Phương pháp ôn luyện hiệu quả môn Sinh thi tốt nghiệp
Cô Thanh Xuân, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chia sẻ phương pháp ôn tập hiệu quả cho mỗi phần lý thuyết, bài tập Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp.
Nội dung môn Sinh học có hai phần lý thuyết và bài tập, tuy thống nhất về mặt kiến thức nhưng phương pháp ôn tập cho mỗi phần mang tính đặc thù riêng.
Phần Lý thuyết
Sinh học là môn khoa học tự nhiên nhưng lại có nhiều lý thuyết; vì vậy, để ôn tập đạt hiệu quả, các em có thể sử dụng các cách sau.
1. Hệ thống hóa lý thuyết bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu
Phân tích đề minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Sinh học cho thấy nội dung lý thuyết tập trung ở chương I của Sinh học lớp 11 và toàn bộ chương trình Sinh học lớp 12. Để ghi nhớ và hiểu bản chất kiến thức, các em nên hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu.
Cô Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trường bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ví dụ: Chương Cơ chế di truyền – biến dị trong Sinh học 12 gồm nhiều kiến thức khó. Cụ thể:
* Nội dung cơ chế Di truyền và biến dị ở cấp phân tử bao gồm:
– Cơ sở vật chất di truyền chủ yếu ở cấp phân tử là ADN – lưu giữ và truyền thông tin di truyền.
– Cơ chế truyền thông tin di truyền qua các thế hệ là tự nhân đôi ADN.
– Các cơ chế biểu hiện thông tin di truyền: phiên mã, dịch mã và điều hòa hoạt động gen.
– Cơ chế biến dị là đột biến gen.
Để ôn tập nội dung cơ chế di truyền, thí sinh có thể lập bảng hoặc sơ đồ tư duy theo các tiêu chí: khái niệm, thời điểm, khuôn mẫu, nguyên liệu, enzim xúc tác, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Với nội dung đột biến gen, học sinh làm tương tự theo các tiêu chí: khái niệm, các dạng, nguyên nhân, cơ chế phát sinh, hậu quả, vai trò.
* Nội dung cơ chế di truyền và biến dị ở cấp tế bào bao gồm:
– Cơ sở vật chất di truyền ở cấp tế bào là NST – lưu giữ và truyền thông tin di truyền.
– Cơ chế truyền thông tin di truyền qua các thế hệ là nguyên phân và giảm phân.
– Cơ chế biến dị là đột biến cấu trúc NST, lệch bội và đa bội. Nội dung bài Đột biến cấu trúc NST có thể được hệ thống bằng bảng sau:
Các dạng
Biểu hiện
Hậu quả, vai trò (ý nghĩa)
Mất đoạn
Là dạng đột biến làm cho một đoạn NST nào đó bị mất đi.
Hậu quả: giảm số lượng gen, mất cân bằng gen nên thường gây chết cho thể đột biến.
Ví dụ: Ở người, mất một phần vai ngắn NST số 5 gây nên hội chứng tiếng mèo kêu.
Ý nghĩa: gây mất đoạn nhỏ để loại ra khỏi NST những gen không mong muốn ở thực vật.
Lặp đoạn
Là dạng đột biến làm cho một đoạn nào đó của NST có thể được lặp lại một hay nhiều lần.
Hậu quả: làm gia tăng số lượng gen trên NST dẫn đến mất cân bằng hệ gen nên có thể gây hại cho thể đột biến. Ngoài ra, có thể làm tăng số lượng sản phẩm của gen.
Ví dụ: Ở đại mạch, lặp đoạn làm tăng hoạt tính enzim amilaza có ý nghĩa trong công nghiệp sản xuất bia.
Vai trò: lặp đoạn dẫn đến lặp gen tạo điều kiện cho đột biến gen, tạo nên các gen mới cho tiến hóa, làm cho 2 alen của một gen cùng nằm trên 1 NST.
Đảo đoạn
Là dạng đột biến làm cho một đoạn NST nào đó đứt ra rồi đảo 180 độ và nối vào vị trí cũ.
Hậu quả: làm thay đổi trình tự phân bố các gen trên NST. Do đó, có thể làm thay đổi sự hoạt động của gen.
Vai trò: góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho quá trình tiến hóa.
Chuyển đoạn
Là dạng đột biến dẫn đến sự trao đổi đoạn trong một NST hoặc giữa các NST không tương đồng.
Hậu quả:
– Chuyển đoạn trên 1 NST không làm thay đổi số lượng và thành phần gen của 1 NST nhưng làm thay đổi trình tự phân bố các gen trên NST.
– Chuyển đoạn lớn giữa 2 NST thường làm thay đổi nhóm gen liên kết, vì vậy thể đột biến thường bị giảm khả năng sinh sản.
Vai trò quan trọng trong quá trình hình thành loài mới.
Ứng dụng thực tiễn: dùng chuyển đoạn nhỏ để chuyển một số gen mong muốn từ NST của loài này sang NST của loài khác.
2. Không học tủ, học vẹt, cần hiểu bản chất mỗi đơn vị kiến thức
Bài thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm, nội dung kiến thức phủ toàn bộ chương trình. Bởi vậy, thí sinh cần tránh việc phân chia các phần kiến thức theo mức độ quan trọng. Một số em thường dành nhiều thời lượng ôn tập cho phân môn di truyền mà không chú trọng các phần khác, dẫn đến điểm không cao.
Thí sinh cần hiểu bản chất kiến thức để trả lời những câu hỏi lý thuyết ở mức độ thông hiểu và vận dụng. Những câu này đòi hỏi người học khả năng tổng hợp thông tin, hiểu sâu vấn đề và giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra.
Trong chương trình Sinh học lớp 12, một số kiến thức khó như chương Cơ chế di truyền – biến dị hoặc có nhiều sự kiện rời rạc như chương Ứng dụng di truyền. Sau đây là một số gợi ý, giúp các em ôn tập những chương này hiệu quả hơn.
Để hiểu bản chất các cơ chế di truyền – biến dị ở cấp phân tử và tế bào, các em có thể sử dụng kênh hình.
Ví dụ 1: Sử dụng bài tập điền vào các ô còn trống tên gọi các enzim, đoạn Okazaki và chiều của các mạch pôlinuclêôtit còn lại trong hình bên để ôn tập cơ chế tự nhân đôi ADN.
Ví dụ 2: Sử dụng bảng hệ thống sau để ôn tập phần Công nghệ tế bào thực vật trong Sinh học lớp 12
Phương pháp
Nguyên liệu ban đầu
Kết quả
Nuôi cấy tế bào (mô)
Tế bào xôma 2n (mô) của rễ, lá,…
Tạo ra số lượng lớn các cây có kiểu gen giống nhau và giống cây ban đầu
Nuôi cấy hạt phấn hoặc noãn chưa thụ tinh
Hạt phấn hoặc noãn chưa thụ tinh (tế bào đơn bội)
Tạo ra cây có kiểu gen đồng hợp tử về các gen
Lai tế bào xôma (dung hợp tế bào trần)
Hai tế bào xôma của 2 loài thực vật
Tạo ra cây song nhị bội mang đặc điểm của 2 loài
Khi nắm được kiến thức phần này, các em có thể vận dụng để giải quyết những yêu cầu cao hơn như: Muốn tạo cây thuần chủng mang đặc điểm của hai loài có quan hệ họ hàng xa nhau, cần sử dụng những phương pháp nào? Dựa vào kết quả của mỗi phương pháp được trình bày ở bảng trên, các em có thể dễ dàng lựa chọn được hai phương pháp là lai tế bào xôma và nuôi cấy hạt phấn.
3. Thường xuyên luyện đề lý thuyết
Từ thời điểm này đến trước ngày thi, mỗi ngày, thí sinh nên luyện tập ít nhất một đề lý thuyết để kiến thức “thẩm thấu” từ từ vào não bộ. Việc này có thể gây nhàm chán, nên các em có thể tạo bộ câu hỏi trên một số ứng dụng như Quizizz để lấy cảm hứng.
Phần Bài tập
Để giải được bài tập Sinh học, thí sinh nên phân loại thành các dạng bài tập (cơ chế di truyền – biến dị, quy luật di truyền, phả hệ, di truyền quần thể, sinh thái học…) và phương pháp giải cho mỗi dạng có đi kèm ví dụ minh họa.
Các em cần phải thuộc các công thức về cấu trúc của ADN, nhân đôi ADN, xác định số loại kiểu gen trong quần thể ngẫu phối, tần số kiểu gen của quần thể ngẫu phối và tự phối, mối quan hệ giữa tỷ lệ các loại kiểu hình với kiểu gen của P đã cho, tính hiệu suất sinh thái…
“Học đi đôi với hành”, vì vậy để đạt kết quả cao, thí sinh cần tích cực giải bài tập, tự rút ra phương pháp, cải thiện kỹ năng tính toán, tốc độ sau mỗi lần luyện đề. Trong quá trình luyện tập, các em sẽ biết cách đặt thêm nhiều câu hỏi mới để tự trả lời, làm quen với các dạng câu hỏi có tính tổng hợp, khái quát cao.
Trần Thị Thanh Xuân
Tổ trưởng bộ môn Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)