Phân Tích Dòng Tiền – Nguyên Tắc Lưu Chuyển Tiền Tệ
Phân tích dòng tiền góc nhìn tài chính với thực chất là với mục đích tìm ra khả năng, xu hướng cân đối dòng tiền cho nhu cầu của từng hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu dòng tiền của từng hoạt động. Từ đó giúp chủ doanh nghiệp nhận thức được dòng tiền dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thanh toán, trong hoàn trả lãi, trong hoàn trả vốn huy động.
Dòng tiền chính là “Dòng Máu Nóng Của Doanh Nghiệp”.
Hoạt động kinh doanh vốn được ví như là trái tim của một cơ thể, còn dòng tiền chính là dòng máu nóng của cơ thể đó. Để xem xét một doanh nghiệp có “khỏe” hay không? Trước hết phải xem xét dòng máu nóng của doanh nghiệp có vận hành tốt không? Cũng giống như đang xem tình trạng sức khỏe của một con người.
Hơn 80% các doanh nghiệp SME gặp vấn đề về dòng tiền chảy liên tục trong doanh nghiệp, như: thiếu tiền nhập hàng, trả lương trễ cho nhân ciên, kế toán báo cáo chậm ảnh hưởng kế hoạch tài chính, trả chậm nhà cung cấp, hết tiền chạy marketing…
Trên thực tế, có rất nhiều cách thức và phương pháp để phân tích dòng tiền. Tuy nhiên, TACA chỉ đưa ra các nguyên lý về dòng tiền để bạn đọc hiểu rõ về bản chất việc phân tích dòng tiền như sau:
PHÂN TÍCH DÒNG TIỀN – “HÃY CHÚ TRỌNG VÀO TIỀN MẶT”
Vì, “Lợi nhuận là phù du, tiền mặt là có thật”
Dòng tiền khác với lợi nhuận. Việc sử dụng báo cáo lưu chuyển tiền tệ là chìa khóa để hiểu tiền mặt, là huyết mạch của doanh nghiệp sẽ được quản lý hiệu quả như thế nào. Nhưng, trên thực tế trong bộ Báo cáo tài chính thì Báo cáo lưu chuyển tiền thường rất ít được quan tâm và sử dụng. Điều này được chứng mình qua hầu hết các Doanh nghiệp SME, nhân sự kế toán đa phần là không biết lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ chứ chưa nói đến là biết đọc và phân tích. Từ hệ lụy đó có thể suy ra rằng do nhu cầu thông tin của người lãnh đạo doanh nghiệp về dòng tiền chưa có, hoặc là do không biết có một loại báo cáo này đang tồn tại.
Mà chỉ biết rõ nhất là khi tiền mặt ngừng lưu thông thì doanh nghiệp đó không còn tồn tại nữa. Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện lợi nhuận được tạo ra trong kỳ kế toán nhưng lợi nhuận không phải là tiền mặt, mà điều quan trọng là phải biết được lượng tiền mặt thực tế thu vào và chi ra là bao nhiêu.
Ví dụ, khi đánh giá một dự án đầu tư thì một trong những key quan trọng nhất của phân tích dòng tiền là đánh giá được lượng tiền mặt thu về ở tương lai so với thời điểm hiện tại là bao nhiêu, khi đánh giá được rồi thì phải có những phương án gì để kiểm soát. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ sử dụng tiền mặt làm phương tiện khách quan để có thể kiểm tra được tính chính xác hiệu quả số dư tiền mặt.
Xem thêm:
Nguyên tắc sử dụng báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Ngày nay, nhìn chung báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường theo một dạng chuẩn dễ hiểu, dễ đọc mang lại nhiều lợi ích hơn. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được phân định thành các phần có ý nghĩa, cung cấp thông tin rõ ràng về việc luân chuyển tiền mặt trong các hoạt động chính của doanh nghiệp. Các hoạt động này bao gồm: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Để hiểu được báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần phải biết được những gì được xem là TIỀN MẶT. Tiền mặt là các khoản tiền mà doanh nghiệp có trong tay hoặc nhận ngay trong ngày, có nghĩa là tiền thu được ngay hay các khoản đặt cọc ngắn hạn.
Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
1. Hoạt động kinh doanh:
Dòng tiền hoạt động là dòng tiền thu vào, chi ra trong kỳ hiện tại. Chi tiền để mua hàng tồn kho, chi tiền để thanh toán lương cho nhân viên, thu tiền từ bán hàng hóa, thanh lý tài sản…là những ví dụ cho dòng tiền hoạt động.
Dòng tổng cộng thứ nhất trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nó thể hiện số tiền có được từ hoạt động kinh doanh. Tiền tự do từ hoạt động kinh doanh được dùng để trả cho chủ sở hữu và chủ nợ. Vậy lấy tiền từ đâu mà trả ?
Dòng tiền được tạo ra từ doanh thu dịch vụ/sản phẩm, muốn tạo ra doanh thu thì phải bao gồm những thành tố cơ bản:
– Khấu hao tài sản: dòng tiền khấu hao giữ lại vì ban đầu đã đầu tư vào tài sản. Khấu hao tài sản cố định là một khoản phi tài chính (thực chất nó ko phải là tiền mặt). Dòng tiền khấu hao là khoản hoàn lại vốn đầu tư vào 1 tài sản sau khoảng thời gian nhất định nào đó thì khoản đầu tư này sẽ được hoàn lại. Từ đó khấu hao tăng lên qua các kỳ nghĩa là dòng vốn hoàn lại từ đầu tư ban đầu đang được thu về.
– Hàng tồn kho: dòng tiền phải trả cho nhà cung cấp
– Lương: dòng tiền phải trả cho người lao động
– Lãi vay: dòng tiền phải trả cho người cho vay
– Thuế thu nhập doanh nghiệp: dòng tiền phải trả cho Nhà nước
– Lợi nhuận sau thuế: dòng tiền giữ lại
—> Vậy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được giữ lại thể hiện trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm: Khấu hao tài sản và lợi nhuận sau thuế. Tiếp theo vốn lưu động hoặc tài sản lưu động từ bảng cân đối kế toán của năm trước và năm nay sẽ điều chỉnh bằng các khoản tăng/giảm về hàng tồn kho, các khoản phải thu, các khoản phải trả giữa hai kỳ. Nếu hàng tồn kho nhiều hơn năm trước, có nghĩ là phải chi tiền mặt ra. Nếu các khoản phải thu nhiều hơn năm trước, có nghĩa là khách hàng đang chiếm dụng vốn và vì thế doanh nghiệp sẽ ít tiền mặt hơn. Nếu các khoản phải trả nhà cung cấp nhiều hơn, có nghĩa là doanh nghiệp tạm thời đang chiếm dụng vốn và giữ nhiều tiền mặt hơn.
2. Hoạt động đầu tư:
Sau khi dòng tiền hoạt động kinh doanh đã được ghi nhận, chi phí vốn đầu tư sẽ được đưa tiếp vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Chi phí vốn đầu tư là những chi phí tạo ra lợi nhuận trong nhiều kỳ. Ví dụ, chi phí liên quan đến việc xây dựng và mua sắm, lắp đặt trang thiết bị cho một nhà xưởng sản xuất là chi phí vốn đầu tư vì nó tạo ra doanh thu trong nhiều năm. Để tính toán dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng căn cứ từ bảng cân đối kế toán giữ hai kỳ để xác định chênh lệch tăng/giảm của việc mua thêm tài sản, thanh lý tài sản.
3. Hoạt động tài chính:
Có hai nguồn tài chính là vay nợ và vốn chủ. Những khoản vay hay vốn góp là các nguồn tiền mặt, các khoản vay phải trả hay vốn cổ phiếu phải mua lại làm giảm lượng tiền mặt. Để tính toán sự biến động của dòng tiền tài chính cũng căn cứ vào bảng cân đối kế toán để xác định khoản chênh lệch tăng/giảm giữa hai kỳ kế toán.
Sự biến động về tiền mặt được thể hiện qua các khoản chênh lệch từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính. Các khoản chênh lệch này phải khớp với khoản chênh lệch giữa số tiền mặt năm nay và năm trước trên bảng cân đối kế toán.
Tất cả những hoạt động trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ đều liên quan đến hai báo cáo tài chính còn lại là Kết quả kinh doanh và Cân đối kế toán. Thể hiện mối quan hệ qua lại với nhau mật thiết giữa 3 báo cáo này. Nhưng để phân tích đơn giản hơn ta có thể chỉ cần một bảng cân đối kế toán thôi cũng đã thể hiện được dòng tiền lưu thông trong hiện tại. Vậy sự đơn giản đó sẽ được làm như thế nào ?
Phân tích bảng cân đối kế toán:
Được cấu thành từ 2 phần là TÀI SẢN và NGUỒN VỐN.
Tài sản gồm những yếu tố chỉ tiêu nào ?
Nguồn vốn gồm những yếu tố chỉ tiêu nào ?
Hai nội dung này các bạn làm kế toán đều rõ, chỉ có chủ doanh nghiệp là hơi gặp khó khăn chút.
1. Tài sản tăng khi nào?
Hàng tồn kho tăng
Các khoản phải thu tăng
Các khoản đầu tư tài sản mới tăng
Các khoản khấu hao tăng (dòng vốn hoàn lại từ đầu tư ban đầu đang được thu về).
Các khoản khác thuộc tài sản tăng
—> Vậy, khi hàng tồn kho tăng so với kỳ trước, có nghĩa là phải chi dòng tiền ra để mua hàng về. Dẫn đến dòng tiền mặt giảm.
2. Tài sản giảm khi nào?
Khi các chỉ tiêu trên giảm so với kỳ trước
—> Vậy, khi các khoản phải thu giảm so với kỳ trước, có nghĩa là dòng tiền thu về bán hàng nhiều hơn. Dẫn đến dòng tiền mặt tăng.
3. Nguồn vốn tăng khi nào?
Các khoản nợ vay ngắn hạn, dàn hạn tăng
Các khoản phải trả cho nhà cung chưa thanh toán
Các khoản thuế phải nộp chưa nộp
Các khoản lương chưa thanh toán
Các khoản khác thuộc nguồn vốn tăng
—> Vậy, khi các khoản phải trả cho nhà cung cấp tăng so với kỳ trước, có nghĩa là dòng tiền chưa phải chi ra để thanh toán. Dẫn đến dòng tiền tăng.
4. Nguồn vốn giảm khi nào?
Khi các chỉ tiêu trên giảm so với kỳ trước
—> Vậy, Khi các khoản vay ngắn hạn ngân hàng giảm so với kỳ trước, có nghĩa là dòng tiền đã chi ra để trả nợ. Dẫn đến dòng tiền giảm.
Quy luật dòng tiền lưu thông
Từ các phân tích trên ta có,
Quy luật 1: Tài sản tăng và nguồn vốn giảm, suy ra dòng tiền giảm (dòng tiền ra)
Quy luật 2: Tài sản giảm và nguồn vốn tăng, suy ra dòng tiền tăng (dòng tiền vào).
Việc kiểm soát tiền mặt là nhiệm vụ tài chính quan trọng hàng đầu của công việc quản lý. Các giám đốc cần hiểu rằng, lượng tiền mặt đến từ đâu và nó được chi tiêu như thế nào, bởi vì điều này có thể tạo ra sự khác biệt về thành công và khó khăn về tài chính.
Kiểm soát dòng tiền
Dù biết mà khó quản lý, chính là việc lên kế hoạch thu – chi chuẩn xác. Việc này đòi hỏi có một kế toán quản trị có thể đưa ra các ước tính cho doanh nghiệp. Có người giám đốc có thể điều chỉnh và quản lý thu chi đúng – đủ để doanh nghiệp không bị hụt hơi. Tránh gặp vấn đề thu – chi quá đà, nhất là khi các ước tính kinh doanh chưa chuẩn xác mà chưa có kế hoạch backup tài chính rõ ràng.
1. Có nhân viên hoặc kế toán giỏi đòi nợ
Hầu hết nhân viên thích bán hàng mà ngại đòi nợ. Để nợ xấu, nợ dài hạn. Bán được hàng mà tệ hơn cả không bán hàng. Vì thế, KPI của sales phải gắn liền với thu tiền.
2. Có nhân viên kế toán thanh toán khó và kỹ tính, đủ chứng từ mới duyệt, biết co kéo với nhà cung cấp
Ngọt ngào mà sắc sảo.
Quy trình thanh toán kỹ lưỡng sẽ hạn chế việc thanh toán quá sớm cho nhà cung cấp.
Các sếp tổng học cách thương lượng và trả lời các câu hỏi đòi nợ. Đôi khi gặp những câu nói khó nghe mà cứ phải mặt dạn mày nhíu. Khi công ty lớn sẽ ưu tiên các nhà cung cấp hỗ trợ khi công ty còn nghèo.
3. Làm kế hoạch thu – chi ngắn hạn và trung hạn
Bắt đầu từ báo cáo thu chi hàng ngày
– Báo cáo thu chi tuần
– Dự báo thu chi tháng
– Tăng lên dự báo quý
– Rồi dự báo thu chi năm…
Cách đi này hơi chậm nhưng đủ để người làm kế hoạch thu – chi cảm nhận được các hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ.
Nhưng, bạn đừng đi ôm các form biểu hoành tráng từ các giảng viên hay các công ty lớn. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản. Khi bạn bắt đầu kiểm soát, thì ngay lập tức có cách và phương tiện.
Lưu ý: Bài viết phân tích dòng tiền chú trọng các yếu tố liên quan đến DÒNG TIỀN và việc Phân tích sức khoẻ tài chính trong doanh nghiệp nên có một số nguyên tắc sẽ trái ngược với kế toán.
Vũ Xuân Hải
Bài viết tham khảo: