Rừng Amazon mất 18 cây mỗi giây
Tổ chức môi trường MapBiomas hôm 18/7 cho biết Brazil đã mất khoảng 42.000 km2 thảm thực vật bản địa trong ba năm qua.
Một phần rừng Amazon bị đốt bởi những người khai thác gỗ và nông dân Brazil. Ảnh: Reuters
Báo cáo dựa trên dữ liệu vệ tinh cho thấy nạn phá rừng ở Brazil đã tăng hơn 20% từ 13.789 km2 vào năm 2020 lên 16.557 km2 vào năm 2021.
“Chỉ riêng ở Amazon, rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, khoảng 111,6 ha thảm thực vật bản địa đã bị tàn phá mỗi giờ, tương đương 1,9 ha mỗi phút, hoặc 18 cây mỗi giây”, MapBiomas nhấn mạnh.
Giải phóng mặt bằng làm nông nghiệp là nguyên nhân chính, chiếm gần 97% diện tích đất bị phá, ngoài ra còn do hoạt động khai thác khoáng sản, đô thị hóa, phát quang đất để xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời.
Tình trạng phá rừng ngày càng tăng được quan sát ở tất cả các quần xã sinh vật và trong ba năm qua, diện tích rừng bị mất ở Brazil đã lên tới 42.000 km2, gần bằng diện tích của bang Rio de Janeiro.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE), trong nửa đầu năm 2022, rừng Amazon của Brazil đã mất 3.988 km2.
Thống kê của chính phủ cho biết tình trạng phá rừng Amazon trung bình hàng năm của Brazil đã tăng 75% trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jair Bolsonaro so với một thập kỷ trước đó. Các nhà môi trường cáo buộc ông Bolsonaro khuyến khích phá rừng để thu lợi kinh tế và làm suy yếu các cơ quan nghiên cứu và bảo tồn.
Đoàn Dương (Theo AFP)