Phản xạ nói tiếng Anh của sinh viên Ngôn ngữ Anh – Thực trạng và giải pháp
Phản xạ nói tiếng Anh của sinh viên Ngôn ngữ Anh – Thực trạng và giải pháp
Với mục đích tìm hiểu thực trạng phản xạ nói Tiếng Anh của sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ đó phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc phản xạ nói, đưa ra những cách thức, giải pháp tương ứng với thực trạng để giúp sinh viên phát triển phản xạ nói tiếng Anh của bản thân, nhóm sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đã xây dựng thành công đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển phản xạ nói Tiếng Anh của sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”.
Nhóm nghiên cứu gồm 05 thành viên: Nguyễn Thành Trung, Lý Như Phương, Phạm Mạnh Cường, Ngụy Thị Hòa và Vũ Đăng Hoàng Hưng, dưới sự hướng dẫn của ThS. Bùi Thị Thu Giang – Giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ – Du lịch.
Nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của ThS. Bùi Thị Thu Giang
Phản xạ nói tiếng Anh
Theo Học viện nghiên cứu và đào tạo đánh vần tiếng Anh (2014), “Phản xạ trong khi nói tiếng Anh bạn có thể hiểu đơn giản là việc người nghe có một hành động đáp lại một tác nhân kích thích một cách nhanh chóng, hành động này được thể hiện bằng lời nói đến người nói (Nói ra câu, ý mình muốn diễn đạt để phản hồi lại một tác nhân kích thích nào đó)”. Có thể nói, phản xạ nói tiếng Anh là hành động đáp lại một tác nhân kích thích một cách nhanh chóng, hành động này được thể hiện bằng lời nói, và có thể được xem như phản xạ có điều kiện. Yếu tố kích thích có thể là một câu hỏi tiếng Anh mà ai đó hỏi người khác và họ cần trả lời câu hỏi đó. Hành động mà mọi người phản ứng với kích thích là họ bộc lộ lời nói một cách nhanh chóng để đáp lại những kích thích đó.
Phản xạ nói tiếng Anh có liên hệ chặt chẽ với khả năng tư duy tiếng Anh. Cụ thể, khả năng tư duy tiếng Anh là việc diễn đạt ý bằng ngôn ngữ tiếng Anh, quá trình này diễn ra trong suy nghĩ của người nói. Như vậy, tư duy tiếng Anh tốt sẽ dẫn đến việc phản xạ tốt trong khi nói tiếng Anh, chính điều đó sẽ mang lại vô vàn những lợi ích khác nhau đối với những người học tiếng Anh nói chung và sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng.
Phản xạ nói tiếng Anh là một phần quan trọng của kỹ năng nói tiếng Anh. Theo Bygate (1987), kỹ năng nói là một trong những kỹ năng mang tính phản xạ, giúp người học sử dụng được ngoại ngữ để bày tỏ ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc với người đối diện, người nghe. Từ đó, có thể khẳng định rằng, chính kỹ năng nói giúp ngôn ngữ tiếng Anh thực hiện được chức năng giao tiếp của chính mình. Hơn thế nữa, kỹ năng nói cũng góp phần củng cố thêm mức độ phản xạ của người học, giúp tăng cường tốc độ, và rèn luyện thêm sự tư duy.
Thực trạng về phản xạ nói tiếng Anh của sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh
Thông qua kết quả khảo sát có thể thấy hầu hết sinh viên đều có cơ hội tham gia phản xạ trong các giờ học, tuy nhiên việc chuẩn bị bài trước khi tham gia phản xạ của sinh viên chưa thực sự thường xuyên, sinh viên có xu hướng tư duy bằng tiếng Việt trước khi tham gia phản xạ bằng tiếng Anh, đồng thời cũng sử dụng tiếng Việt nhiều trong khi phản xạ. Sinh viên có tích cực tham gia tương tác với các bạn cùng lớp, nhưng độ chủ động chưa cao và chưa tự tin khi phản xạ. Sinh viên thể hiện phản xạ nhanh hơn khi hiểu yêu cầu hoặc câu hỏi trong bài, nhưng khi rơi vào tình huống bị động đòi hỏi phản xạ nhanh và tức thì thì còn thấp.
Kết quả quan sát đã chỉ ra được thực trạng phản xạ nói tiếng Anh vẫn còn tồn tại rất nhiều khiếm khuyết như: mức độ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) vẫn còn tồn tại khá nhiều. Mặc dù cơ hội phản xạ được tạo ra trong các giờ học, sinh viên chưa biết tận dụng cơ hội để phản xạ, đồng thời mức độ chủ động và mức độ tự tin khi tham gia phản xạ còn thấp, độ chính xác về phát âm, ngữ pháp, cũng như độ trôi chảy khi phản xạ nói tiếng Anh chưa được đánh giá ở mức độ tốt, kéo theo tốc độ phản xạ của sinh viên cũng bị trì hoãn rất nhiều. Thêm vào đó, mức độ nghe hiểu câu hỏi của sinh viên chỉ dừng lại ở mức trung bình khá, một phần dựa vào năng lực của sinh viên, với các sinh viên năng lực tốt kỹ năng nghe hiểu sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc phản xạ nói tiếng Anh của sinh viên.
Kết quả khảo sát, quan sát và phỏng vấn cho thấy thực trạng phản xạ nói tiếng Anh của sinh viên còn chậm, mặc dù nhìn chung sinh viên nghe hiểu được câu hỏi/yêu cầu/ nhiệm vụ nhưng vẫn cần nhiều thời gian để phản hồi, nhất là khi cần sản sinh ngôn ngữ như trong kỹ năng nói. Cơ hội phản xạ chưa được sinh viên tận dụng một cách tối đa trong các môn học để rèn luyện phản xạ. sinh viên có xu hướng coi trọng việc rèn luyện phản xạ và tương tác nhiều hơn trong kỹ năng nói hơn các kỹ năng nghe, đọc, viết; chưa chủ động và tự tin khi tham gia phản xạ, còn sử dụng tiếng Việt nhiều trong quá trình tương tác với bạn cùng lớp, đặc biệt khi không có giáo viên giám sát. Những sinh viên thể hiện tốc độ phản xạ nhanh và chủ động là những sinh viên có năng lực ngôn ngữ khá, giỏi, trong khi độ chính xác và trôi chảy trong việc sử dụng ngôn ngữ nhìn chung chưa thể hiện ở mức cao trong toàn khóa.
Đề xuất những giải pháp phát triển phản xạ nói tiếng Anh
Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên còn gặp nhiều khó khăn về kiến thức tiếng Anh như thiếu từ vựng, còn mắc lỗi sai ngữ pháp, phát âm, chưa tự tin khi phản xạ, đồng thời thời lượng dành cho chuẩn bị và thực hành nói ngoài giờ học còn hạn chế. Do đó sinh viên có thể chủ động thực hành, nâng cao năng lực ngôn ngữ và phản xạ nói thông qua sự trợ giúp của những nền tảng hữu ích của mạng Internet ngoài việc học trên lớp để tăng cơ hội sử dụng tiếng Anh. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số nền tảng số như:
+ Cambly English Tutors Online (https://www.cambly.com/english?lang=vi): Cambly là nền tảng cho phép chúng ta kết nối trực tiếp với các gia sư bản xứ trên khắp thế giới, thông qua cuộc gọi trực tuyến, đa phần các gia sư là người Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Canada, Ireland,…đã được Cambly sàng lọc có chất lượng (hơn 10.000 gia sư đang sống và làm việc khắp nơi trên thế giới, có cả ở Việt Nam). Nền tảng này giúp sinh viên dần dần giải quyết vấn đề tư duy bằng tiếng Việt, giúp sinh viên chủ động hơn khi tham gia phản xạ nói cũng như cải thiện kỹ năng nghe vì nền tảng yêu cầu sinh viên phải vận dụng tiếng Anh một cách triệt để ở mọi phương diện.
+ Speaking9 (https://speaking9.com/) : Với website này, các câu hỏi sẽ được đưa ra, sinh viên có 5 giây để trả lời cho mỗi câu hỏi. Sau khi trả lời xong, sinh viên có thể tự mình nghe lại để nhận biết lỗi sai và đưa ra hướng khắc phục. Nền tảng này, được thiết kế bao gồm 3 phần nằm trong bài thi chứng chỉ IELTS kỹ năng nói (IELTS Speaking Test). Từ đó, sinh viên có thể cải thiện tốc độ phản xạ, bổ sung kiến thức nền về ngôn ngữ và xã hội, đặc biệt là tâm lý sợ sai, vì sinh viên có thể luyện tập một mình với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence).
Ngoài những nền tảng trên, nhóm nghiên cứu đề xuất Phương pháp lặp gián đoạn (Spaced Repetition) – của Hermann Ebbinghaus, phương pháp được coi là giải pháp tối ưu cho những sinh viên gặp vấn đề trong quá trình ghi nhớ và thu thập kiến thức, đặc biệt là từ vựng. Phương pháp này được miêu tả là mỗi ngày sinh viên sẽ đặt ra cho mình một, một vài mục tiêu cụ thể hướng tới từ vựng, sau đó học một số từ nhất định nhưng không nên quá nhiều. Trong thời gian bắt đầu thực hiện phương pháp này, sinh viên có thể học một đến hai từ và sau khoảng một đến hai tiếng sinh viên nhắc lại từ vựng ấy và học thêm một đến hai từ nữa. Cứ tiếp tục như vậy, sinh viên không những học từ mới và tiếp tục nhắc lại những từ cũ. Tuy rằng, thời gian đầu sinh viên sẽ cảm thấy khó để kiểm soát thời gian, khó để kiểm soát khối kiến thức lớn tích lũy trong thời gian dài và nhàm chán. Nhưng sau quãng thời gian đó vốn từ vựng của sinh viên sẽ được nâng cao một cách rõ rệt.
Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên phản xạ chậm là do thiếu kiến thức nền, kiến thức xã hội từ đó ý tưởng nói bị giới hạn. Để khắc phục tình trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất sinh viên đọc các bài báo, tin tức trên các website chính thống như: : BBC News (https://www.bbc.co.uk/news), CNN Student News (https://edition.cnn.com/studentnews/), Vnnews (https://vietnamnews.vn/), Vox (https://www.vox.com/), Wonderopolis (https://wonderopolis.org/), Conserve Energy Future (https://www.conserve-energy-future.com/)… hoặc xem video trong các chương trình như Ted Talks, VoiceTube, Goalcast, In the now, Allure, Entrepreneur Mindset, v.v. Những website, chương trình tiếng Anh này cung cấp một lượng lớn thông tin các kiến thức nền và kiến thức xã hội cho sinh viên, giúp giải quyết vấn đề thiếu ý tưởng trong quá trình phản xạ nói.
Để tăng mức độ thường xuyên và hiệu quả cho việc chuẩn bị bài và thực hành ngoài giờ học của sinh viên, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng EOP – English for Occupational Purposes (https://eop.edu.vn/) như một nền tảng hỗ trợ kiểm soát thời lượng và chất lượng của việc chuẩn bị bài và thực hành ngoài giờ học của sinh viên. Nội dung chuẩn bị bài trước khi lên lớp và sau khi lên lớp nên được đăng tải trên hệ thống EOP thay vì sử dụng nền tảng Microsoft Teams như hiện tại. Hệ thống này giúp giáo viên quản lý chặt chẽ hơn quá trình học tập của sinh viên, tạo cho sinh viên ý thức chủ động hơn trong học tập.
Để giảm thiểu việc tư duy bằng tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt và tâm lý sợ sai, trong quá trình phỏng vấn, giáo viên đề xuất giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên và sinh viên, cụ thể là tạo môi trường dân chủ trong và ngoài lớp học. Nếu giáo viên biết chấp nhận câu trả lời sai thay vì phủ nhận câu trả lời của sinh viên thì sinh viên sẽ có động lực tiếp tục phát biểu. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng quy tắc 5N trong các lớp học, đặc biệt là với các lớp kỹ năng tiếng cho sinh viên năm thứ 2, bao gồm: “No Vietnamese, No delay, No silence, No fear ‘of mistakes’, No pain no gain”
+ No Vietnamese: Không sử dụng tiếng Việt trong lớp học
+ No delay: Không trì hoãn, cố gắng đưa ra phản hồi nhanh nhất có thể
+ No silence: Không im lặng khi tham gia hoạt động có yêu cầu sự tương tác
+ No fear ‘of mistakes’: Không sợ mắc lỗi khi tham gia tương tác
+ No pain no gain: sinh viên phải ý thức được là cần chủ động tham gia vào các hoạt động tăng cơ hội thực hành, sử dụng ngôn ngữ, tạo thành thói quan phản xạ nhanh và hiệu quả.
Qua kết quả quan sát có thể thấy phản xạ nói của sinh viên bị ảnh hưởng một phần bởi đặc thù môn học. Sinh viên có xu hướng phản xạ tích cực hơn trong kỹ năng nói và ít chú trọng luyện phản xạ nói tiếng Anh trong các kỹ năng nghe, đọc, viết từ đó dẫn đến sinh viên mất đi sự chủ động và cơ hội thực hành phản xạ. Đối với vấn đề này, nhóm nghiên cứu đề xuất giáo viên dạy các kỹ năng nghe, đọc và viết nên tăng cường đặt câu hỏi, gợi ý và mời sinh viên trả lời; cân nhắc triển khai các hoạt động như hoạt động kiểm tra đáp án, đưa ra ý tưởng dưới dạng trò chơi hoặc thi đua để tăng tốc độ phản xạ nói cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần có những hoạt động nói phối hợp với các hoạt động nghe, đọc trong phần trước khi nghe, đọc (pre-listening, pre-reading) và phần sau khi nghe, đọc (post-listening, post-reading) để sinh viên có cơ hội phản hồi (reflect) về những kiến thức trong bài nghe hoặc bài đọc, áp dụng các kỹ thuật tương tác như bắt cặp-chia sẻ (Think-Pair-Share), thảo luận (discussion), hoạt động nói ngẫu hứng (Impromptu).
Tại Hội nghị tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển phản xạ nói Tiếng Anh của sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” của nhóm đã được trao giải Nhì. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực của cả thầy và trò trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài.
-
Thứ Ba, 10:43 26/07/2022