Sau 6 năm học và 18 tháng thực hành, bác sĩ mới ra trường nhận lương 5 triệu đồng
Sau 6 năm học và 18 tháng thực hành, bác sĩ mới ra trường nhận lương 5 triệu đồng
Theo Công đoàn y tế Việt Nam, có 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, trong đó thu nhập chưa cao là một trong các nguyên nhân.
8 nguyên nhân khiến y, bác sĩ bỏ việc
Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Theo Công đoàn y tế Việt Nam, có 8 nguyên nhân khiến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc.
Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Thứ nhất, do thu nhập thấp: Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng.
Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Thứ hai, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế), do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.
Mặt khác, trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, khiến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh. Thậm chí, nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.
Cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn, mặc, ở… lo lắng các chi phí về điện, nước, học hành ngày càng cao trong khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp mà công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng;
Chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng.
Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ.
Thứ năm, do áp lực công việc cao: Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Thứ sáu, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.
Cụ thể, thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
Thứ bảy, do môi trường làm việc đặc thù của ngành Y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được.
Đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tám, nguyên nhân khác: Viên chức y tế xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp nên xin thôi việc để về chăm sóc gia đình.
Mặt khác, một số cán bộ, viên chức y tế do sức khỏe không bảo đảm nên tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc để chữa bệnh.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ y tế vẫn phải lo lắng cho người thân, gia đình, nhiều cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh trong khi người thân gia đình cũng đang ở các khu cách ly cần được chăm sóc, có trường hợp người thân trong gia đình mất không thể về được cũng tạo nên tâm lý cho cán bộ, nhân viên y tế.
Kiến nghị tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề
Vì thế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đồng thời, cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.
Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng.
Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.
Ngoài ra, để khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế.
Cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1-2 lần mức lương cơ sở hiện nay.
Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…
Chính phủ cần có nhiều chế độ chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh; cần có những chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo làm việc nhất là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu, …
Trước làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công nghỉ việc, bỏ việc, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, muốn biết được nguyên nhân chính xác của vấn đề này, cần thiết phải có đánh giá tổng thể.
Theo đó, cần thống kê số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong cả nước; xác định rõ cán bộ y tế nghỉ việc theo chức danh nghề nghiệp (bác sĩ, kỹ thuật viên hay điều dưỡng viên) ở tuyến trung ương hay tuyến tỉnh;
Tình trạng chuyển việc diễn ra ở chuyên khoa nào, có phải các chuyên khoa “hot” như: ngoại, giải phẫu thẩm mỹ, sản, răng hàm mặt, hay chỉ ở những lĩnh vực kém hấp dẫn như tâm thần, truyền nhiễm, cấp cứu, chống độc…?
Bên cạnh đó, ngành y tế cần có đánh giá về lứa tuổi của cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, nếu ở tuổi 35 – 40 (độ tuổi chững chạc về nghề nghiệp), thì việc họ chuyển đi là đáng lo ngại…
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc không chỉ là vấn đề liên quan đến riêng ngành y tế, mà còn tác động lớn đến an sinh xã hội. Nhưng hiện nay, chưa có các nghiên cứu thực tế, nên mới chỉ thấy những giải pháp khá chung chung.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, không chỉ cần thiết phải khảo sát, thống kê về tiền lương, thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế, mà cần phải đánh giá cả về môi trường, điều kiện làm việc, mức độ, khả năng làm việc, cũng như tinh thần tận hiến của y, bác sĩ.
Bên cạnh đó, còn phải đánh giá mục đích nghỉ việc là để chuyển sang khu vực y tế tư, mở phòng khám riêng, hay vì áp lực mà bỏ việc để tìm công việc khác phù hợp hơn.
“Chỉ khi có thống kê, đánh giá toàn diện, mới có thể thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tìm ra được nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục”, TS. Nguyễn Huy Quang nói.
Về lâu dài, giải pháp trọng yếu để giữ chân đội ngũ nhân nhân lực y tế công lập là thu nhập, vị trí hợp lý; tiếp theo là chính sách đãi ngộ tốt; tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện.
Ngoài ra, theo ý kiến của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để giảm hệ lụy dịch chuyển việc của nhân viên y tế, Việt Nam nên học theo mô hình của các nước phát triển. Ở những quốc gia này, hệ thống y tế xây dựng cơ chế để bác sĩ dễ dàng chuyển đổi giữa bệnh viện công và bệnh viện tư.
Thông thường, bác sĩ không làm tại một vị trí quá 5 năm, họ ra bệnh viện tư để kiếm tiền rồi trở lại bệnh viện công để nâng cao tay nghề và kiến thức. “Làm được như vậy, thì hệ thống y tế cả công lẫn tư mới giải quyết được bài toán nhân lực và chất lượng”, bác sĩ Phúc nói.