Sắp xếp giảm 50% doanh nghiệp quốc phòng an ninh từ nay đến năm 2025

(TBTCO) –

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố để lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh, doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Dự kiến giảm 50% số doanh nghiệp quân đội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh, doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Căn cứ pháp lý để xây dựng nghị định là tại khoản 7, Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật vừa được Quốc hội ban hành (có hiệu lực từ 1/3/2022) quy định “Căn cứ vào quy định của luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ, hoặc kết hợp kinh tế với DNNN và công ty TNHH do DNNN quy định tại khoản 2 Điều 88 luật này giữ 100% vốn điều lệ”.

Qua tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thực tiễn, việc thực hiện các quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp (DN) quốc phòng an ninh vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.

Cụ thể, hiện nay đã có 56 DN được Thủ tướng công nhận là DN quốc phòng an ninh. Ngoài ra, có một số công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên là công ty con của công ty mẹ (tập đoàn, tổng công ty) là DN quốc phòng, an ninh hiện vẫn đang được Bộ Quốc phòng giao thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thông qua công ty mẹ, nhưng chưa được công nhận là DN quốc phòng.

Các công ty con này đang được giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tuy nhiên không đáp ứng điều kiện về loại hình DN theo quy định tại Nghị định số 47, do vậy chưa được xem xét công nhận là DN quốc phòng an ninh.

Về DN kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, hiện nay Bộ Quốc phòng đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2022 đối với Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2025. Dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện sắp xếp đối với 83 DN 100% vốn nhà nước và 20 công ty cổ phần để giảm khoảng 50% về số lượng DN.

Theo đó, sau năm 2025, Bộ Quốc phòng chỉ tiếp tục duy trì quản lý: các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là các DN trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng (khoảng 40 DN) và một số DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn (đáp ứng tiêu chí Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối khi thực hiện cổ phần hóa) vẫn tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng là DN kinh tế kết hợp với quốc phòng (khoảng 10 DN). Đối với các DN còn lại, Bộ Quốc phòng phải thực hiện cổ phần hóa và bán hết phần vốn nhà nước tại DN.

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quốc phòng

Hiện tại, các quy định tại Nghị định 47 chưa quy định về đối tượng DN kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý DN của Bộ Quốc phòng cho thấy, trong thời gian tới sẽ có một nhóm đối tượng DN thuộc Bộ Quốc phòng là DN kết hợp kinh tế với quốc phòng cần phải nghiên cứu xây dựng chính sách để điều chỉnh việc tổ chức hoạt động và quản lý.

Dự kiến, số này sẽ bao gồm DN hiện do Bộ Quốc phòng nắm giữ 100% vốn nhà nước không được công nhận là DN quốc phòng cần cổ phần hóa, Bộ Quốc phòng nắm cổ phần chi phối trong giai đoạn 2021 – 2025 như: Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty Lũng Lô; và DN hiện Bộ Quổc phòng đang nắm giữ cổ phần chi phối sau khi cổ phần hóa vẫn đang thực hiện một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng như Công ty cổ phần X20, Công ty cổ phần 22, Công ty cổ phần 26, Công ty cổ phần 32.

Theo Bộ Quốc phòng, ngoài việc hoạt động sản xuất kinh doanh đơn thuần, các DN sau khi sắp xếp, cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vẫn tiếp tục được giao thực hiện một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự hướng dẫn của Nhà nước về cơ chế hỗ trợ đội ngũ quân nhân làm người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN. Do vậy, khi được giao một số nhiệm vụ quân sự quốc phòng, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ để đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ quân nhân được cử sang làm việc tại công ty cổ phần.

Trong một số trường hợp nhất định, việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh của Nhà nước giao có thể làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí của DN. Tuy nhiên, chưa có chính sách để Nhà nước đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí cho đối tượng DN này. Do đó, việc quy định cụ thể về chính sách đối với DN kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là cần thiết và phù hợp.

Ngoài ra, dự kiến trong quá trình triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2025, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện sáp nhập, tái cơ cấu nhiều DN để hình thành các DN được giao nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Sau khi thực hiện sắp xếp, những DN này cần dược tiếp tục công nhận là DN quốc phòng an ninh. Vì vậy, kiến nghị quy định hiệu lực đối với quy định luật sửa đổi bổ sung tại dự thảo luật cần được áp dụng cho các DN đã thành lập, hoặc sẽ thành lập mới trong quá trình sắp xếp lại.

Từ những vướng mắc trên thực tiễn và các yêu cầu nêu trên, dự thảo nghị định được xây dựng theo hướng thay thế các nội dung liên quan đến tổ chức quản lý và hoạt động của DN quốc phòng an ninh quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn triển khai. Ngoài ra, việc ban hành nghị định giúp tạo khung pháp lý nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của Nhà nước đối với các DN này./.