Quy trình nghiên cứu
Quy trình nghiên cứu khoa học là vấn đề đầu tiên mà bạn đọc cần quan tâm. Các bạn đọc ở đây thường là những nghiên cứu sinh bậc sau đại học hoặc các bạn sinh viên năm cuối, trước khi tốt nghiệp khóa học hoặc các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Chuẩn bị trước các bước cho quá trình thực hiện luận văn, luận án, chúng tôi đề xuất quy trình nghiên cứu tổng quát gồm 6 bước theo thể hiện ở Hình 1.
[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2022]
Hình 1. Quy trình nghiên cứu khoa học
Bước 1 – Tiếp cận nghiên cứu
Người đọc phải trả lời câu hỏi:
-
“Tại sao tôi lại thực hiện nghiên cứu?”
-
“Hiện tại, tôi thực hiện nghiên cứu để giải quyết vấn đề nào của doanh nghiệp?”
-
“Nghiên cứu thực hiện sẽ hỗ trợ hình thành giải pháp nào cho doanh nghiệp, tổ chức…?”
-
…
Hoặc người đọc có thể tham khảo ý kiến chuyên gia để tìm ra vấn đề. Chuyên gia có thể là cấp trên, ban lãnh đạo hoặc các nhà nghiên cứu lâu năm (thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư…).
Phân tích số liệu thứ cấp sẽ mang lại cái nhìn thực tế về vấn đề tồn đọng.
Kết quả của Bước 1 sẽ hình thành những “Lý do nghiên cứu”, bao gồm cả lý do thực tiễn và lý do lý thuyết.
Bước 2 – Xác định vấn đề
Vấn đề nghiên cứu được xác định thông qua:
-
Mục tiêu nghiên cứu: Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Từ đó đưa ra những câu hỏi nghiên cứu.
-
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Đối tượng của nghiên cứu là gì? Đối tượng khảo sát là ai? Phạm vi không gian ở đâu và thời gian trong bao lâu? Phạm vi dữ liệu sơ cấp/thứ cấp trong giai đoạn nào?
-
Ý nghĩa sau khi thực hiện nghiên cứu: Ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa lý thuyết.
-
Và kết cấu của nghiên cứu. Đối với luận văn hay luận án định tính thường có kết cấu 3 chương, còn với luận văn hay luận án mang tính chất định lượng thường có kết cấu 5 chương.
Ví dụ: Kết cấu 5 chương của luận văn hay luận án thực hiện theo hướng định lượng:
-
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu;
-
Chương 2: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu;
-
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu và thang đo;
-
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận;
-
Chương 5: Hàm ý quản trị và kết luận.
Ví dụ: Kết cấu 3 chương của luận văn hay luận án thực hiện theo hướng định tính:
Giới thiệu;
-
Chương 1: Cơ sở lý luận;
-
Chương 2: Phân tích thực trạng;
-
Chương 3: Đề xuất giải pháp;
Kết luận.
Bước 3 – Thiết kế nghiên cứu
Thực hiện những công việc bao gồm:
1. Xác định cơ sở lý thuyết, những lý thuyết liên quan có sử dụng trong nghiên cứu. Đặc biệt là lý thuyết cơ bản, lý thuyết “xương sống” của nghiên cứu cần phải được trình bày trọng tâm, chi tiết. Quá trình áp dụng lý thuyết vào nghiên cứu được hướng dẫn cụ thể dựa trên chuỗi bài viết về “Lý thuyết nghiên cứu thông dụng”.
Lý thuyết nghiên cứu thông dụng
2. Lược khảo, trình bày các nghiên cứu liên quan ở trong và ngoài nước. Đây là phần giúp củng cố thêm cho những lý thuyết đã được trình bày trước đó. Qua đó cho thấy tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực hiện tại. Vì vậy, cần phải đảm bảo về số lượng, chất lượng và tính cập nhật của những nghiên cứu liên quan này.
Bảng 1 đây so sánh sự khác biệt giữa Luận văn Thạc Sĩ và Luận án Tiến Sĩ trong trình bày nghiên cứu liên quan.
Bảng 1. So sánh khác biệt giữa Luận văn Thạc Sĩ và Luận án Tiến Sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Luận án Tiến sĩ
Số lượng
Nghiên cứu trong nước: 4~6
Nghiên cứu ngoài nước: 4~6
Nghiên cứu trong nước: 8~10
Nghiên cứu ngoài nước: 8~10
Chất lượng
Sử dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu (định tính/lượng) tương tự
Sử dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu làm cơ sở cho nghiên cứu mới của tác giả
Tính cập nhật
Nghiên cứu được công bố trong 5~10 năm gần nhất
Nghiên cứu được công bố trong 3~7 năm gần nhất
[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2022]
Về chất lượng của nghiên cứu liên quan, dù trong hay ngoài nước cần phải:
– Sử dụng mô hình lý thuyết tương tự;
– Sử dụng phương pháp nghiên cứu (định tính hay định lượng) thô sơ hơn nghiên cứu hiện tại. Như vậy sẽ cho thấy tính mới trong nghiên cứu của bạn;
– Quy mô, phạm vi nghiên cứu tương tự hoặc nhỏ hơn;
– Nghiên cứu với số mẫu ít hơn;
– Phương pháp thu thập mẫu hạn chế hơn;
– Kĩ thuật phân tích số liệu lạc hậu hơn…
Nghiên cứu của bạn sau khi hoàn thành có thể khắc phục được những yếu điểm nêu trên thì có nghĩa bạn đã trình bày được “khe hổng nghiên cứu”. Điều này sẽ hỗ trợ đắc lực hình thành lý do nghiên cứu (được trình bày ở Bước 1 – Tiếp cận nghiên cứu).
3. Trình bày bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, tổ chức đi trước. Điều lưu tâm là chọn doanh nghiệp, tổ chức nào cho phù hợp? Đơn giản là lựa chọn dựa trên sự tương thích về quy mô, tầm ảnh hưởng, doanh số, sản lượng, tầm nhìn, trình độ, chiến lược… Nhưng tại sao doanh nghiệp, tổ chức đó lại hoàn thành được mục tiêu và kết quả mà nghiên cứu hay doanh nghiệp, tổ chức hiện tại đang hướng đến.
4. Từ đó, đề xuất mô hình nghiên cứu cũng như đặt ra các giả thuyết mà nghiên cứu cần kiểm định. Đây là kết quả quan trọng cần phải đạt được.
5. Trình bày chi tiết lại quy trình nghiên cứu bằng hình ảnh. Công cụ Microsoft Visio hỗ trợ hữu ích để bạn có thể trình bày những hình ảnh, biểu tượng trực quan. Đi kèm với mọi hình ảnh, bảng biểu đều cần lời trích dẫn và giải thích ý nghĩa. Như vậy, nghiên cứu mới có tính liên kết và tuần tự cao.
Quy trình nghiên cứu chi tiết cho nghiên cứu định lượng như ở Hình 2. Sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA với sự hỗ trợ của phần mềm phân tích thống kê SPSS.
[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2022]
Hình 2. Quy trình nghiên cứu định lượng
6. Thiết kế bảng câu hỏi (hay thang đo) bao gồm:
– Bảng câu hỏi nháp hay Thang đo nháp;
– Bảng câu hỏi sơ bộ hay Thang đo sơ bộ;
– Và Bảng câu hỏi chính thức hay Thang đo chính thức.
Những công cụ được sử dụng cho kiểm định thang đo bao gồm:
– Kiểm định độ tin cậy bằng hệ số tin cậy CA (Cronbach’s Alpha).
– Phân tích nhân tố khám EFA (Exploratory Factor Analysis).
Quá trình kiểm định được trình bày chi tiết trong mục “Bảng Câu Hỏi”.
Bước 4 – Thu nhập dữ liệu
Thu thập dữ liệu chính thức được sử dụng sau khi thu được Bảng câu hỏi chính thức. Thu thập dữ liệu chính thức ở đây phân biệt so với thu thập dữ liệu sơ bộ ở Bước 3.
Quy trình thu thập dữ liệu bao gồm những bước tổng quát sau:
-
Xác định tổng thể.
-
Đơn vị chọn mẫu.
-
Cấu trúc mẫu.
-
Phương pháp chọn mẫu.
-
Cỡ mẫu hay kích thước chọn mẫu.
-
Sơ đồ chọn mẫu.
-
Tiến hành lấy mẫu.
-
Kiểm tra và mã hóa dữ liệu.
Cụ thể quá trình được hướng dẫn ở bài viết về “Dữ liệu nghiên cứu”.
Dữ liệu nghiên cứu
Bước 5 – Phân tích thực trạng & Dữ liệu
Bước này chia làm hai phần. Phân tích thực trạng doanh nghiệp, tổ chức đang gặp phải bằng nguồn dữ liệu thứ cấp. Và Phân tích dữ liệu sơ cấp (thông quan thu thập dữ liệu chính thức) thu thập được từ Bước 4.
Dữ liệu thứ cấp về quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức, loại hình kinh doanh, chính sách phát triển, tình hình kinh doanh, dự báo thị trường… Kết hợp với các biểu đồ, hình vẽ bổ trợ quá trình mổ xẻ, phân tích những khó khăn. Kết quả làm nổi bậc vấn đề cần nghiên cứu. Và hỗ trợ cho quá trình đề xuất những giải pháp, hàm ý quản trị.
Kết quả phân tích dữ liệu sơ cấp mang tính chất quyết định đến kết quả nghiên cứu. Mục đích chính thông qua kết quả này là:
– Kiểm định mô hình, cũng như giả thuyết nghiên cứu đề xuất ở Bước 3. Gián tiếp khẳng định hay bác bỏ một phần mô hình “sương sống” trong điều kiện, thị trường hiện tại.
– Xác định được mức độ tác động (cao hay thấp), các mối quan hệ nhân – quả trong kinh tế – xã hội…
– Cơ sở vững chắc cho quá trình đề xuất giải pháp, hàm ý quản trị cho doanh nghiệp, tổ chức…
Những phân tích và phần mềm được sử dụng phổ biến trong phân tích định lượng:
– Phân tích độ tin cậy thang đo với hệ số Cronbach’s Alpha – Phần mềm SPSS.
– Phân tích nhân tố khám phá EFA (mô hình nhân tố) – Phần mềm SPSS.
– Phân tích hồi quy bội – Phần mềm SPSS.
– Phân tích hồi quy nhị phân hay hồi quy Binary – Phần mềm SPSS.
– Phân tích nhân tố khẳng định CFA (mô hình đo lường) – Phần mềm AMOS.
– Phân tích cấu trúc tuyến tính SEM (mô hình cấu trúc) – Phần mềm AMOS.
– Phân tích hồi quy chuỗi thời gian (Time-series) – Phần mềm EVIEWS.
Để có được kết quả phân tích dữ liệu sơ bộ, các nhà nghiên cứu chấp nhận những giả thuyết thống kê về số liệu, nghĩa là dữ liệu đạt tiêu chuẩn cho phân tích thống kê, sau phân tích, phải quay lại kiểm định dữ liệu có đủ tiêu chuẩn hay không. Như thế, kết quả nghiên cứu mới được công nhận.
Những kiểm định và công cụ được sử dụng phổ biến trong phân tích định lượng:
– Phân tích tương quan – Hệ số tương quan Pearson.
– Phân tích phương sai ANOVA: Kiểm định trung bình 2 nhóm – Kiểm định t, Kiểm định trung bình trên 2 nhóm – Kiểm định F.
– Kiểm định mô hình: Kiểm định biến thành phần – Kiểm định Student, Kiểm định toàn bộ mô hình – Kiểm định Fisher.
– Kiểm định tự tương quan – Hệ số Durbin-Watson.
– Kiểm định phương sai sai số thay đổi – Biểu đồ phân tán phần dư.
– Kiểm định đa cộng tuyến – Hệ số R2, kiểm định Fisher (thống kê F), thống kê t (mô hình hồi quy).
Cách phân tích và tiêu chuẩn kiểm định được trình bày trong từng mô hình phân tích định lượng.
Bước 6 – Kết luận & Báo cáo
Dựa vào kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiền khả thi, hàm ý những chính sách mới cho doanh nghiệp, tổ chức…
Nỗ lực riêng của doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu là chưa đủ. Cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng thông qua hệ thống chính sách, pháp luật. Vì thế, cần nêu lên kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Vấn đề sai sót nghiên cứu khó tránh khỏi nên việc trình bày những hạn chế là cần thiết. Cũng như, từ đó, đề xuất hướng nghiên cứu cho những nghiên cứu tiếp theo là phần không thể thiếu.
Kết thúc.