Quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu
Quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), nhà nghiên cứu Phạm Tấn (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hoá) đã có tham luận làm rõ hơn về quê hương nhà sử học nổi tiếng này.
Nhà nghiên cứu Phạm Tấn trình bày tham luận tại hội thảo.
Kẻ Rỵ (làng Phủ Lý) là quê hương của nhà sử học lớn Lê Văn Hưu – người biên soạn bộ sách Đại Việt sử ký – bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta. Đây là vùng đất cổ có bề dày lịch sử – văn hoá, cách nay trên dưới hai ngàn năm.
Từ thời dựng nước đến nghìn năm Bắc thuộc, vùng đất này có tên là “Kẻ Rỵ” mà xung quanh là một loạt các kẻ liền kề như Kẻ Chè, Kẻ Bôn, Kẻ Go, Kẻ Chẻo, Kẻ Rủn, Kẻ Mơ, Kẻ Chòm, Kẻ Trịnh, Kẻ Giàng… Tất cả các kẻ này đều nằm trên địa bàn đồng bằng hạ lưu sông Mã, sông Chu – những vùng đất sớm có con người đến khai thác và cư trú lâu dài trong trường kỳ lịch sử của dân tộc.
Đến thế kỷ X, như sự ghi chép của văn bia chùa Hương Nghiêm (tấm bia thời Lý) thì vùng đất này đã có tên là giáp Bối Lý, thuộc Ái Châu. Còn qua ghi chép của một số sử sách, địa chí cũ thì từ đầu thế kỷ XIX trở về trước, giáp Bối Lý lại được đổi gọi là thôn Phủ Lý, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đời vua Đồng Khánh (1885-1888) trở về sau là xã Phủ Lý. Vào năm Thành Thái thứ 12 (1900), nhà Nguyễn cho cắt chuyển toàn bộ tổng Vận Quy về huyện Thuỵ Nguyên (sau đổi là phủ Thiệu Hoá) và từ đây xã Phủ Lý mới chính thức thuộc huyện Thiệu Hoá. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Phủ Lý được chia thành 3 làng là Phủ Lý Trung, Phủ Lý Nam và Phủ Lý Bắc. Vào năm 1947-1948, thực hiện chủ trương chia lại xã mới của Chính phủ cả 3 làng trên đều được gộp vào xã lớn Minh Quang (bao gồm tất cả các làng của xã Thiệu Trung, Thiệu Lý, Thiệu Viên nay). Đến năm 1953, xã Minh Quang lại được chia tách thành 3 xã như vừa nêu trên. Và cái tên xã Thiệu Trung mới bắt đầu có và giữ vững tên gọi như hiện nay. Còn khi chia, tách lại đơn vị cấp huyện ở trong tỉnh, vào năm 1977, Chính phủ ra Quyết định số 117/CP (ngày 5-7-1977) về việc giải thể huyện Thiệu Hoá. Theo đó, 15 xã nằm trong vùng tả ngạn sông Chu của Thiệu Hoá sát nhập vào huyện Thiệu Yên, 16 xã còn lại nằm ở vùng hữu ngạn sông Chu (trong đó có xã Thiệu Trung) lại được sát nhập vào huyện Đông Thiệu (đến năm 1982, Đông Thiệu lại được đổi theo tên cũ là huyện Đông Sơn).
Sau 20 năm sát nhập vào cả hai huyện Yên Định và huyện Đông Sơn, ngày 18-11-1996, huyện Thiệu Hoá lại được tái lập như năm 1977 trở về trước. Gần đây, ở trong huyện, trong tỉnh có thực hiện việc tháp các xã nhỏ thành xã lớn cho đủ tiêu chí về dân số và diện tích đất đai mà Nhà nước quy định, nhưng xã Thiệu Trung vẫn tồn tại với diện tích và ranh giới như cũ. Đó là một thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
Có một điều cần lưu ý là xã Thiệu Trung – một đơn vị hành chính trực thuộc huyện từ năm 1953 cho đến nay là một địa bàn được hợp thành bởi hai làng – xã cổ truyền đã từng được gọi là kẻ (tức Kẻ Rỵ và Kẻ Chè; Kẻ Rỵ là làng Phủ Lý, còn Kẻ Chè gọi là làng Trà Đúc hay Trà Đông).
Qua các tư liệu, có thể thấy vùng đất Kẻ Rỵ (sau đó là Bối Lý thời Lý – Trần và Phủ Lý từ Lê đến Nguyễn) cùng với đất Kẻ Chè (tức làng Chè Đông, Chè Đúc xã Thiệu Trung nay) đều là vùng đất hết sức đặc biệt trong lịch sử, trong đó Kẻ Chè (Bối Lý rồi Phủ Lý) mới là nơi mà từ giữa thế kỷ X trở đi với sự khởi đầu đậm nét của quan Bộc xạ Lê Lương rồi đến các thời từ Tiền Lê – Lý – Trần – Lê – Nguyễn, hàng loạt danh nhân, danh sĩ (chủ yếu là họ Lê) gốc Kẻ Rỵ đã xuất hiện và làm rạng danh cho quê hương, đất nước như các tên tuổi đã được liệt kê ở trên. Các nhân vật trên, có người là tướng quốc, có người là quốc sư, có người là Trạng nguyên, tiến sĩ có chức danh lẫy lừng trong thế giới xã hội, quan trường, mà tiêu biểu là Lê Lương (thời Đinh – Tiền Lê) hay Lê Văn Hưu và Lê Bá Quát thời Trần… Điều đó đã minh chứng cho nhận xét chung rằng Kẻ Rỵ là “vùng đất địa linh sinh nhân kiệt” mà chúng ta cần đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu một cách thấu đáo, đầy đủ hơn.
Nói tóm lại, vùng đất Kẻ Rỵ từ xưa cho đến nay trên dưới hai ngàn năm lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển với biết bao biến đổi thăng trầm, song nhìn toàn cục đều là những chặng đường lịch sử có nhiều đóng góp cho dân tộc trên rất nhiều lĩnh vực. Nhưng chỉ riêng từ cội nguồn ra đời và cư trú đầu tiên ở thời các vua Hùng dựng nước rồi nghìn năm Bắc thuộc đến thế kỷ XIII mà đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử hết sức sôi động. Đặc biệt ở thế kỷ X, với sự xuất hiện của nhân vật lịch sử lớn Lê Lương mà bia Hương Nghiêm và các tài liệu cũ ghi chép thì đã có đủ cơ sở để khẳng định vùng đất nơi đây đã sớm có những đóng góp quan trọng cho sự phục hưng văn hoá dân tộc sau đêm trường Bắc thuộc. Từ các thời Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần (và cả Lê – Nguyễn sau này…), Kẻ Rỵ thực sự là vùng đất đặc biệt phát triển với nhiều dấu ấn lịch sử văn hoá đậm nét mà bất cứ ai khi tìm hiểu, nghiên cứu cũng đều có thể cảm nhận được. Nơi đây, trong nghìn năm phong kiến đã liên tiếp sản sinh ra nhiều bậc hiền tài và danh nhân nổi tiếng ở xứ Thanh như Lê Lương thời Đinh – Tiền Lê, quốc sư Đạo Dung thời Lý, Lê Văn Hưu, Lê Bá Quát, Lê Bá Giác thời Trần và rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác…). Chỉ tính riêng các nhà khoa bảng ở trong nước, Phan Huy Ôn – tác giả của sách “Thiên nam lịch triều Đăng khoa lục” ở phần “Đông Sơn liệt truyện Đăng khoa lục”đã liệt kê các vị tiến sĩ huyện Đông Sơn từ thời Trần đến thời Lê Trung Hưng có tất cả 28 vị tiến sĩ thì trong đó làng Phủ Lý (Kẻ Rỵ) chiếm 6 vị, đó là Lê Văn Hưu, Đào Tiêu, Trần Văn Thiện, Lê Bá Phu, Vũ Liêm, Lê Biện. Còn ở “Bản xã tiên hiền” như đã nêu ở phần trên của bài viết lại liệt kê ở làng Phủ Lý lại có những 11 người là Tiến sĩ. Vì chưa có điều kiện khảo cứu đầy đủ nên không biết tài liệu nào là chính xác hơn. Nhưng theo sự ghi chép của sử sách cũ và một số tài liệu đáng tin cậy khác như “Bản xã tiên hiền”
Để biết rõ Kẻ Rỵ thời cội nguồn và phát triển là một làng cổ có từ thời Hùng Vương đến Nghìn năm Bắc thuộc và tiếp đến thế kỷ X và triều Lý thì ngoài sự nhận định, suy đoán về thời gian ra đời của “Kẻ” như các nhà nghiên cứu (là các “Kẻ” hầu hết đều tương ứng với thời kỳ của văn hoá Đông Sơn), chúng ta còn cần đến những cuộc khai quật khảo cổ chính thức ở khu vực cánh đồng còn lưu lại địa danh Cồn Mảng, Mả Choòng mà ở đó vẫn còn dấu vết của các rọc nước như Rọc Hương, Rọc Rọng, Rọng Vông… là dấu vết của mau, hồ cũ cùng các mảnh đất mà dân địa phương vẫn còn quen gọi là ruộng Nền Chùa, Trước Chùa, Sau Chùa, v.v… những nơi trước năm 1945 vẫn còn hoang vu, rậm rạp và cao thấp, lầy trũng không đều, nhưng trong quá trình khai hoang vỡ hoá và canh tác (từ sau năm 1945 đến nay), nhân dân địa phương đã phát hiện (nhất là ở khu vực nền Chùa và toàn bộ khu vực Cồn Mảng, Mả Choòng nhiều hiện vật, gạch, ngói, gốm có niên đại từ Lý trở về trước. Điều đó càng có cơ sở để khẳng định khu vực Kẻ Rỵ thời Lê Lương (kể cả trước và sau) cùng với các dinh thự, nhà cửa, kho tàng đến chùa Hương Nghiêm mà vị tổ họ Lê đầu tiên đã từng cho xây dựng để trở thành một vùng đất trọng yếu nổi tiếng dưới thời Đinh – Tiền Lê và Lý là ở khu vực cánh đồng Cồn Mảng, Mả Choòng như đã nói. Và khi Kẻ Rỵ được gọi là giáp Bối Lý thì cũng là ở chỗ này. Nhưng như trên đã nói, thì từ cuối Lý trở đi, vì những biến động lịch sử, hay dịch bệnh và thiên tai địch hoạ khủng khiếp nào đó mà Kẻ Rỵ – giáp Bối Lý ở xứ Cồn Mảng, Mả Choòng mới dịch chuyển vào phía giáp sông Hương Giang (kênh Nhà Lê) như hiện nay để rồi được gọi là hương Bối Lý (thời Trần) và làng xã Phủ Lý thời Lê Nguyễn đến nay.
Riêng về việc dân gian địa phương vẫn truyền nhau rằng “giếng ông Hưu”, “chùa ông Hưu” là đều nằm trên đất của gia đình nhà ông Hưu. Điều đó có thể cho chúng ta nhận định rằng, đến thời Trần, gia đình của ông Lê Văn Hưu đã có mặt trên đất làng Phủ Lý (mà chúng tôi gọi là đất “Kẻ Rỵ mới” và đương nhiên là Lê Văn Hưu đã từng sinh ra và lớn lên ở đây. Cho nên, chỉ sau khi ông Hưu mất (không biết chính xác là ở thời điểm nào thì mới có “giếng ông Hưu” và “chùa ông Hưu”. Còn bảo “giếng ông Hưu” có từ thời Lê Lương là không chính xác (vì từ nửa cuối thời Lý trở về trước, Kẻ Rỵ – Bối Lý cũ còn đang toạ lạc ở các xứ đồng phía tây nam của làng Phủ Lý hiện nay.
Khi đã gọi là “chùa ông Hưu” thì chắc chắn từ Lê Văn Hưu đến các vị liệt tổ, liệt tông trước Lê Văn Hưu cũng sẽ được thờ phối ở ngôi chùa này theo kiểu “Tiền Phật, hậu Thánh” giống ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (ở Văn Lộc, Hậu Lộc) và chùa – đền họ Dương (ở đất làng Giàng – Thiệu Dương, TP Thanh Hoá ngày nay)… mà chúng ta đều biết.
Nguyễn Đạt (lược ghi)