Rèn luyện thể chất – Môn học không thể thiếu trong trường học
Giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục
Rèn luyện thể chất trong nhà trường được quy định tại Điều 2 Nghị định 11/2015/NĐ-CP Quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
Trong hệ thống giáo dục nội dung đặc trưng của giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường.
Giáo dục thể chất trong nhà trường là môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện các tố chất thể lực, tầm vóc, tiến tới hoàn thiện đến mức cần thiết các kỹ năng, kỹ xảo quan trọng cho cuộc sống, đồng thời giáo dục văn hóa thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần, biết cách thích ứng và hài hòa với các điều kiện sống, điều kiện môi trường học tập, lao động của bản thân và hoàn cảnh xã hội.
Ý nghĩa của rèn luyện thể chất đối với học sinh
Công tác giáo dục thể chất học đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển của mỗi con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Thể hiện ở các mặt:
Góp phần giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc phù hợp với độ tuổi, giới tính và đặc điểm sức khỏe cá nhân của từng học sinh.
Tạo dựng cơ sở cho sự phát triển năng lực thể chất toàn diện, hoàn thiện hình thái, củng cố sức khỏe và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo.
Phát triển thể lực toàn diện, các kỹ năng vận động cơ bản và các năng lực vận động cốt lõi: Năng lực tự động, sáng tạo; năng lực giao tiếp ứng xử; năng lực thể lực (sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo); năng lực phối hợp vận động; năng lực vượt chướng ngại vật; năng lực phòng chống đuối nước; năng lực thích ứng với môi trường xã hội…Trên cơ sở đó giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, hình thành văn hóa thể chất cá nhân và xây dựng lối sống lành mạnh.
Tập luyện thể thao giúp các em phát triển một cách toàn diện.
Giáo dục thể chất học đường ở các cấp học, các giai đoạn giáo dục, các lứa tuổi khác nhau có các mục tiêu, yêu cầu và nội dung phương pháp khác nhau. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức – trí – thể – mỹ cho học sinh.
Rèn luyện thể chất-thể lực là cơ sở, nền tảng trau dồi và phát triển trí lực, hoàn thiện nhân cách, cụ thể:
– Các nghiên cứu cho thấy rèn luyện thể chất không những có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cơ thể mà còn có những tác động tới con người về các mặt trí lực. Khoa học và thực tiễn cũng đã chứng minh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thông qua việc rèn luyện thể chất, là biện pháp chủ động, tích cực nhất, ít tốn kém nhất, có khả năng thực thi cao nhất và phù hợp với quy luật phát triển tâm, sinh lý của cơ thể và lứa tuổi, đóng vai trò quan trọng phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe, làm đẹp hình thái và phát triển toàn diện các tố chất vận động một cách hoàn thiện nhất!
– Rèn luyện thân thể bằng việc tập luyện các môn thể dục thể thao khác nhau với những đòi hỏi sự nỗ lực cao của bản thân về thể chất và ý chí tinh thần, có thể giúp hình thành và giáo dục được những phẩm chất đạo đức nhân cách của con người một cách tự nhiên như: Ý chí, lòng dũng cảm, sự quyết tâm, sự tự tin, tính kiên trì và nhẫn nại; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, ý thức đồng đội… Văn hóa thể chất giúp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng niềm tin và tinh thần lạc quan cho thế hệ trẻ.
– Học sinh là lứa tuổi đang phát triển và hoàn thiện thể chất, hình thành nhân cách. Việc rèn luyện thể chất không chỉ giúp thể chất khỏe mạnh mà còn hoàn thiện nhân cách, phát triển các năng lực trí tuệ, nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc sống cũng như thích nghi được với các điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội trong suốt thời gian học tập cho tới quá trình lao động nghề nghiệp.
– Rèn luyện thể chất cũng giúp trí não thư thái, giảm bớt những căng thẳng lo âu. Các nghiên cứu cho thấy tập luyện thường xuyên ảnh hưởng đến nhiều chức năng của hệ thần kinh, làm phát triển khả năng hoạt động của não bộ, làm tăng nồng độ β-Endorphin góp phần làm tăng sự sảng khoái, giảm stress, cải thiện giấc ngủ, cải thiện sự tự tin, tăng khả năng nhận thức.
Giáo dục rèn luyện thể chất trong nhà trường có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người. Đồng thời góp phần nâng cao thể lực, hoàn thiện các năng lực thể chất, phát triển trí lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, văn minh.