Phong cách ngôn ngữ khoa học và công nghệ tiếng Việt và các quy tắc hoạt động của nó trên bình diện văn hóa khoa học – VOER
Cơ sở khái niệm
Theo các nhà ngôn ngữ học, khái niệm về phong cách xuất hiện từ thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại cùng với sự xuất hiện của khoa học về hùng biện. Phong cách ngôn ngữ là sự kết hợp của hai nhân tố : “nói gì” và “nói như thế nào”, có nghĩa đây là sự tổng hòa các phương tiện ngôn ngữ. Cơ sở khái niệm phong cách ngôn ngữ là đánh giá quan hệ các phương tiện biểu đạt và nội dung biểu đạt.
Xét về phương diện văn hóa khoa học thì trong từng lĩnh vực hoạt động của các khoa học khác nhau, phong cách ngôn ngữ có những sắc thái biểu đạt đặc thù. Cơ sở phong cách ngôn ngữ văn bản khoa học tiếng Việt hiện đại là các chuẩn ngôn ngữ viết bằng tiếng Việt có các tính chất xác định, cụ thể là:
Từ vựng học. Sử dụng số lượng lớn các từ và thuật ngữ chuyên ngành dưới dạng từ thuần Việt hoặc vay mượn. Từ loại thường được lựa chọn rất cẩn thận để đạt nghĩa chính xác tối đa. Chiếm vị trí đáng kể là kết từ và các từ đảm bảo mối liên kết lôgích giữa các thành phần lời nói riêng biệt (trạng từ).
Ngữ pháp. Chỉ sử dụng các chuẩn ngữ pháp đã được xác định chắc chắn trong văn viết. Khác với tác phẩm văn học với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các nhân vật, văn bản khoa học và công nghệ có xu hướng mô tả và giải thích hiện tượng xác định một cách chính xác nhất. Vì vậy, trong văn bản khoa học và công nghệ phần lớn sử dụng các câu phức chủ động và bị động, trong đó chiếm ưu thế là danh từ, tính từ, các dạng bị động và vô nhân xưng của động từ.
Phương thức trình bày văn bản. Nhiệm vụ chính của văn bản khoa học và công nghệ là đưa được lượng thông tin nhất định đến tận người đọc một cách thật rõ ràng và chính xác. Điều này đạt được bằng cách soạn thảo văn bản có cơ sở lôgích trên thực tế, không sử dụng các từ, các thành ngữ và cấu trúc ngữ pháp mang tính biểu cảm. Phương thức tạo lập văn bản như vậy có thể gọi là phương thức trình bày lôgích.
Các đặc điểm nêu trên thường thuộc về các khoa học tự nhiên và chính xác (cũng như các lĩnh vực ứng dụng của chúng) như toán học, thiên văn học, vật lý, hóa học, địa chất, luyện kim, sinh vật học, thực vật học, động vật học, trắc địa học, khí tượng học, cổ sinh vật học, y học, điện tử học, kỹ thuật điện, kỹ thuật vệ sinh, hàng không, nông học, lâm học, hầm mỏ, quốc phòng, xây dựng, giao thông và công nghiệp hóa học, công nghệ cơ khí.
Theo R.V.Iupelta, các khoa học như kinh tế học, xã hội học, lịch sử và pháp lý không thuộc về lĩnh vực này do tính chất đặc thù của các khoa học này gần với các bộ môn khác. Đôi khi ở các giới hạn phân loại này chúng ta gặp những tác phẩm được viết ở trình độ cao về văn học (công trình của nhà sinh vật học người Anh Tr.Tomson, nhà hóa học người Pháp A.Muanxan, nhà địa chất người Nga A.E.Phecxman). Thông thường, khi chứng minh một luận điểm bất kỳ, khi minh họa một ý nghĩ nào hoặc khi tranh luận với các phản biện khoa học của mình, cách thể hiện của tác giả có thể gần với cả cách thể hiện của nhà hùng biện, của bài báo hoặc gần với ngôn ngữ một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy đều không điển hình.
Phong cách ngôn ngữ văn bản khoa học và công nghệ có một vài cấp bậc. Các văn bản khoa học khác nhau không chỉ bởi lĩnh vực khoa học mà văn bản đề cập tới, mà còn bởi mức độ chuyên môn hóa của chúng. Các đặc trưng nêu trên hoàn toàn có liên quan đến các tài liệu tham khảo và các bài báo, tóm tắt và sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong văn bản của các sách chỉ dẫn về kỹ thuật, danh mục, bảng biểu, báo cáo kỹ thuật, bản liệt kê và hướng dẫn đôi khi có thể có những câu không có vị ngữ (khi tính các số liệu về kỹ thuật và v.v.) hoặc chủ ngữ (nếu theo văn bản cụ thể). Trong các sách chỉ dẫn về kỹ thuật thường gặp nhiều đoạn văn bản chỉ là liệt kê con số. Bảng biểu, bảng liệt kê, báo cáo kỹ thuật và danh mục thường được lập theo khuôn mẫu cứng và bằng các thuật ngữ chuyên ngành. Khuôn mẫu về từ vựng – ngữ pháp cũng tồn tại trong văn bản về chứng nhận.