Phân loại rác thải sinh hoạt cần thực hiện từ hộ gia đình.
Do vậy, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Theo đại diện phòng Quản lý đô thị – UBND thị xã, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn phát sinh mỗi ngày khoảng 60 tấn; Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi Bãi rác Núi Voi đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác phân loại rác thải sinh hoạt đã bước đầu được hình thành trong các khu dân cư, đặc biệt là các xã đã và đang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tại thị xã Bỉm Sơn, nếu việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cả về môi trường lẫn kinh tế, giúp việc thu gom rác thải thuận tiện; các loại rác thải hữu cơ được xử lý thành phân bón cho cây trồng thay thế phân hóa học, lượng chất thải rắn còn lại phải chôn lấp, xử lý rất ít, hoặc được sản xuất thành hạt nhựa hay có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng, tiết kiệm được diện tích chứa rác tại bãi rác Núi Voi, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác gây ra.
Theo hướng dẫn cách phân loại và và áp dụng biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân bón vi sinh của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, thì chất thải rắn là chất thải ở thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt hằng ngày của cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được gọi chung là chất thải rắn sinh hoạt hay còn gọi là rác thải sinh hoạt. Để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, mỗi hộ dân cần chuẩn bị 4 thùng riêng biệt, trong đó:
Thùng 1: Chứa chất thải rắn dễ phân hủy, là chất hữu cơ có nguồn gốc từ việc nấu ăn, thức ăn thừa và thải ra trong sinh hoạt hàng ngày của người dân (bã chè, cà phê, lá cây, gỗ mục). Chất thải này được sử dụng làm phân bón vi sinh, phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi. Rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Để xử lý chất thải rắn hữu cơ, đối với các hộ gia đình có nhiều đất vườn, rác hữu cơ dễ phân hủy được tận dụng làm phân bón vi sinh tại gia đình bằng hố rác di động. Hố rác di động là hố nhỏ được đào để hằng ngày người dân đổ phần rác hữu cơ dễ phân hủy xuống, dùng nắp đậy che kín mặt hố, sau một thời gian rác sẽ hoai mục thành phân dùng để bón cho cây trồng hoặc cải tạo đất rất tốt.
Thùng 2: Chứa chất thải rắn khó phân hủy, là những thành phần rác vô cơ và chất rắn trơ (túi ni lon, cành cây, bùn đất, hộp xốp…). Chất thải này đưa về khu xử lý đốt hoặc chôn lấp;
Thùng 3: Chứa chất thải rắn có thể tái chế (chai nhựa, chai thủy tinh, bìa các tông, vỏ đồ hộp kim loại). Chất thải này bán cho cơ sở thu mua phế liệu.
Thùng 4: Chứa chất thải rắn nguy hại (pin, acquy, bóng đèn huỳnh quang, vỏ bình xịt, vỏ bình gas mini, vỏ hộp sơn, linh kiện điện tử). Theo khuyến cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với loại chất thải này, UBND các phường, xã cần bố trí các thùng chứa để thu gom đồng thời tuyên truyền để các hộ gia đình phân loại, lưu giữ tại hộ gia đình và đưa đến điểm thu gom của xã, phường để UBND xã, phường hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại.
Một trong những khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải hiện nay là nhiều người dân cho rằng thu gom rác là công việc của công nhân công ty vệ sinh môi trường mà chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. Cùng với đó, mỗi người dân cần thay đổi thói quen bỏ tất cả các loại rác thải vào chung một thùng rác. Môi trường sống thay đổi từ chính ý thức, việc làm của mỗi người dân, hộ gia đình.
Nguyễn Tới