Phận ‘cò’ đất

Cứ nói về nghề môi giới bất động sản, người ta lại nghĩ ngay đến những người nhiều tiền, đi ôtô, điện thoại xịn, làm một mùa ăn cả năm…

Thời gian qua, tôi thấy nhiều người khi nói về nghề môi giới bất động sản thường nghĩ ngay: nhiều tiền, đi xe hơi, điện thoại xịn, comple đẹp, những status hút mắt, rao giảng triết lý, tự ý nâng giá kiếm lời, làm một mùa ăn cả năm… Hôm nay, tranh thủ một ít thời gian, tôi xin viết vài dòng để mọi người hiểu và có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề môi giới nói chung và môi giới bất động sản (mà người ta hay gọi là “cò” đất) nói riêng.

Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh quy trình hoạt động của nghề môi giới: khách hàng (có nhu cầu mua) – nhân viên môi giới – sàn giao dịch – chủ nhà, chủ đầu tư (có thể bỏ qua một vài bước). Từ quy trình trên, có thể thấy:

Thứ nhất, nếu bán từ chủ đầu tư và sàn không độc quyền thì chẳng người môi giới nào có quyền nâng giá. Nếu sàn độc quyền phải ký quỹ và hợp đồng với chủ đầu tư (không đạt mất quỹ) thì họ có quyền nâng giá vì coi như đặt cọc mua trước, nhưng nhân viên môi giới cũng không được nâng giá vì phải cạnh tranh với các nhân viên khác trong sàn và nếu làm vậy thì sàn sẽ loạn.

Thứ hai, nếu bán từ chủ nhà cá nhân thì môi giới cá nhân hoặc sàn có thể nâng giá, nhưng phải thỏa thuận trước với chủ nhà và chia phần tăng giá. Chuyện môi giới bất động sản tự ý nâng giá bán và lấy 100% phần chênh là rất hiếm, trừ khi chủ nhà cần gấp và thỏa thuận trước.

Thế nên, các bạn nói môi giới bất động sản tự ý nâng giá là chuyện phi thực tế. Chuyện đó chỉ xảy ra khi họ bán cho cá nhân và phải thỏa thuận ăn chia trước, vì các chủ nhà thường gửi cho rất nhiều sàn và cá nhân môi giới. Bản thân khách hàng cũng đâu chỉ hỏi giá một nơi, thế nên mới xảy ra những trường hợp sốt ảo, môi giới mới có khả năng nâng giá.

Chung quy vẫn là vì khách mua ham lợi. Đương nhiên tôi hoàn toàn không ủng hộ loại môi giới, mua bán kiểu này, chúng nên bị dẹp bỏ.

>> Làn sóng buôn đất làm giàu

Thực ra, giới môi giới cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Đầu tiên bạn phải tìm khách hàng, muốn vậy bạn phải bỏ ra chi phí đầu tư mới có khách (quảng cáo, Facebook, đăng tin, tờ rơi, gọi điện…). Đôi khi mỗi ngày phải tiêu tốn một hai triệu đồng cũng là chuyện bình thường. Không những vậy, việc cạnh tranh sản phẩm khi đã tìm được khách mua cũng rất tàn khốc.

Mỗi một sản phẩm bán ra phải kèm chi phí quảng cáo và giới thiệu. Những chi phí ấy đường nhiên do sàn và môi giới phải tự bỏ ra. Chưa kể còn tiêu tốn rất nhiều công sức, thế nên những gì họ nhận được cũng là xứng đáng.

Chuyện khách hàng bị lừa, mua phải bất động sản hớ này nọ thì tôi xin không bàn ở đây vì đó là những cá nhân làm ăn không chân chính.

Có người nói rằng các nhà đầu tư, môi giới “chủ yếu đầu cơ kiếm lời chứ không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, không tham gia vào chuỗi sản xuất hay tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động khác, có lãi bỏ túi riêng”. Xin trả lời rằng, nghề môi giới dù không trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm, nhưng nó lại giúp tiêu thụ cả nghìn sản phẩm. Nói cách khác, đây là công đoạn tìm khách, quảng cáo, chăm sóc, bán hàng của một sản phẩm bất kỳ để bán được ra thị trường, đến được tay người sử dụng.

Nói tóm lại, nghề môi giới cũng chỉ là nghề làm công, để bán được một bất động sản, họ phải đầu tư chi phí rất nhiều. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều người đang không hiểu về nghề môi giới bất động sản và tầm quan trọng của nghề này, nên thường chỉ nhìn nhận một cách phiến diện, tiêu cực.

HPL

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.