PTIT tuyển sinh 3 ngành học mới: khoa học máy tính, công nghệ IoT và báo chí

Trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy năm 2022, Học viện Công nghệ BCVT (PTIT) tuyển sinh 13 ngành đào tạo, trong đó có những ngành đào tạo hoàn toàn mới (đầu tiên), đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số.

Cụ thể, 13 ngành/nhóm ngành xét tuyển sinh ĐH, gồm: Kỹ thuật điện tử viễn thông; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ thông tin (CNTT); an toàn thông tin; khoa học máy tính, công nghệ đa phương tiện; truyền thông đa phương tiện; quản trị kinh doanh; thương mại điện tử; marketing; kế toán, công nghệ tài chính (fintech); báo chí và công nghệ Internet vạn vật (IoT).

Ngành khoa học máy tính, công nghệ Internet vạn vật và báo chí sẽ là 3 ngành học mới của PTIT từ năm học 2022 – 2023, trong đó ngành khoa học máy tính và báo chí chỉ tuyển sinh tại cơ sở phía Bắc (Km10 Đường Nguyễn Trãi, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) của Học viện với chỉ tiêu lần lượt là 120 và 60. Còn ngành công nghệ IoT chỉ tuyển sinh tại cơ sở phía Nam (Số 11 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) của Học viện với chỉ tiêu 65.

PTIT tuyển sinh 3 ngành học mới: khoa học máy tính, công nghệ IoT và báo chí - Ảnh 1.

Chỉ tiêu tuyển sinh cơ sở đào tạo phía Bắc của PTIT (Mã trường: BVH)

PTIT tuyển sinh 3 ngành học mới: khoa học máy tính, công nghệ IoT và báo chí - Ảnh 2.

Chỉ tiêu tuyển sinh cơ sở đào tạo tại TP. HCM của PTIT (Mã trường: BVS)

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022 của PTIT là 3.830 chỉ tiêu cho cả 2 cơ sở đào tạo Hà Nội và TP. HCM. Cả hai cơ sở đều có chương trình chất lượng cao trình độ ĐH.

Các thí sinh đăng ký tuyển sinh vào ngành mới khoa học máy tính, công nghệ IoT của Học viện sẽ được xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo 1 trong 2 tổ hợp môn thi A00 (toán, lý, hóa) và A01 (toán, lý, anh). Các thí sinh đăng ký tuyển sinh ngành báo chí sẽ được xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo 1 trong 2 tổ hợp mô thi A00 (toán, lý, hóa và mã A01 (toán, lý, anh) và mã D01 (toán, văn, anh).

Chương trình đào tạo ngành khoa học máy tính (mã ngành 7480101) của PTIT nhằm đào tạo và cung ứng nhân lực trình độ kỹ sư khoa học máy tính (định hướng khoa học dữ liệu). Sinh viên tốt nghiệp ngành này được trang bị những kiến thức cập nhật trong ngành khoa học máy tính thời đại 4.0 cùng hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng trong tương lai về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu bao gồm cả chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng mềm.

Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính với thời gian đào tạo 4,5 năm có thể trở thành cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực khoa học máy tính; các lập trình viên, quản trị dự án, chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI), chuyên gia phân tích dữ liệu; cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về khoa học máy tính theo hướng chuyên ngành khoa học dữ liệu tại các viện, đơn vị nghiên cứu, đào tạo.

Với mã ngành 7520208, sinh viên theo học ngành công nghệ IoT sẽ được tiếp cận với những kiến thức mới mẻ từ công nghệ IoT và có cơ hội nghề nghiệp cao.

Các ứng dụng công nghệ đến từ Internet vạn vật (IoT) hứa hẹn mang đến những giá trị to lớn cho con người. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của những hệ thống nhà thông minh hay các thiết bị gia dụng thông minh có điều khiển bằng giọng nói. Trên trang trại, cảm biến tự động đo độ ẩm của đất có thể cho người nông dân biết chính xác khi nào cây trồng cần được tưới nước. Thay vì tưới quá nhiều hoặc quá ít nước, người nông dân có thể đảm bảo rằng cây trồng nhận được chính xác lượng nước thích hợp. Điều này giúp tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí sản xuất. 

Còn ngành báo chí (mã ngành 7320101) dự kiến nội dung đào tạo báo chí số (digital journalism – DJ) là sự lai ghép giữa báo chí và công nghệ, hướng đến việc đào tạo nhân lực được trang bị kĩ năng số, có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm (all-in-one).

Mục tiêu của chương trình nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ ĐH ngành báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp; có kiến thức, kĩ năng về báo chí, công nghệ số và quản trị dữ liệu nội dung, có năng lực thích ứng nhanh với các môi trường làm việc khác nhau, trong bối cảnh công nghệ số liên tục thay đổi.

Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên các tiêu chí gồm: (i) tận dụng tối đa “chất xám công nghệ”, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành – định hướng công nghệ trong lĩnh vực báo chí số; (ii) phát huy lợi thế đi đầu trong đào tạo nhân lực ngành báo chí tại Việt Nam theo định hướng công nghệ; (iii) đào tạo nhân lực ngành báo chí có năng lực làm chủ động công nghệ, có khả năng học tập và bám sát những thay đổi của công nghệ.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này sẽ được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân báo chí số của Học viện.

Các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo 1 trong 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cũng theo PTIT, trong quý II năm 2022, PTIT đã xây dựng, hoàn thiện thử nghiệm (prototype) nền tảng giám sát thi, kiểm tra trực tuyến ứng dụng AI, tổ chức triển khai thí điểm tại Học viện; hoàn thành đề án liên kết quốc tế giữa PTIT và ĐH HUDDERSFIELD (Vương quốc Anh)./.