Quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp

Theo quy định của Luật an toàn thực phẩm hiện hành thì những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nếu muốn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Vậy quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để biết chính xác về vấn đề này.

Đối tượng cần phải tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm?

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 36 Luật An toàn thực phẩm 2010, nếu muốn xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì chủ cơ sở bắt buộc phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Đồng thời, tại Điểm c, Khoản 2 Điều 6 thuộc Khoản 3 Điều 2, Chương I, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.

Theo đó, chủ cơ sở sẽ là người tập huấn an toàn thực phẩm. Và sau đó chủ cơ sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong cơ sở, doanh nghiệp mình.

Tài liệu tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm là các văn bản về an toàn thực phẩm còn hiệu lực, tài liệu đã được phê duyệt, ban hành (tài liệu tập huấn và đánh giá có thể tải trên website của Cục An toàn thực phẩm). Bên cạnh đó, chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm về kết quả tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do mình xác nhận.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở địa phương không thực hiện việc xác nhận kiến thức cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị các tài liệu tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm sau đó gửi cho nhân viên học tại nhà hoặc có thể tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn trực tiếp cho nhân viên tại cơ sở của mình. Tùy thuộc theo sản phẩm thuộc cơ quan nào quản lý mà doanh nghiệp lựa chọn tài liệu cho phù hợp.

Bước 2: Tiến hành lập quyết định cho việc tổ chức thi xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Dựa trên bộ câu hỏi có sẵn đã chọn lọc ở bước 1, doanh nghiệp tiến hành soạn thành bộ đề thi chính thức

Bước 3: Tổ chức thi xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Bước 4: Hội đồng tổ chức thi chấm điểm và tổng kết kết quả thi xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên

Bước 5: Những nhân viên có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được doanh nghiệp xác nhận đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, sau đó sẽ lập danh sách tổng hợp hoàn chỉnh.

Lợi ích của việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm

  • Việc tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm sẽ giúp cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trang bị những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

  • Giúp các tổ chức, cá nhân tìm hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như điều kiện xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó thực hiện đúng và tránh vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan.

  • Giúp chủ cơ sở và những người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ khâu đầu tiên như nguyên liệu đến khi tiêu thụ, lưu thông sản phẩm ra thị trường.

  • Giúp thay đổi được hành vi của chủ cơ sở và những người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm như rửa tay, che đậy, bảo quản, bao gói thực phẩm và trang bị thực phẩm, từ đó góp phần giảm thiểu về tình trạng ô nhiễm cũng như ngộ độc thực phẩm.

  • Bên cạnh đó, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cũng là một trong những thành phần hồ sơ bắt buộc phải có khi doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đây còn là một loại giấy tờ cần thiết thường bị các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, trường hợp doanh nghiệp không có danh sách nhân viên đã tham gia tập huấn kiến thức ATTP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Qua đó cho thấy, việc tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm là việc làm hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng, nó không chỉ mang lại lợi ích cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Trên đây là những thông tin quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm mà ISOCERT muốn chia sẻ đến Quý doanh nghiệp. Nếu có điều gì vướng mắc hoặc khó khăn trong việc thực hiện tập huấn kiến thức ATTP cho nhân viên thì hãy liên hệ cho chúng tôi qua hotline 0976.389.199 để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời.