RÒM: Bi kịch xóm nghèo phá vỡ mọi chuẩn mực điện ảnh, xứng đáng hai chữ “tự hào” của phim Việt
Khi tên phim hiện lên cùng với tên của những người trong ekip cũng là lúc rạp chiếu vỡ òa tiếng vỗ tay, reo hò dành cho đại gia đình của đạo diễn Trần Thanh Huy. Ròm, bộ phim có hành trình dài 8 năm đã về đích tại buổi họp báo ra mắt vào ngày 23/9, chinh phục trái tim của khán giả lẫn những người trong giới mộ điệu điện ảnh.
Đạo diễn Trần Thanh Huy kỹ tính đến mức trước khi vào phim, anh yêu cầu hệ thống rạp chiếu phải tắt hết đèn ở lối đi, khán giả phải vào hết khán phòng và ổn định chỗ ngồi. Anh chia sẻ rằng anh mong muốn khán giả sẽ không bỏ lỡ giây phút nào trong bộ phim đầu tay của mình bởi những yếu tố gây xao nhãng xung quanh. Quả thật vậy! Việc thưởng thức Ròm ở rạp chiếu là một trải nghiệm độc đáo hiếm thấy của điện ảnh Việt Nam.
Ròm – Vẻ đẹp của sự tôn trọng hiện thực cuộc sống
Sự độc đáo đầu tiên chính là bởi tính thẩm mỹ của phim. Ròm là một tác phẩm có vẻ đẹp của hiện thực, của sự tôn trọng hiện thực. Khi nói về điện ảnh, chúng ta thường nghĩ rằng điện ảnh là một sự thoát ly khỏi thực tại. Trong một không gian tối, với ghế ngồi thoải mái và chỉ một màn hình trước mặt, mọi sự tập trung của chúng ta hướng về “ô cửa sổ” đó. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chúng ta sống trong một thực tại mới, phi thường hơn, duy mỹ hơn hoặc lý tưởng hơn. Với Ròm thì ngược lại. Đạo diễn Trần Thanh Huy khắc họa một đô thị vừa thân quen nhưng vừa xa lạ. Quen ở những dòng xe hối hả trên những con đường, những cây cầu ta có thể gọi tên, nhưng lạ ở những ngõ ngách mà cả đời ta có khi cũng chưa từng đặt chân đến. Giữa những ngõ ngách đó, nhịp đời vẫn sinh sôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và câu chuyện của họ vẫn được kể. Ròm chính là người kể câu chuyện đó.
Bộ phim bắt đầu bằng lời dẫn truyện của nhân vật chính: Ròm, một đứa trẻ đường phố kiếm sống bằng nghề cò đề và bán giấy dò vào mỗi 16:30. Ròm dẫn dắt người xem vào thế giới của những “con số may mắn” bằng giọng kể chân chất, mộc mạc, phát âm ngọng nghịu không rõ chữ của một đứa nhỏ không được đến trường. Cũng cái sự lọng cọng đó lại mở ra cuộc sống của những con người lao động một cách thuyết phục. Ở những phân cảnh đầu tiên, thế giới của Ròm đã được khắc họa bởi sự không hoàn hảo của khói bụi đô thị, của những dòng xe ngược xuôi, những con hẻm chật chội và những căn nhà cũ nhuốm màu thời gian. Ròm dần dà đưa người xem đến một khu chung cư có sự ấn tượng về thị giác: hai dãy nhà hai bên ngăn cách bởi một con hẻm nhỏ. Mọi sinh hoạt của họ với những sự ồn ào nhất của một “cái xóm” diễn ra ở đây, không những tôn lên tính cộng đồng của người Việt một cách chân thực mà còn giới thiệu nhiều mảnh đời khác trong câu chuyện về khao khát đổi đời.
Ròm giã từ sự lung linh thoát ly mà điện ảnh mang lại chỉ qua những thước phim mở đầu. Đến cả giọng nói, ngoại hình và đến cả… tên phim. Tên phim xuất hiện một cách sáng tạo khi máy quay theo bước nhân vật lao thẳng vào một ngã rẽ để lộ ra tên cậu bé (cũng là tên phim). Đạo diễn Trần Thanh Huy tôn trọng hiện thực đến mức như chưa đủ thuyết phục khán giả bằng nét diễn của Trần Anh Khoa, anh phải đưa vào phim những footage (phân đoạn) từ phim ngắn 16:30 từng đạt nhiều giải thưởng của mình, cũng chính là tiền đề của Ròm.
Sự xen kẽ về mặt hình ảnh giữa cậu bé Ròm của ngày ấy – bây giờ do cùng một diễn viên thể hiện bỗng nhiên đưa Ròm về sát thể loại coming-of-age (tuổi mới lớn) khiến câu chuyện trở nên thuyết phục và đời hơn bao giờ hết. Cũng như cách bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater khắc họa tuổi trẻ bằng việc quay quá trình trưởng thành của nhân vật chính suốt 12 năm, cách tiếp cận này của Ròm dù chưa đạt được mức công phu như Boyhood đã làm, vẫn đủ in sâu vào khán giả hình ảnh một cậu bé mưu sinh kiếm sống trên đường phố suốt 8 năm, trải qua nhiều nhọc nhằn, khó khăn của nhịp sống đô thị để ngày hôm nay kể câu chuyện cuộc đời mình.
“Phản anh hùng” hiếm hoi của phim Việt, đưa khán giả nhìn đời từ lăng kính lũ trẻ xóm nghèo
Nói về antihero (phản anh hùng), nhiều người thường hay liên tưởng ngay đến những nhân vật trong truyện tranh hoặc phim ảnh siêu anh hùng: những người có sức mạnh nhưng không có phẩm hạnh thường thấy của một anh hùng. Thật ra không nhất thiết phải thế. Antihero là một dạng của protagonist (nhân vật chính diện), tức là một người có sự phát triển rõ ràng, có hành trình xuyên suốt trong nghệ thuật trần thuật của phim. Tuy nhiên, antihero có những phẩm chất đi ngược lại với lý tưởng, với kì vọng mà xã hội và văn hóa luôn đặt ra cho anh hùng. Họ làm những điều bị xã hội cho là sai trái về đạo đức, nhân phẩm, pháp luật. Nhưng họ vẫn tạo ra được giá trị và được ghi nhận chiến công bởi một bộ phận và trên hết là ở cuối phim, chúng ta vẫn mong họ vượt qua nghịch cảnh để chiến thắng, thay đổi.
Vậy về chức năng, Ròm chính là một antihero của điện ảnh Việt. Cậu bé làm nghề cò số đề, vốn đã là một nghề phạm pháp, cùng cuộc sống mưu sinh hằng ngày của cậu trong một mạng lưới gồm những người dân cũng bị cuốn vào tệ nạn, hay những kẻ trục lợi bằng sự khốn khổ sẵn có của người dân. Sau khi đã xem nhiều bộ phim đi từ góc nhìn của một anh hùng hay một nhân vật chính diện truyền thống, Ròm cho khán giả một cảm giác mới lạ: nhìn cuộc đời qua đôi mắt của một đứa trẻ đứng ngoài lề xã hội.
Cuộc sống hằng ngày của Ròm là những cuộc đua để giành mối ghi đề. Nếu cho số trúng thì được ca tụng, còn cho sai thì bị đánh, là cách Ròm miêu tả công việc của mình. Khán giả vẫn thấy giây phút cả khu chung cư vui sướng khi trúng đề, và Ròm thể hiện rất rõ tính “hero” của mình trong câu chuyện. Nhưng để đối lấy khoảnh khắc “hero” đó, Ròm trải qua vô vàn những trải nghiệm “anti” từ cảm xúc ức chế đến bị lừa và đôi khi trả giá bằng cả máu.
Trong thế giới của cậu, đồng tiền kiếm đã khó, mà lòng tin thì còn khó gấp bội. Tin vào những con số? Không dễ dàng. Tin vào điềm báo? Quá mơ hồ. Tin những người xung quanh? Bất khả thi.
Ròm
Khi đồng tiền trở thành gánh nặng của tầng lớp lao động, họ sẵn sàng làm tất cả để đổi đời, hy sinh những bằng phẳng còn sót lại, sống chuỗi ngày bấp bênh và đôi khi là trượt dài trên con dốc bế tắc. Những khung hình nghiêng xuyên suốt 79 phút phim khắc họa rất rõ nét điều này. Cuộc đời nhìn qua lăng kính của một antihero dường như cũng có nét anti-những chuẩn mực cơ bản của điện ảnh. Chính những khung hình nghiêng này đã từng khiến đạo diễn Trần Thanh Huy bị nhiều đại diện Liên Hoan Phim chất vấn về kỹ thuật làm phim của anh. Riêng với Ròm, có lẽ đây là sự độc đáo có một không hai vô cùng cần thiết để tôn lên sự sáng tạo nghệ thuật của ekip, đặc biệt là của DOP Vinh Phúc và Khắc Nhật.
Câu chuyện thuần túy Việt Nam phá bỏ nhiều chuẩn mực điện ảnh
Ròm là một tác phẩm rất Việt Nam, từ đề tài “số đề” cho đến hơi thở thành thị, tới nét sinh hoạt của tầng lớp lao động. Không gian trong Ròm được khắc họa chân thật đến nỗi đôi lúc người xem không còn cảm thấy có máy quay nữa. Màn chiếu phim trở thành một ô cửa sổ trong suốt nhìn thẳng vào hiện thực, vào ngã tư Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo với dòng xe tấp nập đang chạy bỗng có hai thằng bé nhào ra vật nhau giữa đường. Thật đến nỗi có phút chốc nào đó, khán giả ngửi được mùi xập xệ, cũ kỹ của hộ chung cư xuống cấp, ngửi được mùi khói nhang của những nghi thức mê tín dị đoan, hay mùi của bùn đất, của ao tù nước đọng. Tính nguyên bản của Ròm rất đáng tuyên dương bởi sự cố gắng phá bỏ mọi khuôn khổ, chuẩn mực trước đó từ đề tài, nhân vật, kỹ thuật quay đến cả nhiều yếu tố khác phía sau hậu trường.
Ròm thật đến nỗi có phút chốc nào đó, khán giả ngửi được mùi xập xệ, cũ kỹ của hộ chung cư xuống cấp, ngửi được mùi khói nhang của những nghi thức mê tín dị đoan, hay mùi của bùn đất, của ao tù nước đọng.
Ròm
Dẫu mang đậm tính phê bình xã hội, phim vẫn có những hạt mầm của hy vọng. Đâu đó trong phim là dư vị của tình làng nghĩa xóm, của những niềm vui nhân bản, của những ước mơ con người. Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ rằng đối với anh, người nghèo rất kiên cường, họ luôn chạy và không bao giờ đứng lại. Ca khúc Chạy của rapper Wowy (cũng là diễn viên trong phim với vai diễn ấn tượng) khắc họa rõ tính phản kháng của tầng lớp lao động. Tinh thần underground, đi ngược quy chuẩn, thách thức dòng chảy đại chúng của nhạc rap cũng là một sự thông minh về lựa chọn nghệ thuật của ekip, lại vô cùng phù hợp xu thế khi nhạc rap đang dần thấm vào cuộc sống mỗi ngày của người Việt.
Kết lại, Ròm là một trải nghiệm điện ảnh độc đáo của điện ảnh Việt nói riêng và (như LHP Busan đã chứng nhận) của châu Á nói chung. Một câu chuyện với tính nguyên bản đậm đà, tính địa phương độc đáo, khai thác một đề tài phức tạp ở khía cạnh văn hóa xã hội và biến nó thành “hiện thực” dưới góc nhìn của Trần Thanh Huy, một người tôn trọng hiện thực cuộc sống tuyệt đối. Hơn cả thế, Ròm của anh vượt lên trên những “xấu xí” bề ngoài của cuộc sống lao động, mang đến một câu chuyện về hành trình theo đuổi, mưu cầu hạnh phúc của một đứa trẻ sống giữa ranh giới của thăng trầm mưu sinh và của tình người đa đoan. Kết thúc phim có thể dang dở và gây hoang mang, nhưng những gì được kể ở phần after-credit sẽ gửi gắm giá trị nhân đạo quý giá, thấm đẫm niềm tin vào tình người giữa cuộc đời xô nghiêng.
Poster chính thức của Ròm đánh dấu ngày công chiếu 25/9.
Ròm chính thức công chiếu vào ngày 25/9/2020 tại các rạp trên toàn quốc.