Pháp ưu đãi bác sĩ tốt nghiệp ngoài Liên Âu để giảm căng thẳng chăm sóc y tế – Tạp chí xã hội

Pháp nổi tiếng về chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và chế độ bảo hiểm y tế nằm trong nhóm các nước đầu thế giới. Nhưng nghịch lý là ngay tại Pháp, tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc y tế ngày càng trầm trọng từ 10 năm nay. Gần 10% người dân hiện sống trong những khu vực không có hoặc thiếu bác sĩ.

Quảng cáo

Đội ngũ bác sĩ đa khoa ở những đô thị lớn bị quá tải, trong khi mức giá khám bệnh không tăng từ nhiều năm nay. Họ buộc phải lên tiếng thông qua phong trào đình công trong tháng 12/2022 và được tiếp tục trong tháng 01/2023.

Nước nổi tiếng về ngành y không có đủ bác sĩ chăm sóc người dân

Theo cơ quan Y tế Công của Pháp, khoảng 9.000 xã với khoảng 6 triệu dân không có bác sĩ đa khoa (1). Và vì thiếu bác sĩ, hàng năm có khoảng 1,6 triệu người Pháp từ bỏ chăm sóc y tế (2). Tại sao tình hình lại căng thẳng đến như vậy ? Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thu, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Bichat-Claude Bernard, quận 18 Paris, giải thích với RFI Tiếng Việt :

« Tình trạng thiếu bác sĩ ở Pháp thực ra có từ lâu lắm, cả 10 năm nay, rồi càng ngày càng nhiều hơn là vì các bác sĩ nghỉ hưu chưa có người thế. Thêm vào đó, dân số càng ngày càng đông hơn, nên tình trạng thiếu bác sĩ ngày càng trầm trọng hơn. Ngành thiếu nhất là cấp cứu người lớn, bác sĩ nhi, bác sĩ gây mê và bác sĩ gia đình cũng thiếu ».

Một yếu tố khác, được ông Antoine Tesnière, giám đốc PariSanté Campus, giải thích  trong chương trình Big Bang Santé của báo Le Figaro ngày 08/12/2022, « là nhu cầu chăm sóc y tế bùng nổ vì tuổi thọ kéo dài cùng với sự phát triển các bệnh mãn tính ». Việc thiếu bác sĩ để bổ sung cho xu hướng này khiến « khó khăn ngày càng tăng và ở khắp nơi ». Tuy nhiên, tình trạng trầm trọng hơn ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa. Một mặt, « số bác sĩ ở nông thôn tận tâm với nghề, gắn bó với ngôi làng của họ, ngày càng ít đi », theo bà Agnès Firmin-Le Bodo, quốc vụ khanh đặc trách Tổ chức lãnh thổ và các Ngành nghề y tế. Mặt khác do đội ngũ bác sĩ trẻ lại không muốn lập nghiệp ở những vùng hẻo lánh này.

Nhìn chung, Pháp đang cần khẩn cấp từ 6.000 đến 8.000 bác sĩ đa khoa và cũng cần rất nhiều bác sĩ chuyên khoa, y tá và dược sĩ. Do đó, trong tháng 01/2023, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin và bộ trưởng Lao Động Olivier Dussopt trình hội đồng bộ trưởng dự án cấp thẻ cư trú « Tài năng – các nghề Y-Dược » để tạo điều kiện cho khoảng 5.000 y, bác sĩ tốt nghiệp ngoài Liên Hiệp Châu Âu (PADHUE) đang làm việc trong các bệnh viện công của Pháp nhưng trong điều kiện bấp bênh. Thực vậy, từ gần hai năm nay, hơn 2.000 người trong số này vẫn chờ Trung tâm Quản lý Quốc gia (Centre National de Gestion) xét duyệt hồ sơ của họ sau những trì hoãn, chậm chễ vì đại dịch Covid-19, trong khi đây lại là một trong những tài liệu quan trọng hàng đầu để sở cảnh sát gia hạn thẻ cư trú. Bác sĩ Minh Thu giải thích :

« Từ xưa đến giờ, thẻ cư trú cho bác sĩ hay những ngành nghề khác, là luật chung của Pháp, mỗi năm cũng phải gia hạn một lần. Hiện giờ thiếu bác sĩ, người ta bắt đầu ưu tiên cho những người có bằng bác sĩ để họ được ở lại dễ dàng, để mọi thủ tục hành chính được nhẹ nhàng hơn giúp họ có thời gian làm việc, có thêm thời gian học hành và thi lại ».

Pháp cấp hai loại thẻ cư trú « Tài năng » cho bác sĩ nước ngoài

Hai loại thẻ cư trú mới được dự kiến dành riêng cho giới y bác sĩ tốt nghiệp ở ngoài Liên Hiệp Châu Âu nằm trong khuôn khổ dự thảo luật nhập cư « để kiểm soát tốt hơn tình trạng nhập cư và cải thiện quá trình hội nhập » dự kiến đưa ra thảo luận trong tháng 01/2023.

Loại thẻ thứ nhất có thời hạn tối đa là 13 tháng dành cho bác sĩ ngước ngoài có công việc có thời hạn một năm hoặc hơn một năm trong một cơ sở công hoặc cơ sở tư nhân phi lợi nhuận. Loại thứ hai có thời hạn tối đa 4 năm, dành cho bác sĩ đã thi đỗ Kỳ sát hạch kiến thức cơ bản (Epreuve de vérification des connaissances, EVC), được coi là bước đầu tiên cho quá trình cấp phép hành nghề tại Pháp. Đây là một trong hai cách, cần cả một quãng đường dài đến 10 năm, để được phép hành nghề tại Pháp, theo giải thích của bác sĩ Minh Thu, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Bichat-Claude Bernard :

« Người ta cấp thẻ cư trú không có nghĩa là cho hành nghề tại Pháp vì một bác sĩ tốt nghiệp ngoài châu Âu muốn hành nghề thì cách thứ nhất là thi lại kỳ thi tương đương (kỳ thi EVC, không phân biệt quốc tịch). Mỗi năm, người ta đều tổ chức tùy theo các chuyên ngành thiếu hoặc số lượng cũng sẽ khác nhau theo mỗi năm. Sau đó, người đậu kỳ thi đó sẽ phải đi làm ở một bệnh viện, gọi là hệ thống Viện trường hoặc là hệ thống bệnh viện có nội trú có tính chất đào tạo. Vào thời điểm tôi qua Pháp cách đây 14 năm, lúc thi lại kỳ thi đó, thời hạn thi xong để được hành nghề là phải làm 3 năm ở Bệnh viện – Viện trường hoặc ở mấy bộ phận đánh giá cho nội trú, rồi mới đăng ký chứng chỉ hành nghề. Còn bây giờ, với tình trạng thiếu bác sĩ, hình như là người ta bắt đầu rút ngắn lại khoảng thời gian đó còn có 2 năm.

Cách thứ hai là một bác sĩ tốt nghiệp ngoài Liên Hiệp Châu Âu muốn hành nghề ở Pháp có thể đăng ký thi lại năm thứ nhất của trường Y ở gần nhà họ nhất. Thi lại năm thứ nhất của trường Y có nghĩa là thi lại với sinh viên, giống như bên Việt Nam, thi lớp 12 xong thì đăng ký thi trường Y. Sau đó, nếu đậu thì đi học tiếp, rồi thi kỳ thi nội trú. Bằng cấp sau đó là bằng Nhà nước, khác với bằng tương đương. Bằng tương đương là bác sĩ nước ngoài được công nhận hành nghề ở Pháp với bằng tốt nghiệp ở nước ngoài ».

Thiệt thòi của những bác sĩ tốt nghiệp ngoài EU

Tuy nhiên, các hiệp hội bác sĩ tốt nghiệp ngoài Liên Hiệp Châu Âu cho rằng thời hạn hai loại thẻ cư trú 13 tháng và tối đa là 4 năm vẫn chưa đủ, vì Pháp chú trọng đến tính liên tục trong chăm sóc y tế, đồng thời cần đội ngũ bác sĩ này để giảm bớt căng thẳng ở những khu vực và chuyên khoa thiếu bác sĩ, kể cả ở Paris nơi thiếu bác sĩ tâm thần. Không có giấy phép hành nghề, các bác sĩ nước ngoài chỉ có thể làm việc theo quy chế « trợ lý tập sự », với mức lương không cao, có những người chỉ được trả từ 1.200 đến 1.400 euro/tháng. Bác sĩ Minh Thu giải thích :

« Bây giờ, nhiều khi ở những vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ nghiêm trọng, tôi thấy có nhiều trường hợp ký hợp đồng có thời hạn dưới hình thức « trợ lý tập sự » (stagiaire associé) cho các bác sĩ ở lại làm trong bệnh viện công vì chỉ ở bệnh viện công mới chấp nhật quy chế đó. Họ làm với tư cách là « bác sĩ tập sự » (docteur junior), bác sĩ nội trú ở đó. Cứ 6 tháng, hợp đồng được gia hạn lại một lần. Sau đó, thường họ phải thi lại một trong hai kỳ thi đó ».

Thời hạn hợp đồng ngắn đồng nghĩa với việc cứ 6 tháng họ lại phải gia hạn thẻ cư trú và luôn trong tình trạng thấp thỏm. Theo nhiều hiệp hội bác sĩ nước ngoài, việc tạo hai loại thẻ cư trú mới này chưa thỏa đáng, chỉ đáp ứng phần nào vấn đề ùn tắc hành chính. Lo ngại thực sự là các kỳ thi sát hạch kiến thức. Vào lúc dịch Covid-19 bùng phát, kỳ thi sát hạch EVC 2020 đã bị hoãn sang năm 2021. Năm 2022 không có kỳ thi nào được tổ chức càng khiến tình hình thêm trì trệ, trong khi năm 2023 chưa có lịch cụ thể. Đối với tất cả các bác sĩ, thi đỗ kỳ thi EVC là bước đầu cho quá trình xét duyệt cấp giấy hành nghề sau khi hoàn tất hai năm làm việc tại một bệnh viện công, như bác sĩ Minh Thu đề cập ở trên.

« Phải có chứng chỉ hành nghề mới được. Khi đã có chứng chỉ hành nghề, có nghĩa là một bác sĩ đã được đăng ký ở Y sĩ đoàn ở Pháp và có số hành nghề, thì họ có thể hành nghề bất kỳ chỗ nào nếu họ xin được việc. Thường xin vào mấy bệnh viện lớn quá thì sẽ không có chỗ vì cũng có cạnh tranh. Chuyện đó cũng dễ hiểu ! Một chuyên khoa không thiếu nhân viên, như tim mạch chẳng hạn, họ không thiếu, thì cạnh tranh sẽ nhiều hơn so với những chuyên khoa khác.

Nhưng khi bác sĩ đã có số hành nghề, có nghĩa là được công nhận hành nghề ở Pháp, thì bác sĩ đó có thể mở phòng mạch, có thể xin làm ở bệnh viện công, có thể đi các tỉnh, thậm chí họ có thể đi qua các nước công nhận bằng của Pháp, ví dụ họ có thể đi qua Thụy Sĩ ở những vùng nói tiếng Pháp ».

Theo bác sĩ Slim Bramli, chuyên khoa tiêu hóa và bệnh gan, chủ tịch Liên đoàn Học viên Y tế, « hàng năm, ngành Y cần thêm 13.000 người để bù cho số bác sĩ nghỉ hưu » trong khi sinh viên ngành Y tại Pháp chỉ tốt nghiệp sau 10 năm học tập. Thêm vào đó, họ cũng kịch liệt phản đối ý định từng được chính phủ đề xuất là điều bác sĩ vừa tốt nghiệp đến làm việc ở những vùng hẻo lánh một vài năm. Tương tự, giải pháp bắt buộc bác sĩ nội trú đa khoa đến làm việc ở vùng thiếu bác sĩ trong năm thứ 4 cũng bị Viện Hàn lâm Y tế bác bỏ, đồng thời yêu cầu « tôn trọng tự do lập nghiệp và lựa chọn quá trình hành nghề của các bác sĩ trẻ ».

Do đó, dù có thêm hơn 2.000 bác sĩ nước ngoài đang chờ xét kỳ thi trình độ trong năm 2023 thì cũng không giải quyết được ngay trình trạng thiếu hụt. Một số biện pháp trước mắt đang được nhân rộng như khám bệnh trực tuyến, nhiều địa phương ký hợp đồng lương cao, đãi ngộ hậu hĩnh với bác sĩ. Phong trào đình công hiện nay của các bác sĩ đa khoa hành nghề tự do cũng nhằm mục đích yêu cầu tăng tiền khám bệnh lên thành 50 euro.

Một nghiên cứu được Drees – Cơ quan thống kê trực thuộc các bộ dịch tễ, xã hội – công bố năm 2021, cho rằng hàng năm, phải tăng 20% số sinh viên ngành y để bù phần thiếu hụt ngày càng gia tăng. Năm 2022 đã không đạt được chỉ tiêu này, chỉ tăng thêm 13% khả năng tiếp nhận. Theo báo Le Figaro, tình trạng thiếu bác sĩ còn trầm trọng cho đến năm 2024. Sau đó, phải chờ đến năm 2033, Pháp mới tái lập được mật độ chăm sóc sức khỏe trên cả nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế