Phim giờ vàng ‘Thông gia ngõ hẹp’ ngày càng luẩn quẩn
Phim truyền hình “Thông gia ngõ hẹp” khai thác chủ đề gần gũi, dễ xem. Tuy nhiên, việc lạm dụng các mảng miếng hài cũ khiến phim chưa có chất lượng thuyết phục.
Tác phẩm do Trịnh Lê Phong đạo diễn xoay quanh bộ đôi oan gia thời đi học vô tình gặp lại nhau và trở thành thông gia. Phim có NSND Trọng Trinh và NSƯT Chí Trung thủ vai chính, bên cạnh nhiều diễn viên tên tuổi như Tuyết Liên, NSƯT Linh Huệ, Trọng Lân, Việt Hoa,…
Phim nhận lời khen vì cách chọn đề tài gần gũi, song cũng chịu ý kiến trái chiều do kịch bản không mới, nhiều tình tiết bị làm quá để tạo cao trào. Trong sự chuyển mình mạnh mẽ của phim truyền hình suốt những năm gần đây, tác phẩm chưa thuyết phục được về chất lượng.
“Oan gia” vốn là chủ đề gây cười chưa bao giờ cũ
Phim xoay quanh chuyện tình tréo ngoe của Phan (Trọng Lân) và Linh (Việt Hoa). Họ yêu nhau lâu năm, đến khi quyết định để hai bên gia đình gặp mặt thì hai ông thông gia mới ngỡ ngàng nhận ra nhau là kẻ thù từ thời trẻ.
Ông Khôi (NSND Trọng Trinh) – bố Linh và ông Phúc (NSƯT Chí Trung) – bố Phan vốn ghét nhau, dẫn đến hàng loạt tình tiết khôi hài và sóng gió cho đôi trẻ.
Nội dung chính xoay quanh hai người đàn ông dù ở tuổi trung niên nhưng chưa chịu “tha” nhau.
Trên fanpage của phim, nhiều người hâm mộ cho rằng chi tiết này được khai thác để gây cười duyên dáng, là cầu nối để hai ông thông gia thêm thân thiết hơn, từ đó phát triển sâu tính cách nhân vật. Hai ông thông gia “trái dấu” từ cá tính đến cách hành xử, điểm chung là xem đối phương đối thủ truyền kiếp, mang đến nhiều tiếng cười cho người xem.
Ông Khôi bị ông Phúc xem như kẻ thù chỉ vì lỡ uống cốc nước cam mà bạn gái làm riêng cho ông Phúc. Sau đó, việc ông Phúc trả thù bằng cách đổ nước lên mặt ông Khôi cũng trở thành hành động không thể tha thứ. Từ bạn thành thù, hai người đàn ông tuổi trung niên thề không đội trời chung nhiều thập kỷ.
Nhân vật ông Phúc là người đàn ông thiếu quyết đoán. Ông không tự giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình, cũng không bảo vệ được vợ trước người mẹ hà khắc. Bên cạnh đó, bố của Phan còn có những câu thoại vô duyên gây tranh cãi: “Núi lở, đường có đâu. Đời không như mơ ông ạ. Trân trọng mời ông ở lại húp cháo cả tuần” – lời thoại kém duyên của ông Phúc khi nói về sự cố núi lở.
Ông Khôi tuy đã ở tuổi trung niên nhưng lại khá bốc đồng, trẻ con. Ông hay làm vợ giận bởi những lần vô ý vô tứ của mình. Như trong tập 10, ông nói vợ: “Đàn bà tóc dài, óc ngắn” – chỉ vì bà khuyên ông thôi đừng gây sự với ông Phúc.
Các câu thoại giữa hai người đàn ông như trẻ con có lúc đặt đúng ngữ cảnh và mang đến tiếng cười giòn tan. Phong cách tiếu lâm dù không mới, song an toàn. Đáng tiếc, dường như nhà làm phim sa đà vào lối gây hài tạp kỹ, với lối giễu cợt lặp đi lặp lại nhiều tập phim, dần tạo cảm giác nhàm chán.
Điều này vô tình khiến các tuyến nhân vật khác không có cơ hội phát triển. Phan và Linh vốn dĩ là tuyến chính, cần được chú trọng xây dựng hình tượng rõ nét hơn. Nhưng khi lên phim, những phân cảnh của hai nhân vật thiếu cuốn hút và dường như chỉ xuất hiện… cho có. Thời lượng lên hình của hai diễn viên trẻ bị “lép vế”, kế hoạch kết hôn dậm chân tại chỗ và tình cảm của Linh – Phan cũng không có nhiều biến chuyển kể từ sau khi về nước.
Đôi trẻ bị xây dựng mờ nhạt.
Diễn viên gạo cội Tuyết Liên trong vai cụ Thập là điểm nhấn của bộ phim. Diễn xuất chỉn chu của nữ nghệ sĩ khắc họa tốt hình tượng một bà mẹ chồng ghê gớm, khó tính, luôn tìm cách chia rẽ vợ chồng con trai. Đôi lúc, Tuyết Liên có sự sành điệu và đáng yêu, tạo chiều sâu cần thiết cho nhân vật.
Cách tạo tình huống chưa đủ hấp dẫn
Những tình huống rắc rối, sự cố trớ trêu cứ xảy ra liên tục và vụn vặt: Hết núi lở, xe chở gia đình ông Khôi hỏng giữa đường, ngay sau đó ông lại bị dị ứng… Đạo diễn cố gắng cài cắm hàng loạt những tình huống trớ trêu để gây hài, song tạo phản ứng ngược bởi không chi tiết nào được làm cho tới mà chỉ có cảm giác nhồi nhét, thừa thãi.
Hai ông thông gia giấu nhẹm chuyện mình từng là bạn học nhưng lại luôn cạnh khóe, khẩu chiến không ngừng trước mặt mọi người là tình huống không cần thiết và vô lý.
Mối quan hệ trong gia đình ông Phúc phức tạp một cách gượng gạo. Ông Phúc và vợ có với nhau hai người con nhưng bà Nhật vẫn phải sống như vợ lẽ và không được bước chân vào nhà vì mối quan hệ với mẹ chồng là cụ Thập.
Khi gia đình thông gia đến thăm, ông Phúc muốn đón vợ về nên đã sắp xếp cho mẹ đi du lịch. Tuy nhiên trong tập 3, cụ Thập lại bất ngờ trở về khiến bà Nhật phải “trốn chui trốn lủi” trong chính ngôi nhà của chồng con để không giáp mặt mẹ chồng. Tình tiết cụ Thập liên tục đòi tra xét phòng con trai khiến bà Nhật phải trốn trong tủ quần áo lặp đi lặp lại trong 6 tập phim gây nhàm chán.
Những mâu thuẫn không đầu không cuối bị trùng lặp, mang đến cảm giác khó chịu cho người xem.
Phim lên sóng truyền hình gần đây đều tập trung khai thác những câu chuyện xoay quanh vấn đề gia đình, tình cảm quen thuộc. Để làm mới một nội dung như vậy vẫn luôn là thử thách không nhỏ cho chính những đạo diễn và nhà sản xuất, dù họ kỳ cựu hay mới vào nghề.
Dù có mở đầu hấp dẫn, Thông gia ngõ hẹp ngày càng giảm sức hút với khán giả bởi diễn biến luẩn quẩn, không có bứt phá. Giá như phim tập trung khai thác nhiều hơn về tâm lý các nhân vật và bớt lạm dụng hài lố thì tác phẩm sẽ có chiều sâu hơn.