Quy định mới về xếp hạng các tổ chức tín dụng và tác động đến hệ thống ngân hàng
Vừa qua NHNN đã xây dựng và thực hiện lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Dự thảo Thông tư) thay thế cho Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/03/2008. Theo đó, TCTD được xếp theo 5 hạng căn cứ dựa trên kết quả đánh giá theo hệ thống tiêu chí xếp hạng CAMELS.
Những điểm chính của Dự thảo Thông tư
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh: Dự thảo Thông tư được xây dựng nhằm thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 của NHNN về Quy định xếp loại NHTMCP (Quyết định 06). Theo đó, đối tượng điều chỉnh được mở rộng ra với các TCTD, bao gồm cả ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay vì chỉ NHTMCP như Quyết định 06.
Xếp hạng các TCTD theo 5 hạng (trước đây là 4): Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp hạng vào Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu) hoặc Hạng E (Yếu Kém) căn cứ vào mức điểm xếp hạng được tính toán theo hệ thống tiêu chí quy định tại Dự thảo Thông tư.
Hệ thống tiêu chí xếp hạng gồm 6 tiêu chí theo CAMELS, bao gồm: Vốn (Captital), Chất lượng tài sản (Asset Quality), Quản trị điều hành (Management), Kết quả hoạt động kinh doanh (Earnings), Khả năng thanh khoản (Liquidity) và Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (Sensitivity to market risk). Đây cũng là hệ thống xếp hạng được nhiều cơ quan quản lý trên thế giới sử dụng trong đánh giá sức khỏe tài chính và sự lành mạnh của ngân hàng
Trong đó mỗi tiêu chí bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động của TCTD. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định theo pháp luật hiện hành.
Thay đổi phương pháp tính điểm và xếp hạng: Việc tính điểm dựa trên giá trị các ngưỡng tính điểm, trọng số từng chỉ tiêu và trọng số từng nhóm chỉ tiêu được xác định trên cơ sở tầm quan trọng của nhóm chỉ tiêu/chỉ tiêu đối với mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng và yêu cầu của công tác giám sát. Do vậy các ngưỡng tính điểm và trọng số chi tiết theo từng nhóm đồng hạng sẽ được NHNN công bố trong từng thời kỳ.
Theo Dự thảo Thông tư, trong giai đoạn hiện nay nhóm tiêu chí có trọng số cao nhất là Chất lượng tài sản (25%) bám sát mục tiêu trọng tâm của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 là vấn đề xử lý nợ xấu, sau đó đến Vốn (20%), Kết quả hoạt động kinh doanh (20%), Khả năng thanh khoản (20%) và Quản trị điều hành (10%), Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường có trọng số thấp nhất chỉ chiếm 5%.
Thay đổi quy trình xếp hạng và khẳng định không công bố kết quả xếp hạng: Dự thảo Thông tư quy định NHNN (Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng) thực hiện việc xếp hạng TCTD và trình Thống đốc phê duyệt kết quả, thay vì để các NHTMCP tự đánh giá xếp loại và gửi kết quả xếp loại cho NHNN chi nhánh như Quyết định 06 trước đây. Nội dung này nhằm khắc phục bất cập của Quyết định cũ so với Luật NHNN quy định NHNN thực hiện xếp hạng TCTD (tại Khoản 3 điều 58 Luật NHNN 2010).
Điểm khác biệt quan trọng thứ hai so với Quyết định 06 là khẳng định xếp hạng của từng TCTD chỉ được thông báo cho đơn vị đó và không công khai cho bên thứ ba.
Quy định về xếp hạng các TCTD thay đổi theo hướng phù hợp hơn
Theo đánh giá của LPB Research, các thay đổi và phương pháp xếp hạng NHTM như quy định tại Dự thảo Thông tư nhìn chung phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành và chuẩn mực quốc tế. Riêng quy định không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các TCTD dù gặp phải một số ý kiến trái chiều, tuy nhiên quan điểm này sẽ được NHNN giữ vững do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, mục đích chấm điểm ngân hàng là để phục vụ công tác quản lý và xử lý những ngân hàng yếu kém, trong khi việc công bố thông tin có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ đổ vỡ của các đơn vị yếu kém. Khi thông tin xếp hạng được công bố, những ngân hàng được xếp hạng yếu và yếu kém có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt, mất thanh khoản và đối diện với sự sụp đổ nhanh chóng. Các ngân hàng nhỏ và tầm trung cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì khách hàng sẽ chỉ gửi tiền và vay vốn ở các ngân hàng xếp hạng tốt.
Thứ hai, trong bối cảnh cấu trúc tài chính tại Việt Nam đang chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, những bất ổn của hệ thống ngân hàng đến từ công bố thông tin sẽ dẫn đến xáo trộn trong vận hành, cung ứng vốn cho nền kinh tế, gây ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang được Chính phủ thực hiện quyết liệt.
Thứ ba, trong giai đoạn tiền đề cho triển khai Basel II như hiện nay thì cải thiện sức khỏe của hệ thống tài chính là mục tiêu được ưu tiên hơn, yêu cầu về công bố thông tin có thể được tạm hoãn để đảm bảo tính ổn định.
Tuy nhiên trong dài hạn, công bố kết quả xếp hạng riêng lẻ có thể dẫn đến những hệ lụy đến từ thông tin bất cân xứng, đồng thời là rào cản trong cải thiện vấn đề về minh bạch hóa thông tin thị trường. Khi cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam đi vào ổn định và được cải thiện theo hướng phát triển thị trường vốn, giảm gánh nặng lên hệ thống ngân hàng thì NHNN có thể sẽ phải cân nhắc điều chỉnh quy định công bố kết quả xếp hạng. Đây là xu hướng không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi triển khai Basel II với yêu cầu bắt buộc về minh bạch thông tin (trụ cột III). Trên thế giới, hiện ECB cũng đã thực hiện công bố xếp hạng ngân hàng.
Các ngân hàng sẽ phải làm gì
NHNN xây dựng hệ thống chấm điểm xếp hạng nhằm mục đích chính là phục vụ công tác quản lý của NHNN, bao gồm giám sát trong lĩnh vực ngân hàng, cảnh báo sớm và kịp thời phát hiện các TCTD yếu kém để có biện pháp ngăn chặn phù hợp. Do phục vụ yêu cầu của NHNN, từ phía các TCTD sẽ không có phản ứng quá mạnh mẽ đối với quy định này mà sẽ theo hướng “tuân thủ” là chính.
Việc xếp loại ngân hàng cũng là cơ sở để NHNN quyết định ứng xử với các TCTD như chính sách ưu đãi, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao/thấp theo từng nhóm, sau này có thể là căn cứ để xác định mức phí bảo hiểm tiền gửi,… Theo đó, từ phía các ngân hàng nhỏ và tầm trung sẽ cố gắng cải thiện các chỉ tiêu để được xếp vào nhóm trên (A, B), trong khi đó các ngân hàng lớn sẽ cố gắng trụ hạng để không bị rớt nhóm. Tuy nhiên, giữa các chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu có thể xảy ra xung đột (như nâng cao yêu cầu về vốn thì tác động xấu đến nhóm chỉ tiêu lợi nhuận,…) nên thay vì chạy theo “thành tích”, mỗi TCTD sẽ phải cân nhắc ưu tiên đẩy mạnh những chỉ tiêu trọng yếu dựa trên việc cân đối theo những mục tiêu, định hướng kinh doanh trong từng thời kỳ.
Nguồn: LPB Research tổng hợp