhân viên y tế, coi thường ngành y, rồi làm y tế bị chính sách gò bó, bệnh viện không đủ thuốc và vật tư… đã khiến bác sĩ không cảm thấy được cống hiến hết mình, hoặc cống hiến mà không được nhìn nhận, đãi ngộ xứng đáng”.
Tất cả những điều đó, theo bác sĩ Thái Bão, đã gây ra tâm lý chán nản đối với nhân viên trong ngành và cái nhìn của phụ huynh, học sinh với ngành cũng không còn được tươi sáng như trước đây.
“Chính vì thế mới sinh ra làn sóng bác sĩ ở bệnh viện công chuyển qua bệnh viện tư làm hoặc nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển sang ngành khác. “Nhất y, nhì dược” hiện tại không còn đúng nữa. Những người học ngành y giờ đây cần một mức lương ổn định, cần môi trường làm việc an toàn, không bị bạo hành và cần được tôn trọng”, bác sĩ Bão nhìn nhận.