Quảng Điền lưu giữ nét đẹp văn hóa Xin chữ đầu năm
Quảng Điền lưu giữ nét đẹp văn hóa Xin chữ đầu năm
Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Để phát huy, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp đó, liên tục trong những năm qua, huyện Quảng Điền tiếp tục duy trì hoạt động Xin chữ đầu năm.
“Mỗi năm hoa đào nở.
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Những câu thơ trong bài “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên tả về một hình ảnh đẹp – hình ảnh thầy Đồ chờ cho chữ mỗi độ Tết đến Xuân về. Từ xa xưa, chữ viết luôn được người dân Việt coi trọng và gìn giữ… Ngày xuân năm mới, đối với người Việt – là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý, chính vì thế, ai ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Tục xin chữ – cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp – một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Từ ý nghĩa đầy tính nhân văn đó, năm 2021, Huyện ủy, UBND huyện Quảng Điền đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện phục dựng lại nét đẹp của văn hóa này. Theo ông Nguyễn Văn Đình – Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho biết: Năm 2021, khi mới bắt tay vào phục dựng lại nét đẹp truyền thống cho chữ đầu năm, chúng tôi cũng đã gặp không ít bỡ ngỡ từ cơ sở vật chất, thầy đồ và nhất là người đến xin chữ. Nhưng đến khi triển khai đã gặt hái những thành công hơn mong đợi, những thầy đồ là những giáo viên am hiểu chữ Hán, chữ Nôm và những nhà thư pháp trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia, người đến xin chữ rất đông đây là tiền đề rất quan”.
Không gian thư pháp huyện Quảng Điền năm 2022
Khác với mọi năm, đón Xuân Nhâm Dần 2022, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo theo đúng quy định phòng chống dịch bệnh của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện, khi tổ chức hoạt động cho và xin chữ phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó Ban tổ chức đã yêu cầu những người đến xin chữ đều phải được do thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn theo quy định của các cơ quan chức năng. Chủ đề Thư pháp của năm nay là “Đức-Tài”, do đó Ban tổ chức đã thực hiện các hoạt động mang chiều sâu về văn hóa. Để hoạt động xin và chữ thêm phần ấn tượng, Ban tổ chức đã mở rộng hình thức ngoài những câu đối, có người chỉ xin một hoặc hai chữ mà mình thấy tâm đắc. Năm nay xin chữ này rồi thì đến năm sau sẽ xin chữ khác, như: Tâm, trí, lộc, tài, phúc, nhẫn, tĩnh, bình an, hạnh phúc. Những con chữ, câu thơ, tục ngữ… được ông đồ thể hiện dưới hình thức thư pháp nên cũng uốn lượn, thanh thoát, nhẹ nhàng hơn. Dưới nét bút tài hoa, phóng khoáng của người viết hay còn gọi là “Thầy đồ”, những con chữ vốn dĩ rất mộc mạc ấy trở nên có hồn hơn.
Hoạt động xin chữ năm Nhâm Dần 2022 của huyện Quảng Điền được tổ chức từ ngày mồng Một tết đến nay đã thu hút rất đông người dân đến xin chữ. Là một nhà giáo, nhà thư pháp Hoàng Đình Thiện, người có thâm niên viết thư pháp ngày Tết ở Quảng Điền, ông Đồ Hoàng Đình Thiện cho biết, nét đẹp văn hóa cho chữ và xin chữ đầu năm vài năm trở lại đây đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Quảng Điền. Mỗi nét chữ cho đi, người nhận mong được tài, lộc, may mắn, sức khỏe, bình an và hạnh phúc trong năm mới; ước vọng thông qua chữ sẽ được hưởng phúc đức, tài năng của người cho chữ. Còn người cho chữ lại gửi gắm nỗi niềm, mong muốn sẽ giữ mãi nét đẹp phong tục xưa, tết xưa trong nhịp sống hiện đại, cùng khát vọng vươn tới chân – thiện – mỹ.
Thầy đồ Hoàng Đình Thiện cho chữ đầu năm
Cũng như mọi năm không gian xin và cho chữ của huyện Quảng Điền được bố trí tại nhà Văn hóa huyện, nơi đây tạo cho tất cả mọi người đến hoạt vui xuân đón tết nói chung, xin chữ đầu năm nói riêng được thuận lợi, đồng thời cũng là nơi để khoe với công chúng những tác phẩm thư pháp đẹp mà còn là nơi các nhà thư pháp trổ tài tặng chữ cho khách. Trên nền giấy đỏ, giấy hồng – những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, hàng trăm bức thư pháp với lời cầu chúc sức khỏe, gia đạo bình an và hạnh phúc… đã và đang dần được lan tỏa. Các ông đồ khi cầm bút đều tỉ mỉ khi cho chữ. Họ không viết vội, không viết ẩu và đôi khi còn dành nhiều thời gian để giảng giải cho khách ý nghĩa của từng chữ cho đi. Cùng với thời gian, tục xin chữ – cho chữ đầu xuân một thời gian đã mờ nhạt, nhưng 2 năm trở lại đây việc khôi phục và tổ chức hoạt động “Tặng chữ đầu xuân”, làm nơi để nhiều khách du xuân nán lại bên chiếu hoa của những “ông đồ” để xin chữ về cho mình, gia đình hoặc xin để tặng người thân, bạn bè những câu chữ hết sức ý nghĩa trong ngày đầu xuân mới.
Ngày xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược du xuân, hành hương đây đó, mọi người khi đến với Nhà thi đấu huyện sẽ gặp lại hình ảnh thân quen của những ông đồ với áo dài, khăn đóng và vây quanh là những người yêu chữ đủ các lứa tuổi. Cùng với niềm hân hoan, phấn khởi trên nẻo đường du xuân ấy, sau khi ghé qua đây, mỗi người còn mang về cho mình, cho gia đình, người thân, bạn bè… những con chữ mang ý nghĩa của niềm vui, hạnh phúc, sự may mắn và bình an.