Review sách Minh triết trong ăn uống của phương Đông
Xã hội ngày càng tiến bộ thì sức khoẻ con người lại ngày càng suy thoái.
Điều này dường như đi ngược lại với mục đích ban đầu của khoa học là đem đến cho nhân loại một cuộc sống hạnh phúc và khoẻ mạnh hơn.
Trong chiến tranh, mối đe doạ lớn nhất là vũ khí và nạn đói. Nhưng trong thời bình, mối đe doạ lớn nhất lại là “chết no”. Càng thoả mãn nhu cầu ăn uống bao nhiêu thì bệnh tật lại tìm đến nhiều bấy nhiêu.
Thử để ý mà xem, những quốc gia có ngành kinh doanh ăn uống phát triển thì người dân luôn phải đối mặt với đủ thứ bệnh. Trùng hợp là, những quốc gia này cũng có ngành y tế rất phát triển.
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Đây là thiên đường dành cho ngành công nghiệp thức ăn nhanh khi được 80% người trưởng thành lựa chọn. Đây cũng là quốc gia có tỉ lệ người thừa cân béo phì cao ngất ngưởng (71.6%). Và không ngạc nhiên khi bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở đất nước này (khoảng 42%, thống kê năm 2020).
Điều đó cho thấy, vấn đề ăn uống có một sợi dây liên kết rất chặt chẽ với sức khoẻ con người. Đây cũng là luận điểm cốt lõi trong cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” của tác giả – lương y Ngô Đức Vượng.
Tóm tắt nội dung sách
“Minh triết trong ăn uống của phương Đông” có thể xem như một cuốn cẩm nang về ăn uống đúng cách để bảo vệ sức khoẻ.
Cuốn sách tập trung làm rõ những tác hại của việc ăn mặn, không chỉ trên khía cạnh sức khoẻ mà còn đối với môi trường, với muôn loài. Qua đó làm nổi bật lên những lợi ích của việc ăn chay, đặc biệt là ăn chay thực dưỡng. Đề cao vai trò của ăn chay thực dưỡng trong việc tăng cường và bảo vệ sức khoẻ con người.
Điểm thú vị của “Minh triết trong ăn uống của phương Đông”
Chúng ta sinh trưởng trong thời đại những thành tựu khoa học được xem là “kim chỉ nam” là chân lý. Mọi thứ phải dựa vào những kết luận khoa học và hầu hết chúng ta đều tin vào tính đúng đắn của khoa học.
Thế nhưng, dù khoa học đã có những tiến bộ vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y khoa, nhưng đáng buồn là, con người lại phải đối mặt với nhiều chứng bệnh hơn. Tại sao lại như vậy? Liệu chúng ta có đang “thần thánh hoá” khoa học chăng?
Trong cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” có rất nhiều điều trái ngược hoàn toàn chúng ta vẫn tin tưởng. Ví dụ như:
- Uống sữa bò chẳng những không có lợi như quảng cáo vẫn ra rả trên TV mà còn gây hại cho sức khoẻ, giống nòi;
- Uống nhiều nước không tốt cho sức khoẻ như lời khuyên của bác sĩ;
- Ăn thịt nhiều hoá ra lại gây thiếu máu và thiếu nhiều chất dinh dưỡng khác;
- Không phải cứ thực phẩm nhập khẩu từ các nước phát triển là tốt;
- Khuyên người bệnh ăn nhiều chất để tẩm bổ mau lại sức là sai lầm;
- Và còn nhiều quan điểm trái ngược khác.
Tham khảo những dẫn chứng trong sách, không ít người sẽ phải chột dạ nghi ngờ tính đúng đắn mà những điều mà các nhà khoa học, bác sĩ vẫn khuyên chúng ta. Những điều cứ ngỡ là chân lý, là tốt cho sức khoẻ thì lại bị phản bác hoàn toàn trong sách. (Trong bài viết The Game Changers: Bộ phim đập tan định kiến về ăn chay, mình có đề cập một vài dẫn chứng cho thấy sự trái ngược này. Nếu quan tâm, bạn hãy click vào đây để xem nhé!)
Tạm chưa suy xét đến tính đúng sai trong những thông tin tác giả đề cập, đọc “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn mới mẻ, gần như ngược lại hoàn toàn với những gì bạn biết và chưa từng được đề cập trên các bài báo, các chuyên mục sức khoẻ.
Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu đến độc giả một quan niệm còn khá xa lạ với nhiều người, vốn chỉ quen với lối tư duy theo nền tảng khoa học tây phương, đó là: nguyên lý Âm – Dương trong ăn uống.
Mỗi loại thực phẩm đều mang trong mình một đặc tính Âm/Dương nhất định và đặc tính này có ảnh hưởng đến sự cân bằng Âm – Dương trong cơ thể khi ăn vào. Sự mất quân bình Âm – Dương là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Ăn uống thuận theo nguyên lý Âm – Dương thì cơ thể sẽ luôn khoẻ mạnh, dẻo dai, trường thọ.
Tác giả cho rằng, chỉ cần ăn cơm gạo lứt với muối mè cùng các loại rau củ đã đủ cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng cần thiết, đồng thời đảm bảo tính quân bình Âm – Dương trong cơ thể.
Điểm hạn chế của cuốn sách
Phải công nhận, cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” chưa đựng nhiều tâm huyết của tác giả – lương y Ngô Đức Vượng. Tuy nhiên, phải thừa nhận cuốn sách còn một số điểm hạn chế.
Có thể vì quá tha thiết kêu gọi mọi người chuyển sang ăn chay để bảo vệ sức khoẻ mà tác giả có phần quá khắc nghiệt, lên án quá mức việc ăn mặn. Giọng điệu của tác giả khi nói về ăn mặn giống như đang kết tội, đang tuyên án vậy.
Bên cạnh đó, những con số thống kê, bảng biểu được đề cập trong sách không có nguồn để độc giả tham khảo, kiểm chứng tính chính xác. Đây cũng là điểm khiến cuốn sách khó thuyết phục được những độc giả khó tính, nhất là những người mang nặng lối tư duy theo khoa học hiện đại.
Trải nghiệm cá nhân với cuốn sách
“Minh triết trong ăn uống của phương Đông” chính là động lực khiến mình chuyển sang ăn chay trường.
Thực ra mình đã lên kế hoạch ăn chay vào một thời điểm nhất định. Nhưng sau khi gấp cuốn sách này lại, mình quyết định sẽ thực hiện kế hoạch sớm hơn dự định.
Thú thật, những ngày đầu tiên áp dụng chế độ ăn theo sách hướng dẫn rất khó khăn khi trong nhà chỉ có một mình mình ăn chay. Và bạn biết đấy, những món ngon cứ bày ra trước mặt khiến mình cảm thấy thật “đau đớn” vì không được ăn.
Theo mình, những ai mới tập ăn chay trường không nên lựa chọn chế độ ăn như trong cuốn sách này. Chế độ ăn này phù hợp cho một nhà tu hành đang khao khát những nấc thang trên con đường đạo, hơn là cho một người vẫn đang sống trong một xã hội nhộn nhịp như chúng ta.
Tuy nhiên mình phải thừa nhận, sức khoẻ và tinh thần của mình đã cải thiện đáng kể từ khi chuyển sang ăn chay theo chỉ dẫn trong cuốn sách. Mình bắt đầu chuyển sang ăn gạo lứt, muối mè, kèm thêm đậu hũ, các loại đậu hạt và rau củ quả.
Nghe qua thì có vẻ “khó nuốt” nhưng thực tế lại rất ngon nếu bạn học cách chế biến và phối hợp các nguyên liệu.
Mà bạn biết không, từ khi mình chuyển sang ăn chay trường, các thành viên trong gia đình mình hình như nhận thấy quyết tâm của mình và đã dần chuyển sang ăn chay cùng mình đấy. Giờ thì mình không phải ăn chay trong cô đơn nữa rồi!
Nghe sách Minh triết trong ăn uống của phương Đông bản audio
Tóm lại
Mình cho rằng, “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” là một cuốn sách nên đọc vì nó cung cấp cho độc giả những góc nhìn mới lạ, khác biệt hoàn toàn với những gì chúng ta vẫn cho là đúng.
Cuốn sách này sẽ rất hữu ích với những ăn đã, đang và sẽ ăn chay. Nhất là những ai quan tâm đến những ảnh hưởng mà những gì chúng ta ăn vào sẽ gây ra đối với sức khoẻ của chúng ta.
Tuy nhiên, cuốn sách này cũng có những điểm hạn chế có thể khiến nhiều độc giả cảm thấy không hài lòng.
Hy vọng những suy nghĩ cá nhân của mình về cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” sẽ giúp bạn có cái mình tổng quan về cuốn sách thú vị này. Nếu bạn muốn mua sách thì mình sẽ để đường link ở bên dưới bài viết này. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian theo dõi.
Ăn Chay Nào
Link mua sách nếu bạn cần:
- Mua sách tại Tiki: TẠI ĐÂY
Không có bài viết liên quan.