Quy trình thiết kế bảng câu hỏi với 7 bước cơ bản

Để hoàn thiện một đề tài một luận văn, bạn sẽ phải trải qua khâu thiết kế bảng câu hỏi để từ đó có dữ liệu phân tích. Vậy quy trình thiết kế bảng câu hỏi như thế nào? Hãy cùng Wiki Luận Văn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Quy trình thiết kế bảng câu hỏi với 7 bước cơ bảnQuy trình thiết kế bảng câu hỏi với 7 bước cơ bản

Những sai lầm thường gặp trong quy trình thiết kế bảng câu hỏi

Đối với nghiên cứu định lượng:

– Sử dụng thuật ngữ dễ gây nhầm lẫn, câu hỏi không rõ ràng, hình thức trình bày không thống nhất .v.v.

– Hướng dẫn phỏng vấn viên không kỹ lưỡng, chủ quan không kiểm tra lại phỏng vấn viên để xác định họ đã hiểu tất cả các câu hỏi và câu trả lời trong bảng câu hỏi, đã nắm vững kỹ thuật phỏng vấn .v.v..

– Kỹ thuật phỏng vấn kém do phỏng vấn viên thiếu kinh nghiệm trong công tác phỏng vấn gây nên sai lệch trong khâu thu thập

Đối với nghiên cứu định tính:

– Dữ liệu thu thập không sâu trong phương pháp thảo luận tay đôi.

– Không có tính đại diện cho số đông trong phương pháp quan sát

– Tăng số lượng mẫu hay lượng hóa kết quả nghiên cứu

Nếu quá khó khăn trong quá trình chạy spss bạn hay tham khảo và lựa chọn một trong các trung tâm cung cấp Dịch Vụ SPSS để được hỗ trợ nhiệt tình với giá cả tốt nhất.

Quy trình thiết kế bảng câu hỏi

Bước 1: Xác định cụ thể dữ liệu cần thu thập và đối tượng khảo sát căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu. 

+ Liệt kê đầy đủ và chi tiết, cụ thể các dữ liệu cần thu thập cho dự án nghiên cứu.

+ Khi thiết kế bảng câu hỏi cần dựa vào vấn đề nghiên cứu và nhu cầu thông tin đã xác định để thiết kế các câu hỏi cho việc thu thập các dữ liệu này

Quy trình thiết kế bảng câu hỏi với 7 bước cơ bảnCác bước thiết kế bảng câu hỏi

Bước 2: Xác định phương pháp phỏng vấn. 

Nếu là nghiên cứu định tính, bạn sẽ chọn phỏng vấn nhóm hay phỏng vấn chuyên sâu từng cá nhân, gặp trực tiếp hay hỏi qua điện thoại?

Nếu là nghiên cứu định lượng, bạn sẽ gửi bảng khảo sát bằng email, website hay cách nào khác?

Bảng khảo sát online sẽ giúp bạn thu về một số lượng câu trả lời lớn, bao quát nhưng không sâu. Còn với cách phỏng vấn trực tiếp, bạn sẽ tiếp cận được đến gần insight hơn, nhưng đối tượng phỏng vấn sẽ không được nhiều.

Bước 3: Xác định nội dung câu hỏi. Khi đưa một câu hỏi bất kì vào bảng khảo sát người nghiên cứu cần trả lời những câu hỏi sau: “Câu hỏi này có cần thiết hay không?”, “Đối tượng khảo sát có hiểu câu hỏi không?”, “Họ có đủ thông tin/khả năng để trả lời câu hỏi này không?”, “Họ có sẵn lòng trả lời câu hỏi này không?” Nội dung câu hỏi được xây dựng dựa trên những thông tin liệt kê ở bước 1. Mỗi câu hỏi trong bảng khảo sát đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu cuối cùng của bài nghiên cứu. 

Bước 4: Xác định hình thức câu trả lời. 

Đối với một câu hỏi nhất định, đối tượng khảo sát có thể lựa chọn câu trả lời từ những đáp án đã có sẵn hoặc trả lời bằng chính ngôn ngữ của mình. Tương ứng với hai cách trả lời trên người ta phân ra hai dạng câu hỏi: câu hỏi đóng và câu hỏi mở (ví dụ: Bạn thích nhãn hiệu dầu gội nào nhất?). Đối với câu hỏi đóng, vì đối tượng khảo sát lựa chọn những đáp án đã được gợi ý sẵn nên họ có thể trả lời rất nhanh mà không phải suy nghĩ nhiều, người nghiên cứu có thể mã hóa và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn. Với câu hỏi mở thường khó mã hóa trong quá trình nhập liệu và phân tích, còn đối với đối tượng khảo sát dạng câu hỏi này đòi hỏi họ phải suy nghĩ nhiều hơn để trả lời, do đó dạng câu hỏi này thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu định tính hơn trong nghiên cứu định lượng. Tuy nhiên đối với câu hỏi đóng, câu trả lời có thể không chính xác do đối tượng khảo sát phải miễn cưỡng chấp nhận những đáp án đã có sẵn, hoặc do thành kiến gây ra bởi cách sắp xếp thứ tự câu trả lời (đối tượng khảo sát có xu hướng chọn đáp án đầu tiên hoặc đáp án cuối cùng, đặc biệt là đáp án đầu tiên)

Bước 5: Xác định văn phong và cách sử dụng từ ngữ. 

Hiểu rõ đối tượng bạn đang giao tiếp là ai để có lối xưng hô cho phù hợp, sử dụng phong cách thân thiện, cởi mở hay trang trọng, lịch sự, dùng từ ngữ bình dân, dễ hiểu hay dùng từ chuyên môn (nếu đối tượng khảo sát làm trong một lĩnh vực nào đó).. Ví dụ, nếu một câu hỏi được diễn đạt không rõ ràng, đối tượng khảo sát có thể từ chối trả lời hoặc trả lời không chính xác. Để đảm bảo đối tượng khảo sát và người nghiên cứu đang cùng nói về một vấn đề, người nghiên cứu cần lưu ý những điều sau: xác định vấn đề chính cần hỏi một cách rõ ràng; sử dụng từ ngữ đơn giản và thông dụng, khi muốn dùng thuật ngữ chuyên ngành cần giải thích cụ thể thuật ngữ đó theo cách dễ hiểu nhất; không sử dụng những từ ngữ mơ hồ (ví dụ: thỉnh thoảng, thường xuyên, …); tránh những câu hỏi mang tính chất gợi ý (ví dụ: Bạn có nghĩ rằng người Việt Nam yêu nước nên mua sản phẩm nhập khẩu cho dù việc này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nước?); tránh những câu hỏi suy đoán và ước lượng; tránh những câu hỏi có hai câu trả lời một lúc (ví dụ: Sản phẩm X có rẻ và bền không?).

Bước 6: Xác định trình tự và hình thức bảng câu hỏi

Bạn cần giới thiệu bản thân và trình độ chuyên môn của mình. Nói rõ rằng bạn làm việc một mình hay là một thành viên trong nhóm. Nêu tên của cơ quan hoặc công ty giao cho bạn nhiệm vụ thu thập dữ liệu.

Phần nội dung chính của bảng câu hỏi nên bắt đầu bằng những câu hỏi chung (câu hỏi gạn lọc), sau đó đến những câu hỏi chuyên về những vấn đề cụ thể, và kết thúc bằng thông tin về nhân khẩu học. Mục đích chính của câu hỏi gạn lọc là để lọc ra những đối tượng khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu (ví dụ: Bạn có sử dụng sản phẩm X trong 3 ngày gần đây nhất không? Nếu câu trả lời là “có”, mời bạn trả lời tiếp những câu tiếp theo. Nếu câu trả lời là “không”, xin chân thành cảm ơn, bạn có thể dừng khảo sát). Trong phần câu hỏi chính về vấn đề nghiên cứu, các câu hỏi cần được sắp xếp theo hướng tăng dần về mức độ cụ thể và độ khó. Bên cạnh đó, các câu hỏi về những vấn đề nhạy cảm nên được đặt ở cuối cùng. Phần câu hỏi về nhân khẩu học nên đặt ở phần cuối vì đối tượng khảo sát thường có xu hướng cảm thấy không thoải mái và không sẵn lòng cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ.

Hình thức bảng câu hỏi đặt biệt quan trọng nếu người nghiên cứu phỏng vấn bằng cách gửi thư/email/câu hỏi điện tử. Bảng câu hỏi cần được chia thành các phần khác nhau với hướng dẫn cụ thể ở từng phần, đánh số thứ tự rõ ràng, dùng chữ in đậm, in nghiêng, màu khác nhau, … để phân biệt giữa hướng dẫn, câu hỏi và câu trả lời.

Bước 7: Phỏng vấn thử và hoàn thiện bảng câu hỏi 

Sau khi hoàn thành bảng câu hỏi, bạn  cần tiến hành thử nghiệm để loại bỏ những sai sót (cách dùng từ chưa chính xác, lỗi chính tả, những câu hỏi/thuật ngữ/hướng dẫn khó hiểu,,…). Phỏng vấn thử được thực hiện có thể là phỏng vấn một vài đối tượng khảo sát, thành viên nhóm nghiên cứu, hoặc chủ nhiệm đề tài, …(khoảng 10-15 người). Phương pháp phỏng vấn trực tiếp cần được áp dụng cho một vài bảng khảo sát (ngay cả khi đây không phải là phương pháp sử dụng khi tiến hành khảo sát thực tế) vì người phỏng vấn vừa quan sát được những phản ứng của đối tượng vừa khai thác thêm được những điểm còn vướng mắc khi đối tượng khảo sát trả lời câu hỏi. Tiếp theo, bảng khảo sát được dùng để phỏng vấn thử lần thứ hai (sử dụng đối tượng khảo sát khác với lần một) để hoàn thiện lần cuối.

Với những chia sẻ trên đây về quy trình thiết kế bảng câu hỏi, hi vọng sẽ giúp bạn hoàn thiện bảng câu hỏi một cách dễ dàng hơn. Chúc bạn thành công!