Phụng Nguyên hỏi: Ý nghĩa của quy luật giá trị đối với Việt Nam?
Trả lời:
Hiện nay VN đã và đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu vào các tổ chức kinh tế quốc tế, khu vực, do vậy cần nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên cả ba lĩnh vực: sản phẩm, ngành và quốc gia. Không ít hàng hoá Việt Nam thường kém chất lượng, chưa có đăng ký thương hiệu; quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tìm hiểu quy luật giá trị có thể nêu lên một số ý nghĩa, vận dụng sau:
1. Ý nghĩa quy luật giá trị trong “điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá” với Việt Nam.
Việt Nam cần vận dụng tác dụng này qua việc dùng các biện pháp tác động vào sản xuất, LT, giá trên thị trường theo hướng kết hợp hài hoà các lợi ích của người sản xuất, người làm thương nghiệp và người tiêu dùng, không để thương lái tư nhân làm thiệt hại đến các chủ thể kinh tế.
Ví dụ: ta nên thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng: Người sản xuất, người chế biến (doanh nghiệp chế biến), người làm thương nghiệp (doanh nghiệp TN) liên kết lâu dài để mua, chế biến, bảo quản, vận chuyển, bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng để phân chia lợi nhuận, lợi ích.
Khắc phục dần tình trạng người sản xuất cứ sản xuất, không biết ai là người mua, thị trường nào tiêu thụ như hiện nay ở nhiều loại hàng, nhất là hàng nông sản.
2. QLGT có tác dụng “Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển nhanh”. Việt Nam ta cần khuyến khích nghiên cứu khoa học, cải tiến khoa học, kỹ thuật, ứng dụng vào cả sản xuất, cả bảo quản, cả chế biến, cả lưu thông để giảm giá trị cá biệt của các hàng hoá so với giá thị trường nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trong hội nhập.
Ví dụ trong sản xuất nông phẩm cần sản xuất theo những quy chuẩn quốc tế đảm bảo hạn chế dùng, dùng đúng quy trình hoặc không dùng thuốc trừ sâu, thuốc độc hại;
Nghiên cứu giống ít sâu bệnh, côn trùng diệt sâu bệnh;
Nghiên cứu bảo quản nông phẩm bằng cách không độc hại để sản phẩm dùng được lâu, có thể xuất khẩu;
Nghiên cứu lai tạo giống trái mùa. V.v..
3. Thực hiện sự lựa chọn tự nhiên và phân hoá người sản xuất hàng hoá thành người giàu, người nghèo.
Đó là tác động nghiệt ngã. Để khắc phục, hạn chế tác động trên Nhà nước có thể tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ cho người nghèo, doanh nghiệp đang khó khăn vươn lên. Dùng các chính sách xã hội như trợ cấp thường xuyên, đột xuất, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm… đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động, xuất khẩu lao động v.v. Thực hiện tốt chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách với người có công, người tàn tật, làm tốt các phong trào tình thương, lá lành đùm lá rách v.v.
Đây chỉ là một số gợi ý. Bạn có thể suy nghĩ vận dụng ở nhiều điểm nữa.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…