Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Dòng chảy từ các cơ quan nghiên cứu đến doanh nghiệp
Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là nội dung quan trọng để KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo sự bứt phá về hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, phát triển các chủ thể trong thị trường KH&CN có ý nghĩa quan trọng kích thích cung cầu, thúc đẩy mua bán, chuyển giao hàng hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đến khảo sát thực tế hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ
Định hình thị trường, phát triển cung cầu
Đối với thành phố Đà Nẵng, thị trường KH&CN được định hình và từng bước phát triển, với sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố thông qua các cơ chế chính sách và sự phát triển của các chủ thể trong thị trường. Trước tiên là hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN. Trong 10 năm qua, thông qua các chính sách đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thu và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Để tiếp tục phát triển, Sở KH&CN đang giao Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển thị trường KH&CN thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” để triển khai thực hiện trong thời gian đến.
Tiếp theo, thành phố phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp. Đây là chủ thể chính tạo ra nguồn cung hàng hóa KH&CN, với 12 trường đại học, 68 tổ chức KH&CN và nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN Trung ương cùng 20 doanh nghiệp KH&CN và đông đảo lực lượng nghiên cứu có trình độ cao đến từ các viện, trường trên địa bàn thành phố. Đây là ưu thế, tiềm năng lớn trong công tác nghiên cứu phát triển, là nguồn cung chính cho thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố. Kết quả, trong giai đoạn 2012-2022, thành phố tổ chức triển khai 260 nhiệm vụ KH&CN các cấp (7 đề tài cấp quốc gia, 9 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 134 đề tài cấp thành phố và 110 đề tài cấp cơ sở) theo các chương trình KH&CN trọng điểm, tập trung vào những vấn đề chung mang tính liên ngành và ưu tiên phát triển của thành phố và các nhiệm vụ có địa chỉ ứng dụng cụ thể, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và tăng cường năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả, theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, từ 2016 đến nay, đã hỗ trợ 74 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng; bảo hộ tài sản trí tuệ trong quá trình hội nhập và nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Riêng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: ươm tạo được 147 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập khoảng 57 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các năm 2020-2022, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 22 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vườn ươm với tổng kinh phí là 3,9 tỷ đồng.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm
Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu trong thị trường KH&CN, cung cấp các dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ….
Hiện tại, thành phố có 68 tổ chức KH&CN hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, dịch vụ KH&CN, môi giới, tư vấn, hỗ trợ về KH&CN. Về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã phát triển các tổ chức trung gian để hỗ trợ, kết nối. Sở KH&CN cũng đã phát triển Sàn giao dịch công nghệ – thiết bị giúp gắn kết người mua, người bán công nghệ – thiết bị, giới thiệu và quảng bá sản phẩm công nghệ – thiết bị; Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ thông tin của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, kết nối mạng lưới khởi nghiệp… Như vậy về cơ bản, các tổ chức trung gian trên địa bàn thành phố đã được hình thành và phát triển tuy nhiên còn thiếu vắng tổ chức mạnh có uy tín, có vai trò đầu tàu trong hệ thống.
Nhìn chung, thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố đang từng bước hình thành và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN.
Giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ; việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN trong các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế; sự gắn kết, lưu thông các kết quả nghiên cứu từ các viện, trường, tổ chức KH&CN sang khu vực doanh nghiệp tuy đã có nhưng còn rất khiêm tốn. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện; tuy nhiên, hình thức giao dịch mua bán công nghệ qua mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư vẫn còn chiếm đa số.
Để hình thành và phát triển thị trường KH&CN tại thành phố, cần một số giải pháp như hoàn thiện quy định về chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đánh giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo ra nhu cầu về công nghệ. Tiếp đến, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Có biện pháp để doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường. Hỗ trợ tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN có chức năng tư vấn chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức trung gian trong các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, khơi thông dòng chảy công nghệ từ khu vực nghiên cứu tại các viện, trường đến khu vực ứng dụng tại các doanh nghiệp.
TS. LÊ ĐỨC VIÊN