Sinh Con Ở Bệnh Viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn [Kinh Nghiệm] | Làm Đẹp Cùng Hà

Phụ nữ sợ nhất lúc đau đẻ và chăm con, nhưng nỗi lo lắng nhất của Hà lại là khoảng thời gian mang bầu.

Nếu như lúc mang bầu bé Mây Hà bị hở eo cổ tử cung phải nằm một chỗ, thì với lần bầu em Cao lần này Hà được bác sĩ chẩn đoán là “nhau tiền đạo” – tức là nhau bám thấp và sát cổ tử cung, rất dễ bị xuất huyết ào ạt. Và lần này Hà lại được bác sĩ chỉ định: phải nằm một chỗ, kiêng đi lại.

Rất may mắn (chắc nhờ ăn ở hihi) là đến tháng thứ 5 trở đi nhau đã tự kéo lên. Hà đỡ phải nằm một chỗ nhưng cũng phải cẩn thận trong các hoạt động đi lại.

Trong 2 lần mang bầu, Hà đều bị ốm nghén nặng, không ăn uống được gì cả trong vài tháng nên tháng 4 hoặc 5 thai kì là Hà bị sụt mất khoảng 4kg, người ốm tong teo, xanh xao vàng vọt.

Bình thường anh xã vẫn đưa Hà đi khám thai ở phòng khám tư bên quận 3. Đến lần khám ở tuần thứ 39 thì có việc đột xuất nên Hà phải tự đi khám một mình.

Khi khám xong thì bác sĩ bảo Hà “đã mở 2 phân rồi” và tức tốc viết giấy cho Hà nhập viện. Hà vô cùng bất ngờ vì chẳng thấy đau bụng hay có bất kì dấu hiệu sắp sinh nào. Hà định về nhà để sắp xếp rồi nhập viện sau. Nhưng các mẹ ở đó ai cũng bảo “con so sinh nhanh thì con rạ còn ra nhanh hơn nữa”, nên Hà lật đật bắt taxi từ phòng khám thẳng đển bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn.

sinh-con-o-benh-vien-phu-san-quoc-te-sai-gonEm Cao lúc mới sinh

Dù lần trước sinh đẻ ở bệnh viện Từ Dũ khá hài lòng nhưng thấy trên diễn đàn nhiều mẹ cũng khen bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn nên Hà quyết định trải nghiệm. Lúc vào khám thì BS ở đó cũng bảo Hà nhập viện. Hà thì cứ lo là lỡ chờ hoài không sinh, BS cho ra về sẽ bị… tốn tiền phòng – do tiền phòng ở bệnh viện phụ sản Quốc Tế Sài Gòn nhìn chung cao hơn phòng ở Từ Dũ (Hà sẽ nêu thêm ở dưới).

Thủ tục nhập viện để sinh con ở Phụ Sản Quốc Tế các mẹ cũng cần chuẩn bị:

– Giấy tờ, các xét nghiệm suốt quá trình khám thai

– Chứng minh nhân dân photo (2 bản)

– Hộ khẩu thường trú (2 bản)

Các giấy tờ này Hà đều chuẩn bị trước và kẹp chung với giấy khám thai, để có nhập viện đột xuất thì mọi thứ cũng đều đầy đủ. Như trường hợp của Hà, chỉ cần gọi điện về nói với anh xã mang giỏ đồ chuẩn bị sẵn lên bệnh viện mà thôi.

Xem thêm Mẹ bầu chuẩn bị đồ đi sinh cần những gì

Ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn, các mẹ phải đóng ứng trước tiền phòng rồi vào đấy nằm chờ sinh. Phòng này cũng là phòng mình ở lại sau khi sinh luôn, không phải nằm chờ sinh chung với các mẹ khác như ở bệnh viện Từ Dũ.  Chi phí ứng trước tầm 14tr (thời điểm cuối năm 2015).

Hà cũng chọn dịch vụ phòng sinh gia đình (được 1 người nhà vào cùng mình), và chọn bác sĩ riêng (khám Hà suốt quá trình mang thai). Nhưng vì BS riêng của Hà bận đi công tác nên Hà đành chọn BS đang trực tại Phụ Sản Quốc Tế.

Hà vào BV Phụ Sản Quốc Tế khoảng 19h30 và nằm đợi ở chỗ phòng cấp cứu đến khoảng 22h30 gì đó thì lên phòng dịch vụ. Một phần vì lúc đó cũng mới mở 3 phân, nếu lên phòng trước 22h thì họ tính thêm 1 ngày tiền phòng rất phí. Đến khoảng 24 giờ tối thì ra tí huyết hồng, mở được 4 phân. Bụng vẫn bình thường chưa đau. Y tá bảo cứ nằm chờ, thỉnh thoảng vào đo nhịp tim bé.

Đến khoảng 3 giờ sáng thì bụng Hà bất ngờ đau nhói rất mạnh. Đến lần nhói thứ 2 là Hà thở không ra hơi nữa rồi. Lúc này y tá tức tốc đẩy vào phòng sinh, tử cung đã mở gần 8 phân. Nếu tối đó không quyết định nhập viên mà về nhà chờ thì không chừng… đẻ rớt mất rồi, vì chẳng có dấu hiệu sinh gì cả hi hi…

À, mà sinh con ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn Hà không thấy họ tiêm nước xổ vào hậu môn cho sản phụ như lần Hà sinh ở Từ Dũ.

Hà đọc nhiều tài liệu bảo rằng chích gây tê màng cứng không nên sớm quá và cũng không nên trễ quá 5 phân. Nhưng ở đây dù Hà mở 8 phân thì họ vẫn tiêm khi Hà yêu cầu. Lần sinh này Hà hoàn toàn mất cảm giác từ bụng trở xuống chân, không cảm nhận được các cơn gò, không điều chỉnh được cơ để rặn đẻ. BS phải hướng dẫn rất tỉ mỉ từng hành động để Hà làm theo.

Do mất cảm giác nên mặc dù rất cố gắng đến gần kiệt sức mà Hà vẫn rặn đẻ rất yếu. Đến khi đầu em bé ra được một nửa thì có cảm giác bị kẹt và khựng lại. May có chị phụ tá rất nhanh trí nhảy lên ép bụng Hà xuống để phụ đẩy em bé ra ngoài. Em bé bị dây rốn quấn 2 vòng cổ (có lẽ thai nhi tự xoay mà bác sĩ không phát hiện). Sau khoảng 10 giây cu cậu mới cất tiếng khóc chào đời. Vợ chồng Hà thở phào nhẹ nhõm.

** Chú thích cho chị nào sinh lần đầu chưa hiểu: Hà sinh thường, không phải sinh mổ. Vì cơn đau đẻ vượt sức chịu đựng nên bác sĩ sẽ gây tê màng cứng để mẹ đỡ mất sức do đau. Tất nhiên nếu mẹ nào có sức chịu đựng rất cao thì không cần chọn gây tê màng cứng làm gì.

Sinh con ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn các mẹ sẽ được “da tiếp da” với bé. Bé vừa ra ngoài cắt dây rốn xong là y tá cho bé nằm sấp trên bụng mẹ và tập bú liền. Thời gian tập bú khoảng 30 phút. Trong khi chờ đợi BS sẽ khâu vết cắt cho mẹ.

Phương pháp “da tiếp da” giúp cho em bé cảm nhận được hơi ấm của mẹ ngay từ khi chào đời. Bé cũng được bú ngay để tận dụng dòng sữa non đầu tiên rất bổ dưỡng, và cũng để bé phát huy bản năng bú sữa.

Hà bảo bác sĩ may thẩm mỹ tầng sinh môn luôn. Tầng sinh môn là từ chuyên môn của “cô bé”, âm đạo. BS Hồng tại đây may thẩm mỹ khá đẹp (có khi đẹp hơn cả còn con gái). Nhưng sau khi may thẩm mỹ vết thương sẽ đau và lâu lành hơn may thường.

Xem bài viết May thẩm mỹ tầng sinh môn, cách chăm sóc và xông hơ vùng kín sau sinh.

Sau khi tập bú xong y tá cân đo, tắm lau cho em bé ngay trong phòng, mặc đồ cho bé rồi đẩy cả hai mẹ con về phòng nghỉ.

Hà không biết quan điểm này đúng không, nhưng cứ nói để cả nhà tham khảo. Lần sinh ở bệnh viện Từ Dũ năm 2014, chị Mây không được áp dụng phương pháp “da tiếp da”, bé không được bú mẹ ngay sau khi chào đời. Sau đó có vẻ như Mây quên mất phản xạ nút sữa, khi đưa bình sữa hay ti vào miệng thì nàng cứ đẩy ra. Phải mất gần 2 ngày nàng mới bắt đầu chịu nút và bú sữa. Từ đó trở đi cho nàng bú sữa rất khó khăn. Ngoài ra người ta còn nói hệ tiêu hóa của bé không được sữa non của mẹ tráng lần đầu nên bé sẽ dễ bị ọc sữa về sau (đúng là Mây rất thường bị ọc sữa, và nàng thích ti bình hơn ti mẹ).

Còn em Cao nhờ áp dụng cách bú mẹ ngay khi vừa chào đời nên không gặp khó khăn gì trong việc bú sữa mẹ hay bú bình sau này. Cao rất hiếm khi bị ọc và cậu thích bú mẹ hơn bú bình.

Ghi chú: Từ năm 2015 thì bệnh viện Từ Dũ cũng đã áp dụng phương pháp “da tiếp da” sau sinh nên các mẹ cứ an tâm ạ.

Giá phòng ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn có vẻ cao hơn phòng VIP của Từ Dũ một chút, dao động từ 1tr8 – 2tr5.  Hà nằm phòng 2tr thấy tốt tương đương phòng 1.5tr của Từ Dũ, được phục vụ cơm ngày 3 bữa (khá hợp khẩu vị).

– Dịch vụ phòng sinh gia đình (phòng đẻ) giá khoảng 500k/lần sinh.

– Gây tê màng cứng: 2tr.

– May thẩm mỹ tầng sinh môn: 3tr5.

Tổng lại các chi phí sinh con ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn của Hà tầm 20tr (2015). Hà không có bảo hiểm. Nếu mẹ nào có bảo hiểm thì sẽ đỡ hơn nhiều.

Gần đây Hà thấy hình như họ đã tăng giá một số dịch vụ so với đợt Hà sinh. Để chính xác thì các mẹ chịu khó vào trang web của bệnh viện để tham khảo giá trước khi chọn sinh ạ.

Một vài nhược điểm ở bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn là một số y tá ở phòng cấp cứu (nơi tiếp nhận mẹ bầu khi vào viện) có vẻ chưa lịch sự lắm. Đây là cảm nhận của anh xã Hà. Không biết hiện nay đã cải thiện chưa. Còn nhân viên ở các bộ phận khác thì lịch sự.

Ngoài ra xung quanh Bệnh viện có rất ít quầy bán hàng rong hay tạp hóa (khác với Từ Dũ ra cổng là đầy) nên mỗi khi cần mua chai nước suối, ổ bánh mì hay gì đó khá khó khăn.

Chị nào có kinh nghiệm sinh con ở bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn hoặc các bệnh viện khác thì chia sẻ (bên dưới, mục Bình Luận) để các mẹ khác tham khảo với ạ.

Iu các chị, xx

chu-ky-ngoc-ha
Bài viết này của LamdepcungHa.com

PS.Các chị đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé!

Disclaimer:
Những ý kiến hay quan điểm trong các bài viết là của cá nhân Hà (Xem chi tiết…)

HaShop

Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy nhấn “Thích” hoặc “Chia sẻ”!