[Review] Ròm – Chạy đến cuối phim nhưng nhân vật còn “đứng”
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam ngày càng có nhiều những bộ phim tốt và phim hay, và Ròm là cái tên tiêu biểu của 2019-2020. Việc chiến thắng danh hiệu New Currents tại LHP Busan và những lùm xùm xung quanh việc bị Bộ Văn Hóa phạt, cắt phim đã khiến bộ phim nhận được nhiều sự chú ý. Ngay từ short film trước đây của đạo diễn Trần Thanh Huy và trailer của phiên bản điện ảnh của Ròm, ta có thể thấy chất nghệ thuật trong đó. Rõ ràng dù thực hiện những cảnh quay mang tính hành động cường độ cao, Ròm vẫn là một bộ phim nghệ thuật, và khán giả cần thưởng thức bộ phim với tinh thần thưởng thức nghệ thuật thay vì giải trí.
Cốt truyện của Ròm tương đối đơn giản. Đó là câu chuyện xoay quanh cậu bé Ròm ghi số đề, cạnh tranh với cậu là một thằng bé khác tên là Phúc. Hai đứa liên tục cạnh tranh nhau, đánh đấm nhau, và mỗi người đều có mục đích riêng để “chạy”. Từ đầu phim, chúng chạy đi ghi số đề, xuyên suốt phim, chúng rượt đuổi hoặc bị rượt đuổi, và cứ thế, chúng chạy đến tận cuối phim và có lẽ khi bộ phim khép lại, khán giả thoải mái đứng dậy rời khỏi rạp chiếu, Ròm và Phúc vẫn sẽ còn tiếp tục chạy tiếp, bởi cuộc sống của chúng là “Chạy”.
Một cách tổng quan, Ròm là một bộ phim quá tốt, và hay, nhưng chưa phải bộ phim quá hay. Thế mạnh của Ròm nằm hoàn toàn ở các hạng mục kỹ thuật:
Xuất sắc nhất chính là phần hình ảnh. Những góc máy nghiêng, khi tĩnh, khi chuyển động theo các hành động chạy của nhân vật. Khi toàn diễn tả bối cảnh, không gian Sài Gòn; khi đặc tả diễn tả cảm giác nhân vật.
Màu phim đẹp xuất sắc, khi ấm áp, khi lạnh lùng, bạc bẽo; và đặc biệt những phân cảnh buổi tối, ánh đèn từ các dãy nhà cao tầng xa xa, từ bầu trời, từ máy bay hắt đến nơi sống tối tăm của Ròm, tạo một chút liên tưởng tới màu cyber punk – phong cách điện ảnh tạo ra sự đối lập giữa cộng đồng nghèo khổ và một thành phố phát triển hoa lệ (thường là tương lai).
Để có được hình ảnh xuất sắc, không chỉ quay phim mà bối cảnh của Ròm cũng phải cực kỳ xuất sắc và ấn tượng.
Đó là khu xóm lộn xộn, nghèo hèn bị bóng ma lô đề phủ lên, với những không gian hẹp, chồng chất lên nhau, lộn xộn đồ vật như sự bế tắc và chật vật của đời người sống nơi đây. Bối cảnh phim Ròm nơi nào cũng đẹp, từ bối cảnh dựng như khu xóm trọ, nơi sống của Ròm, đến các bối cảnh có sẵn như chợ Bến Thành, đường phố Sài Gòn… Tất cả, khi lên phim đều tạo một chất mỹ thuật rất Việt Nam, mà với người Việt xem sẽ thấy vừa quen thuộc vừa đẹp, còn với người nước ngoài xem sẽ thấy một Việt Nam lộn xộn mà vẫn đẹp đến thế – vẻ đẹp đến từ chính sự lộn xộn đó.
Điều xuất sắc thứ hai của bộ phim, đó là diễn xuất. Diễn xuất của Trần Anh Khoa (Ròm), Phan Anh Tú (Phúc) là xuất sắc nhất. Ánh mắt của Ròm, nụ cười của Ròm, sự đau khổ, đau đớn, đáng thương của Ròm… Tất cả đều được thể hiện một cách cảm xúc nhất, có lẽ bởi Ròm chính là một phần của Trần Anh Khoa – cậu bé đã lớn lên cùng vai diễn này, chứ không đơn thuần chỉ là một vai diễn.
Ngay cả các vai phụ như Wowy trong vai đại ca giang hồ, bà Ba, ông (gì đó mình không nhớ tên)… đều diễn khá tốt và không bị over-acted hay bị đơ như nhiều nhân vật phụ trong nhiều phim Việt khác.
Để có được diễn xuất và hình ảnh xuất sắc như vậy, vai trò của đạo diễn Trần Thanh Huy chắc chắn là cao nhất. Mình thực sự ấn tượng với phân cảnh Ròm và Phúc rượt đuổi ở Chợ Lớn, rượt đuổi và đánh nhau ở đường phố Sài Gòn, cảnh khu xóm trọ bị đám giang hồ tấn công… Việc kiểm soát diễn viên chưa bao giờ dễ, với cảnh giang hồ tấn công xóm trọ là khả năng kiểm soát một diễn biến lộn xộn trong bối cảnh hẹp, và với cảnh rượt đuổi nơi đường phố thì mình vẫn còn cảm thấy lo lắng cho nhân vật khi lao mình vào giữa những làn xe cộ như vậy. Chưa bàn tới đạo diễn từng cảnh hành động, đạo diễn cảm xúc, chỉ tính riêng việc làm chủ cảnh hỗn loạn cũng khiến Trần Thanh Huy xứng đáng được ngả mũ kính phục trong bộ phim này.
Tuy nhiên, mình vẫn cảm thấy nội dung Ròm có cái gì đó thiếu thiếu. Cốt truyện phim khá đơn giản, nhưng đó không phải là vấn đề. Bộ phim vẫn có những cảnh rất cảm xúc, mà mình ấn tượng nhất là cảnh Ròm bị ông (gì đó không nhớ tên) giật xô nước, hắt vào ở đoạn xóm trọ bị cháy. Dù chưa đủ để người xem phải rơi nước mắt, nhưng đó cũng không phải vấn đề. Theo mình, vấn đề nằm ở các nhân vật phụ, khi họ thiếu kết nối, thiếu vai trò trong bộ phim. Mình ấn tượng với cảnh bà Ba tự sát, nhưng rồi nó cũng chỉ có một chút tác động nhỏ, mà thậm chí sau đó còn không nhìn thấy được tác động của sự việc đó tới tâm lý của nhân vật Ròm hay Phúc. Các tình tiết cứ diễn ra rồi khép lại mà thiếu tác động tới tâm lý nhân vật, ngay cả sự việc lớn là việc xóm trọ bị xã hội đen tấn công, đốt cháy, thì khi kết thúc, cũng không thấy có tác động gì đến Ròm. Cũng chính vì vậy, nhân vật Ròm cuối phim vẫn y xì nhân vật Ròm đầu phim. Xuyên suốt phim, nhân vật chính gần như không có sự biến đổi nào, và về cơ bản, đây là một nhân vật không phát triển. Trong việc làm cốt truyện, phát triển nhân vật rất quan trọng. Nhân vật phát triển sẽ giúp người xem thấy được sự tác động của toàn bộ bộ phim lên nhân vật và ý nghĩa từ bộ phim đó. Ròm tuy chạy từ đầu đến cuối phim nhưng xét về tính cách nhân vật, cảm xúc nhân vật, động cơ nhân vật, nói chung là toàn bộ về phát triển nhân vật thì mình thấy Ròm vẫn “đứng” từ đầu đến cuối phim.
Thêm nữa, khi bộ phim kết thúc mình cảm giác hơi hẫng. Cảm giác như đây là bộ phim chạy từ đầu đến cuối phim (chỉ là cách nói ẩn dụ), không thực sự có cao trào. Cao trào của bộ phim dù nằm ở cảnh xã hội đen tấn công xóm trọ hay cảnh Ròm và Phúc lại rượt đuổi nhau, thì với mình, nó vẫn chưa đủ “cao”. Cao trào của một bộ phim điện ảnh luôn phải là điểm nhấn, nếu nó không thật kịch tính thì cũng phải thật cảm xúc, hoặc là khi nhân vật nhận ra một sự thật gì đó, hay khi nhân vật đối diện với mối nguy và vượt qua nó… Ròm như một bộ phim mà các sự kiện cứ xảy ra rồi trôi qua và nhân vật lại chạy tiếp, và ngay cả cao trào cũng chỉ là một đợt sóng như những đợt sóng trước mà thôi. Việc kết phim lưng chừng khi Ròm và Phúc vẫn đang chạy rượt đuổi nhau là ý đồ nghệ thuật, và mình thích ý đồ nghệ thuật đó. Tuy nhiên những cảnh mid-credits mình lại không thích, cảm giác như chính mid-credits đã phá hỏng ý đồ nghệ thuật của cách kết phim khi các nhân vật vẫn đang chạy. Thêm nữa, mình nghĩ nên xây dựng cao trào kịch tính hơn, có tác động tới nhân vật tốt hơn và tách riêng phần chạy rượt đuổi cuối cho falling action – với thời lượng và kịch tính thấp hơn, chỉ với mục đích khép lại bộ phim.
Nội dung kể về nhân vật và xã hội nghèo khổ của Ròm khiến mình nhớ đến một số phim như City of God, Slumdog Millionaire, Shoplifters và đây là những chủ đề gai góc của xã hội. Mình chỉ hơi tiếc nuối giá như bộ phim đẩy nhân vật và cốt truyện đi xa hơn, tạo thêm kịch tính và mâu thuẫn truyện hơn, thì Ròm chắc chắn sẽ gai góc hơn rất nhiều.
Với mình, Ròm là bộ phim có phần hình ảnh nghệ thuật nhất trong các phim Việt mình từng xem, vượt qua cả các phim Song Lang, Áo Lụa Hà Đông, Xích Lô, Mùi Đu Đủ Xanh mà mình thích. Chỉ xét về phần kỹ thuật, Ròm chẳng hề thua kém bộ phim nghệ thuật quốc tế nào, từ các LHP như Cannes, Venice hay Oscar. Có điều, nội dung lại chưa đạt được tầm nghệ thuật như thế.
Xét tổng thể, Ròm là một bộ phim rất tốt, hay, nhưng không quá hay do thiếu xót về mặt nội dung. Nếu chỉ xét về nội dung, mình tin rằng Ròm không bằng Song Lang, Trời Sáng Rồi Ta Ngủ Đi Thôi, Đập Cánh Giữa Không Trung (trong những phim Việt nghệ thuật mấy năm gần đây). Nhưng nếu xét tổng quan, Ròm xứng đáng là một trong những phim Việt hay nhất những năm gần đây, và mình tin là phim Việt xuất sắc nhất năm nay.
Đánh giá: 8.0/10.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…