Sáng chế của học sinh thành món hàng mua bán
Sản phẩm đoạt giải na ná nhau
Hiện đang có 2 cuộc thi dành cho học sinh cả nước, gồm cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức) và cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) (do Bộ GD-ĐT tổ chức).
Cả hai cuộc thi trên đều vướng phải lùm xùm. Ở cuộc thi KHKT, không ít đề tài dự thi của học sinh ngang tầm tiến sĩ. Còn ở cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, có những sản phẩm KHKT từng đoạt giải ở tỉnh này được mang dự thi ở tỉnh kia và tiếp tục đoạt giải.
Đầu năm học 2022-2023, với sáng chế “Dụng cụ sơn tường liên tục”, 2 nữ sinh lớp Chín ở huyện Vị Thủy giành giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ chín – năm 2022”. Sản phẩm được giới thiệu là có cấu tạo khá đơn giản, làm từ những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc, có thể tận dụng và tái chế được.
“Dụng cụ gồm một ống dẫn nước sơn từ thùng đến cây lăn. Ống dẫn này được kết nối với một mô tơ giúp đưa sơn lên liên tục. Gắn liền với mô tơ là một biến trở để điều chỉnh lượng sơn và một bộ phận pin để cấp nguồn. Khi bật mô tơ, sơn sẽ được đẩy liên tục lên vị trí đầu lăn theo sự điều chỉnh của người dùng. Tay cầm của cây lăn có thể điều chỉnh ngắn, dài, phù hợp với độ cao của bức tường được sơn” – phần mô tả sản phẩm ghi.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2021, trên mạng xã hội đã có một video giới thiệu sản phẩm “Chổi lăn sơn tự động cấp sơn liên tục”. Sản phẩm này được một học sinh THCS mang dự thi và đoạt giải Ba “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ tám – năm 2021”. Theo video, tính năng và kết cấu của “Chổi lăn sơn tự động cấp sơn liên tục” không khác gì “Dụng cụ sơn tường liên tục”.
Trước đó, trong “Hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 14 – năm 2018”, sản phẩm “Hệ thống sơn tay cải tiến” của một học sinh lớp Mười hai đã giành giải Nhì. Sản phẩm này được mô tả “gồm bình sơn, hệ thống đường ống, van điều khiển và con lăn. Người thợ sơn có thể điều chỉnh lượng sơn theo ý muốn để lượng sơn vừa đủ, chất lượng và đồng đều, khắc phục được động tác gập người xuống lấy sơn và đứng lên để sơn. Người thợ chỉ cần bấm nút điều khiển, lượng sơn sẽ được phân bổ đều đặn…”.
Sản phẩm khoa học được rao bán trên mạng
“Người trong ngành” mua bán sáng chế
Không rõ sản phẩm “chổi lăn sơn tự động” đoạt giải ở 3 tỉnh, trong 3 năm có phải là sự trùng hợp ý tưởng ngẫu nhiên của học sinh hay không, nhưng theo tiết lộ của một người sống ở TP Cần Thơ, anh ta từng bán 1 sản phẩm cho 3 nơi khác nhau nhưng chưa gặp bất cứ rắc rối nào liên quan đến bản quyền. Các sản phẩm được chào bán (trên mạng) thường có giá từ 1-5 triệu đồng tùy độ phức tạp.
Việc mua bán sản phẩm KHKT diễn ra trên “chợ mạng” từ nhiều năm nay. Nhóm “Sáng tạo KHKT” trên Facebook có gần 24.000 thành viên là một trong những “chợ” thường xuyên mua bán các sản phẩm KHKT, đề tài nghiên cứu.
Trên nhóm này, cuối năm 2021, một thành viên thắc mắc: “Giáo viên hướng dẫn học sinh dự thi KHKT có bắt buộc phải là giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên không?”. Ít ngày sau, thành viên này “muốn đặt hàng sản phẩm lập trình bằng công cụ Codekitten”. Tháng 4/2022, thành viên này “cần đặt sản phẩm KHKT trọn gói, cam kết đoạt giải và độc quyền sản phẩm”. Đến tháng 12/2022, thành viên này “cần đặt sản phẩm dự giải sáng tạo cho học sinh tiểu học, 2 sản phẩm KHKT cho học sinh cấp II và III thật hiệu quả và chất lượng”. Được biết, thành viên này là giáo viên dạy môn lịch sử bậc THPT ở tỉnh Nghệ An.
N.V.N. (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) rao bán 8 dự án, sản phẩm về lĩnh vực cơ khí, như xe vận chuyển đa năng, máy đa năng nâng cao năng suất lao động, hệ thống hỗ trợ xe hơi tiện ích… Trong đó, có nhiều sản phẩm đã đoạt giải cấp huyện, tỉnh trong các cuộc thi KHKT và cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Được biết, N.V.N. đang làm việc trong ngành giáo dục. Sản phẩm mới nhất mà N.V.N giới thiệu là “Hệ thống diệt khuẩn đa chức năng, khép kín, phòng chống tất cả các bệnh truyền nhiễm”.
Đ.S. (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) rao bán 4 sản phẩm KHKT đã đoạt giải Nhất, Nhì của tỉnh. Thành viên này còn chụp hình giấy chứng nhận đoạt giải của học sinh do Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cấp và cam kết sản phẩm chưa có trên mạng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những sản phẩm mà Đ.S. giới thiệu đã đoạt giải Nhất năm học 2018-2019, có tên “Máy gom rác tự động ở miệng cống sử dụng năng lượng dòng chảy”, do 2 học sinh THCS ở huyện Hương Sơn dự thi. Ngoài rao bán các sản phẩm KHKT, Đ.S. còn rao “mua sản phẩm khoa học xã hội về tiếng Anh, xin trả phí cao”.
Việc mua bán sản phẩm khoa học kỹ thuật diễn ra thường xuyên trên “chợ mạng”
Anh T.V.T. – ở TP Hà Nội, từng bán sản phẩm KHKT – tiết lộ: “Tôi nhận làm sản phẩm KHKT cho một thầy giáo ở tỉnh Nghệ An. Người đó đặt cọc 50% giá tiền. Sau đó, tôi chuyển giao để họ mang đi thi. Hết ngày thi, họ thông báo sản phẩm do tôi làm bị lỗi nên không thanh toán 50% số tiền còn lại. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi biết sản phẩm trên được đưa đi thi cấp tỉnh. Tôi đưa bằng chứng, người đó bèn xin xỏ để mọi chuyện êm đẹp bởi họ còn đang dự thi”.
Anh Q.Đ. – sinh viên ở tỉnh Phú Thọ – cho biết, cuối tháng 5/2022, anh được một giáo viên ở tỉnh Lào Cai đặt hàng mua sản phẩm. Mấy tháng sau, sản phẩm này được một học sinh mang đi dự cuộc thi KHKT nhưng do thí sinh không trả lời được câu hỏi của ban giám khảo nên không được giải.
Người trong cuộc nói gì?
Trước tình trạng các sáng chế mà học sinh mang dự thi bị biến thành món đồ mua bán, thầy N.S.L. (tỉnh Ninh Thuận) bất bình: “Đây là điều không thể chấp nhận được”.
Sau một thời gian ở trong nhóm “Sáng tạo KHKT” trên Facebook, thầy B.P.H. (tỉnh Bình Dương) chán nản: “Tham gia nhóm, tôi nhận ra rằng, các cuộc thi này khó mà đạt mục tiêu như kỳ vọng. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh sáng tạo mà các thầy cô lại đăng bán, hỏi mua sáng chế như mua rau ngoài chợ về cho học sinh đi thi thì khác nào họ dạy học sinh của mình gian dối”.
Cô T.N. – dạy bậc THPT ở tỉnh Lào Cai – cho biết, do muốn có giải bằng mọi giá nên từ lâu, thầy cô đã tham gia mua bán sản phẩm phục vụ các cuộc thi này. Thầy V.N.M. – dạy THPT ở tỉnh Nam Định – cũng thẳng thắn: “Ai cũng biết là giáo viên làm cho học sinh đi thi chứ thực tế, có mấy học sinh biết làm. Biết rõ việc mua bán là không tốt nhưng nhiều thầy cô đang bị ép vào tình thế không mua không được”.
Cô H.T.L. – giáo viên THCS ở tỉnh Bắc Ninh – nói, trước đây, cô có mấy năm hướng dẫn để học sinh làm sản phẩm khoa học dự thi. Việc này rất khổ công, cực trí. Sau đó, cô “buông” bởi cảm thấy bất công do nhiều trường chỉ đi mua sản phẩm có sẵn cho học trò mang đi thi.
Cô N.T.T. (TP Đà Nẵng) kể, có trường hợp làm “Biện pháp cai nghiện điện thoại cho học sinh” bằng cách thiết kế các trò chơi trên điện thoại, lập trang Facebook cho học sinh tham gia, sau đó đánh giá biện pháp cai nghiện đó thành công. Là người có nhiều đề tài mảng khoa học xã hội và hành vi, cô T. cảnh báo: “Thầy cô hay yêu cầu có phần thực nghiệm tác động tâm lý, nhưng tác động đến tâm lý của con người là điều hệ trọng. Muốn thực hiện nghiên cứu trên động vật, nhà khoa học còn phải xin giấy phép. Còn ở đây, đề tài này đem con người ra tác động tâm lý mà không có sự đồng ý nào, cũng không có biện pháp tâm lý khoa học nào. Do đó, đừng vì cái giải mà làm nhiều cái không đúng, thậm chí sai nghiêm trọng”.
Sáng chế “Dụng cụ sơn tường liên tục”, được trao giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ chín – năm 2022”. Năm 2021 cũng có một học sinh ở tỉnh khác đoạt giải với sáng chế tương tự (ảnh chụp lại từ các website đưa tin về các cuộc thi sáng chê dành cho học sinh)
Học sinh đoạt giải cũng bán sản phẩm
Em P.G.K. – cựu học sinh lớp Mười hai ở tỉnh Hà Nam – nói: “Khi đi thi, em thấy đa số sản phẩm KHKT đã qua mua bán. Em mất gần 2 tháng lên ý tưởng, lập trình và hơn 30 phút phản biện, bảo vệ ý tưởng nhưng sản phẩm của em lại bị đánh giá thấp hơn những sản phẩm mua bán cùng lĩnh vực và người dự thi không bảo vệ được ý tưởng”.
Thế nhưng, sau khi giành giải Khuyến khích “Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28” vào tháng 8/2022, đến tháng 9/2022, chính P.G.K. lại rao bán sản phẩm đó với giá 2,5 triệu đồng. Sau khi thi đậu đại học, trở thành sinh viên, K. tiếp tục rao bán 2 sản phẩm khoa học khác cho người mua để dự thi.
Minh Tuệ