"Chợ chứng chỉ": Nhà quản lý "không nghe, không thấy" – Hànộimới

sai phạm vẫn diễn ra ngang nhiên và phổ biến. Lý do chính là vì sự thiếu sát sao trong kiểm tra, giám sát. Các nhà quản lý thì “không nghe, không thấy”.

“Trung tâm như cỏ dại, mọc lên không ai biết…” 

Theo Thông tư 01 và Thông tư 15 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ tại chức và Tin học ứng dụng (từ đây gọi tắt là Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học) thì tất cả các Trung tâm này muốn tổ chức đào tạo và thi cấp chứng chỉ đều phải có tờ trình với các cơ quan quản lý trực tiếp là các trường ĐH hoặc Sở GD-ĐT.  

Nếu trung tâm thực sự có nhu cầu (nguồn tuyển sinh tương đối đông, thường xuyên, ổn định) và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ quản lý và giáo viên, các cơ quan quản lý trực tiếp sẽ báo cáo lên Bộ GD-ĐT để được xem xét cấp giấy phép hoạt động.  

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, chỉ có các trung tâm trực thuộc một số trường ĐH và 3 đơn vị gồm Trung tâm Hỗ trợ Phát triển nghiên cứu ứng dụng Tin học Ngoại ngữ (Hội Khuyến học), Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và phát triển tài năng ALLIANZ (Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á) và Trung tâm đào phát triển nguồn nhân lực (Hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) là được Bộ GD-ĐT cấp giấy  phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học. 

Nhưng trên thực tế, hiện nay có rất nhiều trung tâm thuộc các cơ quan, đoàn thể, hội nghề nghiệp… không hề được sự cho phép của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn tự ý tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho học viên. Những chứng chỉ này không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và không được Bộ GD-ĐT công nhận.  

Ông Nguyễn Danh Tình, chuyên viên Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Không được phép của cơ quan quản lý giáo dục mà vẫn tự ý cấp chứng chỉ cho học viên là sai quy định”. 

Ông Tình cũng cho biết thêm, Bộ đã nhiều lần phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra và xử lý các cơ sở sai phạm nhưng không thể xử lý hết được vì “các trung tâm này như cỏ dại, mọc lên lúc nào không ai biết, rất khó kiểm soát”.  

Bên cạnh đó, ông Tình cho rằng, Bộ đã phân cấp cho các Sở GD-ĐT quản lý các trung tâm này nên các Sở có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và báo cáo lại.  

Thực ra thì chẳng phải đi kiểm tra đâu xa, dọc theo đường Tạ Quang Bửu nằm sát bên Bộ GD-ĐT, cách cổng Bộ chỉ vài chục mét, có một dãy các trung tâm “tự phát” sẵn sàng “bán trọn gói” chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học với giá vài trăm ngàn đồng nhưng Bộ vẫn khẳng định chưa hề “mắt thấy, tai nghe” các sai phạm này.  

Chúng tôi đã được một nhân viên ở trung tâm thuộc Công ty Cổ phần Giáo dục nằm ngay sát Bộ “gạ gẫm” thi lấy bằng với lời hứa “dù trình độ kém thế nào cũng chắc chắn đạt loại khá”.

Bạn V.Anh (Cầu Giấy) cho biết nhóm của bạn có 5 người, đều vừa tốt nghiệp ĐH đến đây mua trọn gói bộ chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ với giá 300.000 đồng.

Trong khi đó, ông Tình vẫn khẳng định “Các trung tâm đó chỉ luyện thi (đại học – PV) thôi chứ không tổ chức thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học”.  

Trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi thấy có một trung tâm đã rao bán cả chứng chỉ của Bộ nhưng ông Tình vẫn khẳng định chắc chắn rằng: “Cho đến thời điểm này, Bộ cũng như cơ quan công an chưa phát hiện ra phôi chứng chỉ giả của Bộ. Nếu có phát hiện sai phạm thì Bộ cũng không thể giải tán hay đóng cửa trung tâm mà đây là việc của các cơ quan hành pháp”. 

Không sai vì không thuộc Bộ! 

Vừa qua, Bộ Nội vụ phát hiện một số chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học có dấu hiệu sai phạm của các ứng viên trong kỳ thi tuyển công chức của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và đã đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định.  

Qua kiểm tra, Bộ GD-ĐT xác định trong số đó, có hàng chục chứng chỉ do Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA, Công ty Cổ phần Giáo dục, Trung tâm bồi dưỡng ngôn ngữ và kiến thức Đông Á và Trung tâm Ngoại ngữ tin học UDP cấp là sai quy định. Những cơ sở này chưa được Bộ GD-ĐT cấp giấy phép cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học. 

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA lại nêu lý lẽ: “Các trung tâm thuộc UIA không giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT nên không cần xin giấy phép của Bộ. Bộ và các Sở GD-ĐT không quản lý được chương trình dạy và học thì tại sao lại quản lý việc cấp chứng chỉ?”

Theo ông Khanh thì UIA trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, một trong các chức năng là phổ cập tin học không chuyên nhưng nếu cấp chứng chỉ của Bộ GDĐT thì đã trở thành đào tạo chuyên nghiệp.  

Khi tôi đưa hai chứng chỉ mua được tại một trung tâm thuộc UIA, có dấu đỏ và chữ ký của ông Khanh, ông xem rất kỹ và xác nhận đây là chứng chỉ thật, do UIA cấp.  

Ông Khanh cũng khẳng định là UIA có sự giám sát, quản lý tương đối chặt chẽ đối với các trung tâm thành viên. Nhưng đến khi tôi trình bày về sự lộn xộn của trung tâm này trong việc cấp chứng chỉ, ông Khanh lại không hề hay biết.  

Theo quy chế của UIA, các đơn vị thành viên khi tổ chức thi và xin cấp chứng chỉ phải tuân thủ các quy định sau: Mỗi thí sinh trước khi thi phải được cấp phát giáo trình, đề cương môn thi; Phải báo cáo và niêm yết danh sách thí sinh xin dự thi trước ít nhất là một tuần, đăng ký lịch thi lên phòng giáo vụ Liên hiệp.  

Tuy nhiên, như đã phản ánh ở bài trước, chúng tôi đến đăng ký, nộp tiền xong là bị “tóm” vào thi luôn, không có phát tài liệu, cũng chẳng ôn tập. Phòng thi lại chính là phòng đăng ký nhận hồ sơ, người qua lại nói chuyện ầm ĩ. Không làm được câu nào có ngay “thầy giáo” bên cạnh nhắc. Bài làm xong “giám thị” (tức là người phát đề cho tôi) thản nhiên chữa lỗi luôn vào bài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khanh khẳng định UIA có cơ chế giám sát, quản lý các đơn vị thành viên khá chặt chẽ. Nếu phát hiện có sai phạm, trung tâm sẽ bị phạt hành chính tối thiểu 10 triệu đồng, giám đốc trung tâm và giáo viên chấm thi, cán bộ coi thi bị tịch thu bằng và bị truy tố trước pháp luật. Ông dẫn ra ví dụ năm 2005 UIA phối hợp với PA25 kiểm tra và đóng cửa 6 trung tâm thành viên vi phạm. 

Thiệt thòi: Học viên gánh! 

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, cả Bộ GDĐT lẫn các cơ quan chủ quản của các Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học có đều có những quy chế khá chặt chẽ về việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên. 

Nhưng sai phạm vẫn diễn ra ngang nhiên và phổ biến. Lý do chính là vì sự thiếu sát sao trong kiểm tra, giám sát. Các nhà quản lý thì “không nghe, không thấy”.  

Cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là học viên bởi họ không thể biết được đâu là trung tâm “xịn”, đâu là trung tâm “dởm”, trung tâm nào làm ăn nghiêm túc, trung tâm nào lộn xộn. Kể cả muốn thi nghiêm túc xem ra cũng khó. Ai có thể làm liền một lúc cả bài thi Ngoại ngữ và Tin học trong một căn phòng ồn ào mà chưa hề có sự ôn tập, chuẩn bị trước? 

Nhưng theo như ông Vũ Thế Khanh, nếu phát hiện sai phạm thì UIA sẽ thu hồi toàn bộ chứng chỉ đã cấp mà không có chính sách hỗ trợ lệ phí thi lấy chứng chỉ lại cho học viên bởi vì “UIA chỉ quản lý hành chính, còn tài chính là mỗi đơn vị thành viên tự thu. Vì thế học viên phải… tự đấu tranh với các trung tâm để đòi quyền lợi”. 

Còn ông Nguyễn Danh Tình, chuyên viên Vụ Giáo dục Thường xuyên thì “khuyên”: “Học viên muốn thi thì phải đi tìm hiểu xem trung tâm nào được phép, trung tâm nào không”. Khi chúng tôi hỏi: Tìm hiểu bằng cách nào? Thì ông Tình trả lời: “Lên Sở GD-ĐT địa phương hoặc yêu cầu trung tâm cho xem giấy phép”. 

Vấn đề đặt ra là: Liệu có trung tâm nào đồng ý cho học viên xem giấy phép hoạt động không? Và nếu lên Sở thì học viên phải tìm gặp ai, phòng nào, ban nào để hỏi? Có lẽ, các cơ quan quản lý nên công khai danh sách các trung tâm đã được cấp giấy phép ở từng tỉnh, thành phố lên website của mình để tiện cho người dân dễ tra cứu. 

Danh sách các Cơ sở đào tạo Ngoại ngữ, Tin học tại HN được Bộ GD-ĐT cấp giấy phép hoạt động và tổ chức thi, cấp chứng chỉ:

1. Sở GD-ĐT HN.

2. Các trường ĐH: ĐH Ngoại ngữ HN, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN, ĐH Công đoàn, HV Ngân hàng, HV Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm I, HV Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, HV Báo chí Tuyên truyền, ĐH Giao thông vận tải.

3. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển nghiên cứu ứng dụng Tin học Ngoại ngữ (thuộc Hội Khuyến học VN).

4. Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và phát triển tài năng ALLIANZ (thuộc Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á).

5. Trung tâm đào phát triển nguồn nhân lực (thuộc Hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập).

Theo VNN