Phân hiệu Đại học nội vụ tại Tp. Hồ Chí Minh
Tác giả: ThS. Đặng Thanh Tuấn
– Giảng viên Khoa Pháp luật hành chính
Tự định hướng học tập là một phương pháp dạy học hữu hiệu theo quan điểm hướng vào người học, tạo cho sinh viên những phẩm chất như tích cực, chủ động, tư duy, độc lập, tự tin và có định hướng mục tiêu. Hoạt động này cũng đòi hỏi ở giảng viên năng lực chuyên môn, có nhân cách, năng lực tổ chức, quản lý để có thể hướng dẫn sinh viên học tập đạt mục tiêu giáo dục trong môi trường thay đổi không ngừng.
1. Giới thiệu:
Trong thời gian vừa qua, khái niệm về Cách mạng công nghiệp 4.0 dần từng bước hình thành và định hình, thế giới đang bắt đầu bước vào một cuộc cách mạng hoàn toàn mới hứa hẹn một cuộc đổi mới cho tất cả các ngành nghề, tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống kinh tế – xã hội và đây cũng chính là cơ hội và thách thức cho ngành giáo dục nói chung và phương pháp giảng dạy đại học nói riêng, đòi hỏi phải điều chỉnh nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có thể hòa nhập và đáp ứng năng lực theo tiêu chuẩn mới.
Việc đổi mới phương pháp dạy học cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục. Trong thực tiễn cần xuất phát từ những hoàn cảnh cụ thể để có thể xác định và từ đó áp dụng những biện pháp và vận dụng phương pháp thích hợp. Đổi mới phương pháp dạy và học là việc cải tiến những hình thức và cách thức làm việc kém hiệu quả của người dạy và người học, sử dụng những hình thức và cách thức hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tích cực tự lực và sáng tạo từ đó phát huy năng lực của người học.
Việc giảng dạy theo phương pháp truyền thống là lấy giảng viên làm trung tâm, thuyết giảng kiến thức qua các bài giảng dựa vào các giáo trình có sẵn nhằm đảm bảo cho giảng viên dựa trên khuôn mẫu đã chọn lọc nội dung giảng dạy. Vì vậy, làm cho sinh viên có ít cơ hội tham gia quá trình học dẫn đến việc sinh viên thụ động, nhàm chán hạn chế khả năng học và tập trung, khơi gợi tính sáng tạo và vận động trí tuệ tư duy, cũng như việc trao đổi tương tác lẫn nhau.
Xác định là chủ thể của quá trình học tập, sinh viên luôn có xu hướng lựa chọn phương pháp và cách thức học phù hợp với nhu cầu cá nhân để đạt được mục tiêu học tập tốt nhất gắn với điều kiện cá nhân. Từ đó, việc nghiên cứu và phát triển phương pháp dạy học phù hợp với nhu cầu sinh viên là cần thiết và chính đáng. Trong đó, việc học tập tự định hướng được xem là một trong những bước tiếp cận phù hợp, xu hướng của nhiều trường đại học đã đang và sẽ thực hiện trong đào tạo đại học hiện nay.
2. Sự cần thiết của phương pháp học tập tự định hướng:
Học tập tự định hướng không phải là điều hoàn toàn mới mẻ, xa lạ đối với giáo dục đại học, có lịch sử hình thành 160 năm qua và xây dựng cơ sở lý thuyết khoảng 60 năm trở lại đây. Thuật ngữ “Tự định hướng học tập” hay “Học tập tự định hướng” (tiếng Anh:self-direct learning) được dùng để phân biệt vớihọc tập theo sự định hướng của giảng viên (tiếng Anh: teacher directlearning) là một hình thức dạy học hay một phương pháp dạy học trong đó người học tự xác định mục tiêu học tập để vạch ra kế hoạch học tập, nghiên cứu.
Phương pháp này được xem như bắt đầu hình thành từ nửa sau của thế kỷ XX. Malcolm Shepherd Knowles (1913 – 1997, Giám đốc Hiệp hội Giáo dục cho Người trưởng thành ở Mỹ, người có tác động lớn đến nền giáo dục Mỹ nửa sau thế kỷ XX) Knowles đã xuất bản tác phẩm Học tập tự định hướng (1975) được cho là đã đề xướng và đặt nền móng Lý thuyết về học tập của người lớn với hàm ý ban đầu để đối lập với thuật ngữ “Sư phạm” – tức là dạy cho con trẻ. Theo ông, các chương trình cần tập trung hơn vào tiến trình, sự tương tác và thẩm thấu trực tiếp hơn là vào phát triển nội dung. Những phương pháp giảng dạy tương tác và tích cực hơn sẽ được sử dụng nhiều hơn: Khảo sát tình huống, nhập vai, trò chơi, giả lập hay tự đánh giá. Các phương pháp này được thiết kế cơ bản dựa trên các vấn đề thực tiễn, cách thức giải quyết chúng sử dụng nội dung của môn học. thông qua trải nghiệm thực tế, người học tự xây dựng các tri thức cho chính mình, tự đo lấy thành quả, bản thân người học tự chịu trách nhiệm về việc học của chính mình. Ông cho rằng việc học của người lớn (hay nói cách khác la chương trình đào tạo cho người trưởng thành) cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
Hiện nay, lý thuyết của Knowles là những phương pháp kế thừa đã góp phần gia tăng hiệu quả của các khóa học chính quy trong các đại học trên thế giới.
Học tập tự định hướng là một quá trình mà các cá nhân chủ động, có hoặc không có sự giúp đỡ của người khác, trong việc chuẩn đoán nhu cầu học tập của học, xây dựng mục tiêu học tập, xác định nguồn nhân lực và vật chất để học tập, thực hiện các chiến lược học tập phù hợp và đánh giá kết quả học tập. Phương thức đào tạo thay đổi theo hướng lấy việc học (thay vì việc dạy) làm trọng tâm, cá nhân hóa quá trình học tập, đa dạng hóa phương thức học tập với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trãi nghiệm với môi trường và thiết bị ảo.
Việc đổi mới căn bản công tác dạy và học là yêu cầu cấp thiết. Những thay đổi mà chúng ta có thể thực hiện được ngay đó là phương pháp giảng dạy. Cần chuyển từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang việc hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học; chuyển từ số lượng bài giảng sang chất lượng bài giảng, phát huy tính sáng tạo, khơi gợi tiềm năng cá nhân, xây dựng được khả năng tự học, tự trau dồi kiến thức và kỹ năng thực hành. Ở đây, giảng viên không chỉ là người dẫn dắt sinh viên trong việc tiếp cận kiến thức, tiếp thu và còn là người truyền cảm hứng, xây dựng phương pháp tự học. Để làm được điều đó, người thầy phải là tấm gương trong việc đào tạo, vừa có “tâm” và có “tầm” mang tính thuyết phục người học khi tiếp cận môn học, có tính đam mê trong công việc, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, thực sự giảng dạy bằng tinh thần nhiệt huyết và cả trái tim mình.
Trãi qua quá trình rèn luyện ở môi trường đại học nhằm tạo ra những con người có chuyên môn, kỹ năng và tri thức để sống, tồn tại, có nhân cách và làm việc hiệu quả, từ đó thể hiện được năng lực bản thân, phát triển và đóng góp cho xã hội. Sinh viên ra trường phải có khả năng thích ứng và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, khi mà môi trường và xã hội không ngừng biến đổi. Kiến thức sinh viên thu lượm từ quá trình học tập ở giảng đường và thư viện sẽ nhanh chóng lạc hậu.
Do đó, việc tạo ra cho sinh viên phương pháp tự định hướng bản thân, tự xây dựng phương pháp học tập là vô cùng cần thiết và quan trọng.
3. Nội dung học tập tự định hướng – xu hướng chung hiện nay:
Ở trường đại học, dù hiện đại đến đâu cũng không thể trang bị đủ kiến thức, kỹ năng (hay năng lực) cho người học hành nghề trong suốt cuộc đời trong thực tiễn nghề nghiệp luôn biến đổi, vì thế một trong những mục tiêu của giáo dục (nhất là giáo dục đại học) là phải phát triển được năng lực tự học của sinh viên.
Bản chất của học tập ở đại học là mang tính nghiên cứu, được thực hiện chủ yếu qua tự học; đặc biệt, học tập theo học chế tín chỉ đặt ra yêu cầu rất cao đối với người học. Trong học chế tín chỉ (với quy định 1 giờ học tín chỉ trên lớp, cần 2 giờ tự học) đòi hỏi sinh viên phải làm chủ được thời gian, trong đó thời gian cho tự học là chủ yếu. Tự học, tự nghiên cứu để tích lũy kiến thức, rèn luyện các kỹ năng học tập, kỹ năng thí nghiệm, kỹ năng thực hành nghề nghiệp lànhững yêu cầu quan trọng và hết sức cần thiết đối với sinh viên.
Phương châm cốt lõi trong phát triển năng lực tự học là: hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động trong học sinh, sinh viên; khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc dạy học đại học là dạy cách học cho sinh viên, trang bị phương pháp và kỹ năng cơ bản để tăng cường khả năng tự học, học tập suốt đời. Nhờ vào phương pháp tự học, tự nghiên cứu, sinh viên sau khi ra trường sẽ có đủ khả năng để tự làm giàu vốn tri thức của mình, phục vụ tốt hơn cho hoạt động thực tiễn.
Quá trình học tập tự định hướng diễn ra qua các giai đoạn cơ bản như sau:
– Tự đánh giá: tự đánh giá kỹ năng kiến thức, giá trị của người học (xác định đầu vào). Quá trình tự đánh giá yêu cầu người học phải chấp nhận những điểm mạnh và điểm yếu của họ một cách trung thực.
– Thiết lập mục tiêu: xem xét nguyện vọng và thiết lập mục tiêu hay mục đích phấn đấu. Thiết lập mục tiêu cũng đồng thời thiết lập các tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập. Đây là giai đoạn quan trọng trong học tập tự định hướng.
– Lập kế hoạch học tập: người học vạch ra kế hoạch học tập để đạt những mục tiêu gần và mục tiêu xa. Kế hoạch học tập cũng bao gồm những yếu tố như phương pháp thực hiện, hình thức thực hiện, thời gian thực hiện, nguồn tài liệu và công cụ học tập, v.v…
– Thực hiện: thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Giai đoạn này yêu cầu người học phải chịu trách nhiệm tự giác thực hiện theo kế hoạch đã đề ra nhằm phát triển bản thân.
– Đánh giá kết quả: tự đánh giá những thành quả đạt được và so sánh với giá trị ban đầu (đánh giá đầu ra).
4. Áp dụng phương pháp học tập tự định hướng vào công tác giảng dạy tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong thời gian đầu năm 2020, khi cả thế giới đối mặt tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, mọi hoạt động lao động và sinh hoạt hằng ngày đều bị đảo lộn. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài, nhằm ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng tránh dịch bệnh nhưng việc học không thể dừng lại nhiều trường đại học chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Ban Giám hiệu Trường Đại học Nội vụ và lãnh đạo Phân hiệu đồng ý chủ trương cho phép tổ chức đào tạo học trực tuyến, giảng viên và sinh viên làm việc trên môi trường mạng.
Qua quá trình giảng dạy và học tập trực tuyến của sinh viên chứng minh xu thế tất yếu của giảng dạy đại học hiện nay là vận dụng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin vào giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy hướng người học theo phương pháp mới, hướng đến đối tượng lắng nghe bài giảng trong môi trường mạng điều mà không giống như thực hiện trực tiếp trên giảng đường trước đây, thầy cô phải tích cực nghiên cứu và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; đối với sinh viên tích cực học tập trên kiến thức giảng viên truyền đạt theo phương pháp học tập tự định hướng, tự giác nghiên cứu bài vở trước khi bước vào buổi học.
Đề xuất áp dụng một số giải pháp nhằm phát triển năng lực tự học của sinh viên trong dạy học Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh. Ở đây, một số biện pháp được đề xuất ở góc độ giảng dạy các học phần, cụ thể như sau:
Một là, trong quá trình học tập tự định hướng, người học và giảng viên sẽ cùng thảo luận với nhau để đưa ra quyết định nên học cái gì và có kế hoạch hoạt động như thế nào cho phù hợp với mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài. Mục đích của giảng viên là đáp ứng nhu cầu của người học hơn là dạy một khối lượng kiến thức và kỹ năng có được. Phương pháp này rất thích hợp để phát triển các kỹ năng học tập của con người như: viết bài luận, kỹ năng làm việc sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm…
Hai là, năng lực tự học của sinh viên đã được hình thành và phát triển trong quá trình học tập ở bậc học phổ thông; cần được tiếp tục phát triển ở bậc đại học để đảm bảo phương châm “học suốt đời”, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp sau này.
Ba là, hướng dẫn sinh viên cách học chủ động: nghe chủ động, tìm kiếm thông tin, tài liệu; ghi chép bài chủ động; nghiên cứu tài liệu học có suy tư, trải nghiệm và liên hệ; cách ghi nhớ nội dung học tập theo vấn đề, logic (dùng sơ đồ tư duy hay bản đồ khái niệm).
Bốn là, xem xét điều kiện phát triển năng lực tự học của sinh viên cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực tự học của sinh viên. Trong đó, các yếu tố chủ quan có thể ảnh hưởng nhiều hơn các yếu tố khách quan. Trong số các yếu tố chủ quan, hứng thú học tập và hứng thú nghề nghiệp là yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất. Cần tạo động lực cho các em sinh viên đam mê thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu …
Năm là, đa dạng hóa các hình thức đánh giá: Thực hiện đánh giá quá trình (qua quan sát và phân tích kết quả/sản phẩm của sinh viên trong các giờ thảo luận) và phản hồi liên tục trong suốt quá trình dạy và học (thông qua hộp thư điện tử, zalo, viber…); quy định tỷ trọng đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc (theo đặc điểm học phần); đánh giá qua bài tập thu hoạch vận dụng tổng hợp, khuyến khích sinh viên tự đề xuất các đề tài/vấn đề nghiên cứu gắn với định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên lớp luật khóa 2018 tham gia Phiên tòa giả định
do Câu lạc bộ Pháp luật tổ chức
5. Kết luận:
Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định mục tiêu: Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời (đối với giáo dục phổ thông); bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học (đối với giáo dục đại học). Đồng thời, Điều 40 của Luật Giáo dục 2005 ghi rõ: “Phương pháp đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.” Cho thấy rằng Đảng và nhà nước ra rất chú trọng công tác giáo dục đào tạo nói chung và đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng, trong đó phương pháp học tập tự định hướng có vai trò quan trọng.
Phương pháp học tập tự định hướng đòi hỏi người học phải năng động, tự giác trong việc học tập của mình, đồng thời phương pháp này cũng đòi hỏi ở giảng viên năng lực chuyên môn cao để có thể giảng dạy theo nhu cầu của người học. Giảng viên cũng phải là người có năng lực tổ chức, quản lý khi việc học tập của sinh viên diễn ra theo nhiều hướng khác nhau trong cùng một lớp học.
Như vậy, phương pháp học tập tự định hướng nâng cao vai trò chủ động của người học nhưng không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của giảng viên. Người thầy phải thể hiện vai trò chủ đạo trong quá trình dạy học khi giúp người học xác định hướng học tập, mục tiêu học tập nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học. Tất cả các hoạt động dạy học dù theo phương pháp tự định hướng của người học cũng phải đáp ứng mục tiêu của môn học và mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Tài liệu tham khảo:
[1] Quốc hội khóa XIII (2012), Luật Giáo dục đại học.
[2] Chính phủ (2005), Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[4] Trần Khánh Đức (chủ biên, 2017), “Năng lực học tập và đánh giá năng lực học tập”, Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội.
[5] TS. Nguyễn Văn Khôi (2018), “Phát triển năng lực tự học của sinh viên trong dạy học ở đại học”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[6] Hoàng Giang Quỳnh Anh tổng hợp, Tạp chí Dạy và Học (số 1, 7/2018), “Người lớn cần học như thế nào?”.
[7] Lê Thị Hiếu Thảo, “Đổi mới tư duy nhận thức về kỹ năng mềm trong sinh viên thời đại công nghiệp 4.0”, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu.