Sáng kiến bảo vệ rừng Amazon – “lá phổi của Trái Đất”
BNEWS
Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.
Chính phủ các nước ở lưu vực sông Amazon – bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru và Surinam – đã cam kết tiếp tục bảo vệ khu vực rừng rậm nhiệt đới Amazon – “lá phổi của thế giới” và sẽ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) “thiết kế” một sáng kiến tài chính để cung cấp nguồn vốn cho sự phát triển bền vững ở khu vực rừng Amazon.
Tại một hội nghị trực tuyến đánh giá quá trình triển khai Hiệp ước Leticia về bảo vệ rừng Amazon giữa 7 quốc gia nói trên, Tổng thống Colombia Iván Duque nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc bảo vệ “lá phổi của thế giới”, đồng thời kêu gọi các quốc gia chung tay trong việc “đối mặt với những đối tượng đang tàn phá khu rừng rậm Amazon”. Theo ông Duque, bảo vệ Amazon có nghĩa là bảo vệ đa dạng sinh học của toàn khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Peru Martín Vizcarra tái khẳng định cam kết của nước này trong việc tuân thủ Hiệp ước Leticia nhằm bảo vệ tài sản thiên nhiên và văn hóa vô giá của Amazon, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và các nguồn lực của khu vực này.
Về phần mình, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez nhấn mạnh các nước trong khu vực cần thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân trong tương lai.
Cùng quan điểm trên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng cần phải tiếp tục thúc đẩy “phát triển bền vững” tại khu vực rừng rậm Amazon.
Cũng tại hội nghị trực tuyến này, các nước ở lưu vực sông Amazon kêu gọi IADB “thiết kế, triển khai và giám sát Sáng kiến tài chính cho sự phát triển bền vững và nền kinh tế sinh học của Amazon”.
Sáng kiến trên, với nguồn tài chính đến từ khu vực công và tư nhân cũng như các ngân hàng đa phương, sẽ cung cấp những tài nguyên để góp phần thay đổi cơ cấu hoạt động sản xuất, hỗ trợ các hoạt động kinh tế “không lãng phí”, phát triển các đô thị, hạ tầng cơ sở và hoạt động du lịch một cách bền vững, đồng thời phòng chống những hoạt động phi pháp, ngăn chặn các thảm họa và bảo vệ rừng.
Trước đó, Hiệp ước Leticia được ký kết tháng 9/2019 tại Colombia nhằm tìm kiếm biện pháp bảo vệ sự đa dạng sinh học, đấu tranh chống nạn phá rừng dựa trên chính sách và khung pháp lý của mỗi nước. Đại diện các nước cam kết cụ thể hóa những sáng kiến về phục hồi và tái trồng rừng tại những vùng bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.
Hiệp ước Leticia gồm 16 điểm chính, trong đó bao gồm việc xây dựng một mạng lưới hợp tác vùng Amazon để trao đổi thông tin, kinh nghiệm đối phó với thảm họa cháy rừng.
Các bên nhất trí giám sát độ che phủ của rừng Amazon qua vệ tinh để phản ứng kịp thời đối với tình huống khẩn cấp, đồng thời cho rằng cần thúc đẩy hành động chung, tăng khả năng tham gia của người dân bản địa, các bộ tộc, cộng động địa phương, cũng như trao quyền cho những phụ nữ sống trong vùng rừng Amazon trong việc bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững.
Đại diện các nước cũng cam kết thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, phát triển kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và nâng cao nhận thức của người dân vùng Amazon về vai trò và tầm quan trọng của nơi được coi là “lá phổi xanh của hành tinh”. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng ủng hộ việc huy động nguồn lực công và tư để thực hiện các cam kết và sáng kiến bảo vệ rừng.
Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Surinam và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất./.