Phong tục Tết: Những lễ cúng ngày Tết quan trọng – Du lịch Hoàn Mỹ

Không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, sum họp gia đình, Tết Nguyên Đán còn là dịp vô cùng quan trọng để hướng về nguồn cội, ông bà, tổ tiên, các vị thần linh đã ban phước lành cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, theo phong tục của người Việt vào dịp Tết có rất nhiều lễ cúng quan trọng. Bạn cần chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng cho các lễ cúng ngày Tết để đón một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi và thành công.

Tết cúng mấy ngày? Các lễ cúng Tết nào quan trọng?

Tùy theo từng văn hóa vùng miền, địa phương, có một vài nơi sẽ có lễ cúng ngày Tết đôi phần khác biệt. Tuy nhiên, để đón một cái Tết Nguyên Đán trọn vẹn, các gia đình người Việt thường chuẩn bị các nghi lễ chu đáo và không thể bỏ qua các lễ cúng ngày Tết quan trọng sau đây:

STT

Tên lễ cúng

Ngày Âm lịch

Ngày Dương lịch

1

Ông Công Ông Táo

23 tháng Chạp

Thứ Sáu, 5 tháng 2

2

Tất niên

30 tháng Chạp

Thứ Năm, 11 tháng 2

3

Giao thừa

Đêm 30 tháng Chạp

Thứ Năm, 11 tháng 2

4

Tân Niên

Mùng 1 tháng Giêng

Thứ Sáu, 12 tháng 2

5

Chiêu Điện và Tịch Điện

Mùng 2 tháng Giêng

Thứ Bảy, 13 tháng 2

6

Cúng Hóa Vàng

Mùng 3 tháng Giêng

Chủ Nhật, 14 tháng 2

Lễ cúng Ông Công, Ông Táo

Theo quan niệm dân gian, Ông Công, Ông Táo là vị thần được thiên đình cử xuống để cai quản việc bếp núc, nhà cửa. Chẳng những là người “giữ lửa” cho gia đình êm ấm, Ông Táo còn ghi chép lại cái đúng sai, tốt xấu của gia chủ. Vào 23 tháng chạp hàng năm, Ông sẽ lên chầu Ngọc Hoàng dâng tấu sớ bẩm báo tình hình hạ giới. Vì vậy, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn cho lễ cúng Ông Táo về trời trước khi đón Tết Nguyên Đán.

các lễ cúng ngày tết - Mâm lễ cúng Ông Công Ông Táo về trời.

Mâm lễ cúng Ông Công Ông Táo về trời.

Theo phong tục dân gian, sau 7 ngày kể từ 23 tháng Chạp, tức là vào ngày 30 tháng Chạp, chúng ta sẽ làm lễ rước Ông Táo về nhà. Thời gian cúng từ 23 giờ đến 23 giờ 45 phút ngày 30 Tết, lễ vật chuẩn bị giống như lễ tiễn Ông Táo về trời.

Cúng Tất niên cuối năm

Trong các lễ cúng ngày Tết, tất niên là lễ cúng để khép lại một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới. Vào trưa, hoặc chiều ngày cuối năm, thường là ngày 30 Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng để mời gia tiên, tiền tổ về ăn Tết với con cháu.

các lễ cúng ngày tết - Lễ cúng tất niên, kết thúc năm cũ đã qua.

Lễ cúng tất niên, kết thúc năm cũ đã qua.

Mâm cỗ cúng ông bà, gia tiên có thể đủ các món chay, mặn, tùy theo điều kiện của gia chủ. Tuy nhiên, về cơ bản sẽ có các món như: thịt kho trứng vịt, xôi, gà luộc, chả, nem, thịt nguội, các loại bánh, chè hạt sen, trà, rượu, hoa quả. Một số gia đình sẽ nấu những món ngày xưa, lúc còn tại thế ông bà thích dùng. Về ý nghĩa của các lễ cúng ngày Tết thì trước là để thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền bối, đấng sinh thành, sau là dịp để cháu con sum họp, chúc tụng, chuyện trò.

Cúng Giao Thừa

Lễ cúng giao thừa vào đêm 30 Tết hay còn được gọi là cúng trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân” có ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Người ta thường chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà để nghênh đón tài lộc và cầu giao đạo bình an.

các lễ cúng ngày tết - Những lễ vật cơ bản chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa ngoài trời.

Những lễ vật cơ bản chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa ngoài trời.

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường gồm: 1 bát hương với 3 nén to, đĩa trái cây, hoa tươi, trầu cau, 2 ngọn nến, gà luộc, bánh, mứt, kẹo và trà rượu. Trong khi đó mâm cỗ cúng trong nhà có thể là mâm mặn bao gồm: Bánh, xôi đậu xanh, giò chả hoặc mâm ngọt gồm có bánh, mứt, kẹo, hoa quả.

Cúng Tân Niên

Lễ cúng Tân niên nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên và các bậc thần linh ban cho phước lành, may mắn, giúp gia chủ có một năm mới an khang, thắng lợi. Lễ cúng có thể diễn ra vào buổi trưa hoặc buổi chiều mùng 1, tùy từng gia đình.

các lễ cúng ngày tết - Lễ cúng Tân Niên khởi đầu năm mới thuận lợi, may mắn.

Lễ cúng Tân Niên khởi đầu năm mới thuận lợi, may mắn.

Mâm cỗ có tuỳ biến theo điều kiện từng gia đình, nhưng không thể thiếu các món ăn cơ bản ngày Tết là bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn,… Trong ngày mùng 1, người ta thường kiêng cử sát sinh, nên việc chuẩn bị gà cúng sẽ được tiến hành vào đêm trước. Sau khi cúng xong con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè.

Cúng Chiêu Điện và Tịch Điện

Trong ngày Mùng 2 Tết có 2 mâm lễ cúng. Mâm cơm cúng vào buổi sáng gọi là Chiêu điện, mâm cơm cúng buổi tối gọi là Tịch Điện với ý nghĩa là bày tỏ lòng hiếu kính đầy đủ khi mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.

các lễ cúng ngày tết - Những lưu ý cần biết khi chuẩn bị mâm cỗ cúng lễ Chiêu Điện và Tịch Điện.

Những lưu ý cần biết khi chuẩn bị mâm cỗ cúng lễ Chiêu Điện và Tịch Điện.

Trên mâm cỗ, đặt 4 bát cơm ở 4 góc mâm, ở giữa là chén nước chấm. Thịt gà phải là thịt gà trống tơ, được chọn lựa cẩn thận: Mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ. Thêm xôi, giò nạc, giò lụa và nhiều món thơm ngon khác. Mâm cỗ phải được sắp đặt sao cho vuông vắn, cân đối, đầy đặn, vững chãi thì mới đón một năm mới an lành, ấm no.

Lễ Cúng Hóa Vàng

Ông bà xưa quan niệm ăn Tết 3 ngày, nên ngày mùng 3 thường là ngày cuối cùng của Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ cúng hoá vàng để tiễn ông bà tổ tiên, đồng thời đón thần tài, thần lộc.

Bên cạnh chuẩn bị các lễ cúng ngày Tết thì còn phải biết cách khấn sao cho thật đúng và thành tâm. Nếu bạn chưa biết cách khấn khi cúng hóa vàng thì hãy tham khảo bài khấn sau:

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần
Con kính lạy Ngài Đương niên, Ngài Bản cảnh Thành hoàng, các gài Thổ địa, Táo quân, Long mạch, Tôn thần.
Con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại Tiên linh.
Tín chủ (chúng) con là: …………………………………………………………..
Ngụ tại: ………………………………………………………………………………..
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng Giêng năm ……………….
Tín chủ con tâm thành sắp sửa hương hoa nước quả, kim ngân vàng bạc, phẩm vật trà, tửu dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình:
Tiến Xuân đã mãn
Nguyên đán đã qua
Nay xin thiêu hóa kim ngân
Lễ tạ Tôn thần
Rước tiễn Tiên linh trở về âm giới.
Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Chúng con lễ bạc cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

Sau khi cúng hóa vàng, người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đầy đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày tết.

Hi vọng những chia sẻ về các lễ cúng ngày Tết trên đây của Du Lịch hoàn Mỹ sẽ giúp quý khách dễ dàng ghi nhớ cũng như chuẩn bị thật chu đáo cho những lễ cúng quan trọng khi Tết Nguyên Đán 2021 đã đến cận kề.

Du lịch Hoàn Mỹ tổng hợp