Sĩ tử mùa thi: Lễ sao cho đúng?

(Xây dựng) – Vào mùa thi đại học, cao đẳng năm 2014, ngoài việc đi lễ chùa, rất đông sĩ tử cùng người nhà từ các tỉnh đổ về Hà Nội tranh thủ rủ nhau đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) với chung mục đích là cầu nguyện sao cho việc thi cử được gặp nhiều may mắn. Đây là 02 di tích lịch sử có ý nghĩa tâm linh to lớn gắn với sự nghiệp giáo dục, thành công trên con đường học vấn của dân tộc Việt.


Theo kinh nghiệm của một số nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng đền Ngọc Sơn sẽ phù hợp hơn cho việc sĩ tử đến lễ trước khi diễn ra các kỳ thi

Đền Ngọc Sơn

Tên Ngọc Sơn là có từ thời Trần. Trong thời vua Lê, trên đảo Ngọc Sơn chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng cung Khánh Thụy để làm điểm vui chơi, sau này Trịnh Doanh cũng cho đắp thêm cạnh bờ hồ chỗ đối diện với cung Khánh Thụy một gò đất và đặt tên là Ngọc Bội Sơn. Cung Khánh Thụy về sau đã bị Lê Chiêu Thống đốt trụi. Đến cuối đời Lê, trên nền cũ của cung Khánh Thụy đã xây dựng chùa Ngọc Sơn thờ Phật. Qua thời Nguyễn, chùa được chuyển thành đền thờ Văn Xương Đế Quân, rồi lại phối thờ Lã Động Tiên, Quan Vân Trường. Sau này người Hà thành đã đưa vào thờ tướng quân Trần Hưng Đạo, nhà quân sự thiên tài đã ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông thế kỷ thứ 13.

Năm 1865, Án sát Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động tu sửa đền và diện mạo như hiện nay là có từ lần tu sửa này. Trên gò Ngọc Bội ông đã cho xây một tháp đá có đỉnh hình ngọn bút lông, thân tháp khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) mà ngày nay quen gọi là tháp Bút.


Hình ảnh nghiên mực trong đền Ngọc Sơn

Qua tháp sẽ đến một cửa cuốn gọi là đài Nghiên, bên trên có một nghiên mực được tạc từ một tảng đá xanh, hình quả đào cắt bổ dọc, khoét lõm lòng chảo. Bề dài quả đào là 0,97m, bề ngang 0,8m, nghiên cao 0,3m, chu vi 2m được đặt trên 3 ông cóc tựa như 3 chiếc chân kiềng. Đặc biệt, trên thân của nghiên mực có khắc một bài minh do cụ Nguyễn Văn Siêu soạn, với ý nghĩa hàm súc. Nội dung được chép lại ở bức cuốn thư 64 chữ trên cổng. Xin trích một đoạn dịch tham khảo: “Xưa lấy hốc đất làm nghiên, chú Đạo đức kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông, không tròn, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu. Không cao, không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi soi hồ Hoàn Kiếm, ngửa trông ngọn Bút đá. Ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư không”.

Sau cửa cuốn là hai bức tường ở hai bên lối vào tượng trưng cho bảng Rồng và bảng Hổ – những sĩ tử khi đi ngang qua đây được nhắc nhở gắng công đèn sách để sớm có ngày được “bảng vàng đề tên”.

Nối bờ với đảo Ngọc là cầu Thê Húc (nơi ánh sáng mặt trời đậu lại), hai bên có ba chữ “Thê Húc Kiều”. Qua cầu là tới Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) có chức năng của một cổng đền, duyên dáng nhờ được trang điểm bởi một gốc đa cổ thụ sum suê lá cành.

Đền Ngọc Sơn gồm ba nếp nhà chính liền nhau. Tại nhà Bái đường có đặt bàn thờ Văn Xương Đế Quân là vị thần của Đạo Giáo được thờ bên Trung Hoa, nếp giữa thờ Lã Động Tân (vị thần của Đạo Giáo được người đời sau tôn là Lã Tổ) và Quan Vân Trường (vị tướng giỏi thời Tam quốc được người Trung Hoa tôn là Quan Đế), nếp nhà phía Bắc thờ tướng quân Trần Quốc Tuấn có công lớn trong việc dẹp tan quân Nguyên xâm lược được tôn là Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương. Trước nhà Bái đường về phía Nam còn có đền Trấn Ba (đình chắn sóng), như muốn hàm ý nơi đây là một thành lũy đạo đức có thể ngăn chặn được những biến tướng tiêu cực của nền văn hóa đang bị phân hóa của xã hội đương thời.

Văn Miếu  – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng từ tháng 8 năm Canh Tuất đời vua Lý Thánh Tông (tháng 10 năm 1070). Ban đầu là Văn miếu thờ các vị thánh hiền đạo Nho như Khổng Tử, Mạnh Tử. Đến Năm 1076 đời Lý Nhân Tông, nơi đây đã lập thêm Quốc Tử Giám với mục đích dạy dỗ các hoàng tử, sau đó đã mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong nhân dân. Năm 1236 đời Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám đổi thành Viện Quốc Học và năm 1480 đời Lê Thánh Tông lại đổi thành Nhà Thái Học.


Văn Miếu – Quốc Tử giám, nơi thu nhận cả các học trò giỏi trong nhân dân

Văn Miếu – Quốc Tử Giám có những bức tường ngăn đã chia nơi đây thành 5 khu vực: Khu vực 1 bắt đầu bằng cổng chính có 3 chữ “Văn Miếu Môn”, phía trước và sau cổng đều có cặp rồng đá mang phong cách thời Lê sơ (thế kỷ 15). Khu vực 2 bắt đầu bằng cổng “Đại Trung Môn”, 2 bên có hai cổng nhỏ “Thành Đức” và “Đại Tài”. 

Khu vực 3 bắt đầu bằng “Khuê Văn Các” (gác đẹp của sao Khuê, một sao trong nhị thập bát tú, chủ về văn chương thi phú). Gác này được xây dựng từ mùa xuân năm 1805 với một lầu vuông 8 mái, bốn mặt gác có 4 cửa sổ tròn trang trí hình mặt trời. Hai bên gác cũng có hai cổng nhỏ “Súc Văn” và “Bỉ Văn”.

Ngay giữa khu này có một hồ lớn hình vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) với tường hoa bao quanh. Đối xứng với hồ là 2 khu vườn bia, là nơi dựng các tấm bia ghi danh những người đỗ tiến sĩ. Nếu tính đủ từ năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1779) phải có trên 100 kỳ thi, nhưng thực tế số bia ở đây chỉ có 82 tấm.

Khu vực 4 bắt đầu từ Đại Thành Môn là một khoảnh sân rộng, hai bên có hai dãy Tả vu và Hữu vu, vốn là nơi thờ tự các danh nho. Cuối sân là nhà Đại bái và Hậu cung với kiến trúc khá đẹp và trang trọng. Khu vực 5 bắt đầu bằng “Thái Học Môn” dẫn vào nhà Thái Học, nguyên là Quốc Tử Giám lập từ đời Lý, có thể ví như trường đại học đương thời. Khi nhà Nguyễn dời kinh đô vào Phú Xuân thì trường cũng được dời theo và trên nền nhà Thái Học cũ đã dựng đền Khải Thánh thờ cha mẹ của Khổng Tử.


Rất nhiều sĩ tử mong muốn đỗ đạt thành tài nên đổ xô đến Văn Miếu để dâng hương hành lễ

Lễ sao cho đúng?

Mặc dù trước các kỳ thi, sĩ tử đến lễ ở Văn Miếu Quốc Tử giám và đền Ngọc Sơn lên đến hàng nghìn người, nhưng cách hành lễ như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Theo kinh nghiệm của một số nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng đền Ngọc Sơn sẽ phù hợp hơn cho việc sĩ tử đến lễ trước khi diễn ra các kỳ thi, còn Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ phù hợp hơn cho những sĩ tử đã đỗ đạt vào trường hoặc tốt nghiệp ra trường đến Lễ. Và tất nhiên nếu ai đến được cả hai nơi thì không còn gì bằng, đây được xem như là một hành động tri ân của thế hệ sau với các thế hệ đi trước, rất phù hợp đạo lý của người dân Việt Nam chúng ta. 

Trước khi đến những nơi linh thiêng đó, kể cả các bậc phụ huynh và các sĩ tử hãy nên lễ tại bàn thờ tổ tiên, nơi đình chùa. đền phủ… tại quê nhà trước đã. Và cho dù lễ ở đâu thì cũng phải biết cách hành lễ sao cho đúng và đủ. 

Theo kiến trúc sư, nhà nghiên cứu phong thủy ứng dụng Kiến Phong hướng dẫn, thứ tự khấn lễ đó là: tạ ơn, sám hối, cầu, hứa và xin (tương ứng 5 ngón tay trên bàn tay).


Thứ tự khấn lễ đó là: tạ ơn, sám hối, cầu, hứa và xin

Cụ thể:

Tạ ơn nghĩa là tạ ơn cha trời – mẹ đất, cha mẹ phật thánh, các bậc tiên đế Đại vương, anh hùng liệt sỹ, gia tiên tiền tổ… đã cho chúng con có được ngày hôm nay.

Sám hối là những tội lỗi chúng ta đã gây ra từ tiền kiếp cho đến nay, do tham – sân- si… mong được các Chư vị đại xá.

Cầu là cầu cho Quốc thái dân an – Đất nước ngày càng hưng thịnh phát triển, người người được 2 chữ: Bình an, cầu cho các chân linh anh hùng Liệt sỹ từ thời dựng nước cho đến nay, các chân linh không nơi nương tựa và các chân linh gia tiên tiền tổ sớm được siêu thăng siêu thoát lên cảnh giới cao hơn…

Hứa: Sẽ tu học chữ Đạo để làm rạng danh tiên tổ, làm rạng danh đất nước…

Xin: Dâng vật lễ( có thể chỉ cần giọt dầu) và xin cho bản thân được gặp nhiều may mắn trong kỳ thi sắp tới…

Cho dù kết quả của chúng ta đến đâu thì khi đã đến cửa những chốn tâm linh đó cầu nguyện thì chúng ta phải có ngày quay trở lại để tạ lễ để bảo toàn phước đức cho con cháu chứ đừng nghĩ cứ được mới tạ như nhiều người vô tâm vẫn quan niệm.